MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL: Lãi suất giảm ít nhất 1%/năm, nhiều ngân hàng cùng tham gia

07-11-2024 - 09:00 AM | Tài chính - ngân hàng

Chương trình cho vay theo 2 giai đoạn (căn cứ theo 2 giai đoạn triển khai Đề án theo Quyết định 1490), trong đó giai đoạn thí điểm từ nay tới cuối năm 2025 do Agribank là ngân hàng chủ lực cho vay và giai đoạn mở rộng từ khi kết thúc thí điểm tới năm 2030 tại các TCTD.

Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL: Lãi suất giảm ít nhất 1%/năm, nhiều ngân hàng cùng tham gia- Ảnh 1.

Phó Thống đốc thường trực NHNN phát biểu tại Hội nghị

Ngày 7/11/20224 tại Đồng Tháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, UBND tỉnh Đồng Tháp, tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu Ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL.

Hội nghị do ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN); ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đồng chủ trì. Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo UBND 12 tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL, đại diện Sở, Ban, Ngành địa phương, lãnh đạo các Vụ, Cục NHNN, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, các Hiệp hội, Doanh nghiệp trên địa bàn và các TCTD.

Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL: Lãi suất giảm ít nhất 1%/năm, nhiều ngân hàng cùng tham gia- Ảnh 2.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh Lúa gạo là một trong những ngành nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta. Nhằm mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, tạo ra những bước đi vững chắc, mang tính đột phá cho ngành lúa gạo Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của xu thế quốc tế mới, khẳng định và giữ vững vị thế của thương hiệu gạo của nước ta trên thị trường quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 phê duyệt Đề án : “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. NHNN và ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp về tín dụng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vùng ĐBSCL phát triển sản xuất kinh doanh nói chung và trong sản xuất lúa chất lượng cao nói riêng.

Hằng năm, NHNN Trung ương và các chi nhánh tại địa phương đều tổ chức các Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp và các Hội nghị chuyên đề về tín dụng đối với ngành nông sản chủ lực và lúa gạo vùng ĐBSCL; đồng thời có nhiều văn bản chỉ đạo các TCTD tập trung cho vay, mở rộng hạn mức tín dụng, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay... để đáp ứng vốn từ khâu sản xuất (phân bón, giống, vật tư...) đến khâu chế biến, thu mua, tiêu thụ nông sản và lúa gạo; qua đó tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong quan hệ tín dụng cho hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo.

Phó thống đốc cập nhật, đến cuối tháng 9/2024, huy động trên địa bàn các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đạt khoảng 857 nghìn tỷ đồng (đáp ứng 72% nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn), tăng 6,1% so với cuối năm 2023; tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng 1,18 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của vùng đạt khoảng 643 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với 2023, chiếm 54% tổng dư nợ trên địa bàn. Riêng đối với ngành lúa gạo - là thế mạnh của vùng luôn có mức tăng trưởng tín dụng cao, hiện đạt khoảng 124 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với cuối năm 2023, chiếm khoảng 11% dư nợ tín dụng vùng và chiếm 53% dư nợ tín dụng lúa, gạo toàn quốc.

Đối với nhiệm vụ của NHNN tại Đề án “ Nghiên cứu, đề xuất xây dựng Chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp; thời gian triển khai từ 2025-2030 ”, NHNN đã khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành, UBND 12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và đơn vị liên quan xây dựng và có Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định 1490/QĐ-TTg. Ngày 11/10/2024 NHNN đã có các v ăn bản gửi các tổ chức tín dụng và NHNN chi nhánh tỉnh, TP vùng ĐBSCL hướng dẫn triển khai Chương trình; Văn bản gửi: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND 12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL về phối hợp triển khai một số nội dung liên quan đến nhiệm vụ của Bộ, địa phương để các TCTD có cơ sở thực hiện cho vay theo Chương trình.

Một số nội dung chính của Chương trình cho vay

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN thông tin tới Hội nghị một số nội dung chính của Chương trình cho vay. Cụ thể:

Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL: Lãi suất giảm ít nhất 1%/năm, nhiều ngân hàng cùng tham gia- Ảnh 3.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế phát biểu

Về các giai đoạn triển khai : Chương trình cho vay theo 2 giai đoạn (căn cứ theo 02 giai đoạn triển khai Đề án theo Quyết định 1490), trong đó giai đoạn thí điểm từ nay tới cuối năm 2025 do Agribank là ngân hàng chủ lực cho vay và giai đoạn mở rộng từ khi kết thúc thí điểm tới năm 2030 tại các TCTD. Hiện nay, căn cứ vào nội dung khung Chương trình cho vay theo chỉ đạo của NHNN, Agribank đã ban hành văn bản hướng dẫn nội bộ để triển khai thí điểm cho vay. Đồng thời, NHNN khuyến khích các TCTD khác đăng ký cho vay trong giai đoạn thí điểm và đề nghị các ngân hàng sẵn sàng văn bản hướng dẫn để triển khai ngay trong giai đoạn mở rộng thực hiện.

Về nguồn lực và nguyên tắc cho vay : TCTD thực hiện cho vay bằng nguồn vốn tự huy động của TCTD; do đó, việc cho vay được thực hiện theo cơ chế thương mại với các điều kiện cho vay theo quy định hiện hành của TCTD đối với khách hàng.

Về thời hạn và mục đích cho vay : Đáp ứng nhu cầu vốn ngắn, trung, dài hạn của tất cả các khâu (sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ) trong liên kết lúa gạo.

Về lãi suất cho vay : TCTD chủ động cân đối nguồn vốn, tiết giảm chi phí để xem xét áp dụng lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu 01%/năm so với lãi suất cho vay của kỳ hạn tương ứng đang áp dụng đối với khách hàng cùng kỳ hạn/cùng nhóm.

Để triển khai Chương trình cho vay đạt hiệu quả, NHNN đề xuất:

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Kịp thời tổng hợp, công bố chung các vùng chuyên canh, các liên kết và chủ thể tham gia liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long theo quy định tại Quyết định 1490/QĐ-TTg để các tổ chức tín dụng tiếp cận, xem xét, quyết định cho vay.

UBND 12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL : Xác định, lập danh sách và công bố vùng chuyên canh, các liên kết và chủ thể tham gia liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp trên địa bàn theo Quyết định 1490/QĐ-TTg theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp và công bố chung để tổ chức tín dụng tiếp cận, xem xét, quyết định cho vay. Kịp thời thông báo cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn những trường hợp chủ thể không còn tham gia liên kết lúa gạo. Giao cơ quan chuyên môn của địa phương căn cứ định mức kinh tế kỹ thuật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành để xác định và công bố trên trang thông tin điện tử của tỉnh, thành phố về định mức chi phí thực tế thực hiện khâu sản xuất lúa gạo trong liên kết lúa gạo theo tiêu chuẩn tại Quyết định 1490/QĐ-TTg để các tổ chức tín dụng tham khảo xác định mức cho vay đối với khách hàng. Chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành trên địa bàn theo dõi, đôn đốc, giám sát các chủ thể tham gia liên kết lúa gạo trong việc thực hiện cam kết trong quá trình triển khai Đề án.

Đối với ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chỉ đạo

Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL: Lãi suất giảm ít nhất 1%/năm, nhiều ngân hàng cùng tham gia- Ảnh 4.

NHNN chi nhánh 12 tỉnh, thành phố tại ĐBSCL: Chỉ đạo, theo dõi việc cho vay theo Chương trình của các chi nhánh Agribank trên địa bàn; Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành trong việc tổ chức thực hiện Chương trình trên địa bàn; kịp thời tham mưu cho NHNN, UBND tỉnh, thành phố xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai cho vay.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Đẩy mạnh cho vay theo Chương trình; xác định việc thực hiện cho vay trong giai đoạn thí điểm là nhiệm vụ chính trị; Tăng cường công tác truyền thông, thông tin tại vùng ĐBSCL để các khách hàng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân biết và tiếp cận chính sách. Kịp thời báo cáo NHNN những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình cho vay theo Chương trình.

Các NHTM khác: Xem xét đăng ký cho vay trong giai đoạn thí điểm và sẵn sàng văn bản hướng dẫn để triển khai ngay trong giai đoạn mở rộng thực hiện.

Hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng: Hướng dẫn, tuyên truyền về Chương trình cho vay để các thành viên nắm bắt, tiếp cận chính sách thuận lợi.

Các hộ dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia Đề án: Chủ động phối hợp cung cấp đầy đủ, minh bạch thông tin về tình hình tài chính, hoạt động, xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh... để Agribank có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay. Thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung trong thỏa thuận liên kết giữa các bên; thỏa thuận cho vay ký kết với Agribank, các tổ chức tín dụng cho vay.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú tin rằng, với sự quyết tâm, triển khai đồng bộ của Bộ, ngành, địa phương và của các TCTD, trong đó chủ lực cho vay Chương trình trong giai đoạn thí điểm là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL sẽ đạt hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao sản lượng và giá trị xuất khẩu ngành hàng lúa gạo, mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu và nâng cao vị thế của ngành hàng lúa gạo Việt Nam trên trường quốc tế.

H. Kim

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên