MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Chương mới" tại Eximbank

17-06-2022 - 08:36 AM | Tài chính - ngân hàng

"Chương mới" tại Eximbank

Eximbank đang chuẩn bị chia cổ tức lần đầu tiên kể từ năm 2014, kết thúc hơn một thập kỷ không tăng vốn điều lệ. Chủ tịch ngân hàng này mới đây khẳng định tình trạng ''đấu đá nội bộ'' đã hết và ngân hàng sẽ trở lại mạnh mẽ...

Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) vừa thông qua việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận từ năm 2017 đến năm 2021. 

Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành gần 245,9 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức theo tỷ lệ 20%, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu EIB sẽ được nhận số cổ phần mới tối đa là 20 cổ phần. Thời gian dự kiến hoàn thành việc phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ là trong quý III/2022.

Như vậy, cổ đông Eximbank chuẩn bị nhận được cổ tức sau 8 năm chờ đợi. Lần chia cổ tức gần đây nhất là 4% bằng tiền mặt cho năm 2013 và được thực hiện vào năm 2014. Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên 2021, cựu Chủ tịch ngân hàng là ông Yasuhiro Saitohcho cho biết, năm 2022, Eximbank đã thỏa mãn điều kiện cuối cùng để chia cổ tức sau khi tất toán xong toàn bộ trái phiếu VAMC.

Sau khi hoàn tất phát hành cổ phiếu chia cổ tức, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng lên mức 14.814 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Eximbank thực hiện tăng vốn điều lệ sau hơn một thập kỷ. Lần tăng vốn gần nhất diễn ra vào năm 2011 khi ngân hàng thực hiện phát hành cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 17%.

Không chỉ quay lại cuộc đua tăng vốn, Eximbank cũng đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ trên thị trường nợ với việc thông qua phương án phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ năm 2022. Đợt phát hành này nhằm tăng quy mô vốn hoạt động, phục vụ nhu cầu cấp tín dụng, đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định.

Quyết tâm ''chuyển mình'' của Eximbank còn thể hiện qua động thái khởi động lại dự án trụ sở chính tại số 7, đường Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM (Tháp Eximbank) sau hơn một thập kỷ ''đắp chiếu''. 

Theo đó, ngân hàng sẽ đầu tư xây dựng Tháp Eximbank bằng 100% nguồn vốn tự có. HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025) được giao nhiệm vụ triển khai công tác lập và trình phê duyệt quy hoạch, lập và trình phương án kiến trúc, lập báo cáo đầu tư xây dựng tòa nhà Eximbank phù hợp với chủ trương đầu tư của ngân hàng và quy hoạch của TP HCM để trình ĐHCĐ trong những kỳ đại hội tiếp theo để phê duyệt trước khi thực hiện.

Liên tiếp những bước đi mang tính lịch sử của Eximbank được thực hiện sau khi ''cuộc chiến vương quyền'' dường như đã ngã ngũ khi ngân hàng này tổ chức thành công hai phiên Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 và 2022, với tỷ lệ tham dự lên tới 95%.

Trước đó, Eximbank nhiều lần lên kế hoạch tổ chức họp kể từ năm 2019 nhưng đều thất bại. Cho tới phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần 2 vào ngày 15/2 năm nay, Eximbank mới dàn xếp được đội ngũ Hội đồng quản trị mới khi bà Lương Thị Cẩm Tú - thành viên duy nhất từ Hội đồng quản trị nhiệm kỳ cũ - trở thành chủ tịch.

Sự đồng thuận giữa các nhóm cổ đông Eximbank cũng ngày càng tăng khi hầu hết các tờ trình của ban lãnh đạo đều được ĐHĐCĐ thường niên 2022 lần 2 thông qua.

Chia sẻ tại cuộc họp gần nhất, bà Lương Thị Cẩm Tú cho biết tình trạng "đấu đá nội bộ" đã kết thúc. Ở nhiệm kỳ VII (2020 – 2025), tức nhiệm kỳ hiện tại, Hội đồng quản trị đề ra mục tiêu đặt lợi ích cổ đông và phát triển ngân hàng lên hàng đầu.

Theo bà Tú, HĐQT nhiệm kỳ VII có sự thống nhất và nhất trí cao của cổ đông với tỷ lệ tham dự đại hội lên gần 95%. Đồng thời, không có nhóm cổ đông nào hoặc nhóm lợi ích nào có thể chi phối hoạt động HĐQT Eximbank. 

"Ban lãnh đạo ngân hàng sẽ cố gắng đưa Eximbank trở lại quỹ đạo, càng ngày càng đi lên chứ chúng ta hiện nay đang tụt lại quá sâu so với các ngân hàng bạn trên thị trường tài chính Việt Nam", Chủ tịch Eximbank nhấn mạnh: ''HĐQT nhiệm kỳ VII đảm bảo cho Eximbank phát triển tốt nhất, đảm bảo quyền lợi cho tất cả nhà đầu tư, nhân viên, xã hội. Tất cả đều có mục tiêu chung về chiến lược, hoạt động ngân hàng với kỳ vọng đưa Eximbank trở lại Top 10''.

Với kỳ vọng về sự ổn định về bộ máy lãnh đạo, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 ở mức 2.500 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi kết quả năm 2021. Trong trường hợp hoàn thành, đây sẽ là mức lợi nhuận lớn nhất từ 2012 đến nay của ngân hàng này.

Kết thúc quý I, lợi nhuận hợp nhất trước thuế quý I đạt hơn 809 tỷ, gấp hơn 3,77 lần cùng kỳ 2021 và thực hiện được gần 1/3 kế hoạch đề ra. Với tốc độ này, Eximbank hoàn toàn có thể đạt và vượt mục tiêu lợi nhuận đề ra trong năm nay.

https://cafef.vn/chuong-moi-tai-eximbank-20220616224010918.chn

Quang Hưng

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên