MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện “bad boy” và “good boy” nối nghiệp ở những công ty gia đình nổi tiếng nhất Việt Nam

Nếu có nhiều F2 ở những công ty gia đình nổi tiếng được biết đến với ý chí, tài năng và trưởng thành vượt bậc sau khủng hoảng của gia đình thì cũng có những thiếu gia nổi tiếng với hình tượng “bad boy”. Bên cạnh đó là những hình tượng “good boy” kiểu mẫu nối nghiệp gia đình.

Chuyện “bad boy” và “good boy” nối nghiệp ở những công ty gia đình nổi tiếng nhất Việt Nam - Ảnh 1.

Trước khi được biết đến với hình tượng doanh nhân Nguyễn Quốc Cường, thiếu gia nhà Quốc Cường Gia Lai đình đám với biệt danh Cường Đôla. Không giống với các thế hệ F2 từ nhiều gia đình kinh doanh nổi tiếng, Cường Đôla là cái tên nổi tiếng nhờ thú chơi siêu xe và mối tình với các người đẹp đình đám nhất Việt Nam như H.N.H, T.T.H…

Kể cả khi làm kinh doanh nhiều năm, với vị trí Phó Tổng giám đốc Quốc Cường Gia lai, Cường Đôla vẫn là biệt danh được nhiều người nhắc tới bởi dấu ấn của "doanh nhân Nguyễn Quốc Cường" khá mờ nhạt. Một người thân của Cường tiết lộ vào thời điểm cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai mới lên sàn: "Cường giờ vẫn chưa quen với áp lực bị người ta chửi bới, khiếu nại rồi dùng nhiều trò công kích, chơi xấu… Do vậy, các công việc ở công ty mà liên quan đến những việc như vậy vẫn phải để người khác xử lý dù việc đó quan trọng trong ngành bất động sản".

Bước ngoặt khiến cho Cường thay đổi là thời gian Công ty Quốc Cường Gia Lai gặp khủng hoảng về nợ ngân hàng, cùng nhiều sự cố khác, đồng thời vị Phó TGĐ này cũng chia tay người vợ là ca sĩ Hồ Ngọc Hà. Sau thời gian khủng hoảng, công chúng thỉnh thoảng vẫn thấy Cường gắn với hình ảnh siêu xe cùng "CarPassion". Tuy nhiên, vào năm nay (2020), Nguyễn Quốc Cường đã tuyên bố không tiếp tục với "CarPassion" bởi "có những mục tiêu đặc biệt khác cần tập trung hơn".

Trước khi từ bỏ "CarPassion", Cường đã rời bỏ mọi chức vụ điều hành tại Quốc Cường Gia Lai, cũng không còn là thành viên HĐQT. Thay vào đó, "bad boy" ngày xưa trở thành Tổng giám đốc một công ty bất động sản mới có tên Chánh Nghĩa Quốc Cường (thực tế là công ty con của Quốc Cường Gia Lai). Công ty này hiện đổi tên thành C-Holdings.

Dự án đầu tiên của Cường với C-Holdings là C Skyview ở Bình Dương. Cùng với vợ mới (người đẹp Đàm Thu Trang), Cường mở công ty du lịch C-Travel, chuỗi nhà hàng C-TAO… trong chuỗi dự án C-Concept được vận hành bởi 2 vợ chồng.

Tách khỏi Quốc Cường Gia Lai, thực sự đứng ra vận hành một hệ thống kinh doanh mới, Nguyễn Quốc Cường đang rũ bỏ hình ảnh "bad boy" để trở thành một doanh nhân thực sự và là người nối nghiệp sau này của bà Nguyễn Thị Như Loan.

Bùi Cao Nhật Quân – "thiếu gia" nhà Novaland, nổi tiếng khi công ty này lên sàn chứng khoán bởi được xếp vào danh sách sát TOP 10 người giàu nhất. Cùng sinh năm 1982 như Nguyễn Quốc Cường nhưng nếu thiếu gia nhà Quốc Cường Gia Lai chỉ sở hữu một lượng cổ phiếu ít ỏi thì Bùi Cao Nhật Quân sở hữu hàng chục triệu cổ phiếu, với khối tài sản hàng nghìn tỷ đồng.

Trước khi về làm trong công ty gia đình với các vị trí quan trọng, Quân bắt đầu công việc tại Pepsi Việt Nam. Khi về công ty gia đình làm, thậm chí, Bùi Cao Nhật Quân còn được đặt vào vị trí Tổng giám đốc Novaland một thời gian trước khi trở thành Phó Chủ tịch HĐQT và Phó Tổng giám đốc. Sau khi gặp sự cố trên mạng và bị gắn với hình ảnh "bad boy", Bùi Cao Nhật Quân phải rời HĐQT, từ bỏ chức Phó Tổng giám đốc năm 2017.

Tuy nhiên, không giống với người bạn đồng niên Cường Đôla, Bùi Cao Nhật Quân là doanh nhân thực sự trước khi gặp sự cố. Dù không còn giữ chức vụ cấp cao chính thức ở Novaland, nhưng thực chất Quân vẫn phụ trách nhiều công việc quan trọng tại tập đoàn bất động sản này và vẫn góp nhiều công sức đưa Novaland vượt qua thời kỳ khó khăn.

Chuyện “bad boy” và “good boy” nối nghiệp ở những công ty gia đình nổi tiếng nhất Việt Nam - Ảnh 2.

Hai cậu con trai của bầu Hiển được cha mình cho học kinh doanh theo kiểu "từ nhỏ đi lên". Sau khi tốt nghiệp đại học ở Singapore, Đỗ Quang Vinh về SHB làm việc với vị trí chuyên viên kiểm toán nội bộ rồi luân chuyển qua nhiều phòng ban tại đây trước khi sang Anh học tiếp thạc sĩ.

Sau khi làm việc 3 năm với vị trí CEO T&T tại Mỹ, Vinh trở về làm việc tại SHB nơi bố mình làm Chủ tịch HĐQT với vị trí Phó giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ. "Good boy" từng nổi tiếng với biệt danh "thiếu gia nghìn tỷ đi xe máy" cho biết: "Tôi muốn làm mới hình ảnh của SHB để hướng vào những tập khách hàng mới, đặc biệt là nhóm trẻ và thành đạt".

Người em trai của Vinh là Đỗ Vinh Quang tốt nghiệp đại học ở Anh về nước làm việc ở Tập đoàn T&T với vị trí chuyên viên Ban Đầu tư. Cũng giống như người anh của mình, Quang cũng phải trải qua thời gian học việc từ cấp thấp nhất để hiểu được quá trình vận hành, các chi tiết của công việc.

Sau khi được thăng chức Phó giám đốc Ban quản lý phát triển thể thao ở Tập đoàn T&T, Quang được công chúng biết đến với vị trí Chủ tịch CLB bóng đá Há Nội. Quang trở thành chủ tịch một câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp trẻ nhất lịch sử ở Việt Nam khi mới 25 tuổi. Gần đây, ngoài công việc ở ban đầu tư, Quang bắt đầu tham gia nhiều công việc ở các công ty nhỏ khác trong Tập đoàn T&T.

Tương tự như người anh của mình, Quang cũng là một "good boy" và chăm chỉ học làm kinh doanh để nối nghiệp gia đình. Mặc dù xuất hiện trên truyền thông khá nhiều với hình ảnh "good boy", 2 cậu con trai nhà bầu Hiển chưa có những dấu ấn nổi bật về kinh doanh.

Không giống với con bầu Hiển, con trai của ông Đỗ Minh Phú (Chủ tịch HĐQT Tiên phong Bank và Chủ tịch hội đồng sáng lập Tập đoàn Doji) gần như không xuất hiện trước công chúng. Tốt nghiệp đại học ở Anh, cậu con trai được bố khuyên nên học tiếp thạc sĩ về marketing và một bằng chuyên ngành của Viện Đá quý Hoa Kỳ (GIA).

Trở về làm trợ lý 1 năm cho bố và đi làm bằng xe máy, Đỗ Minh Đức có thời gian học việc ngắn bên cạnh người đứng đầu tập đoàn. Trả lời Trí thức trẻ, ông Đỗ Minh Phú nói đơn giản về việc con trai phải dùng xe máy đi làm: "Nhà tôi có điều kiện nhưng công ty không có tiêu chuẩn ô tô cho trợ lý và tôi không mua ô tô riêng cho con" (cười).

Sau thời gian học việc với bố, Đỗ Minh Đức được thử sức với vị trí Giám đốc chi nhánh Doji TP.HCM -chiến trường khốc liệt nhất của ngành vàng bạc đá quý. 3 năm "chinh chiến" tại TPHCM, Đức được đưa ra Hà Nội giữ vị trí Tổng giám đốc Doji. Việc bổ nhiệm con trai vào vị trí này theo ông Phú là "hơi sớm một chút" vì liên quan đến quy định của luật ngân hàng.

Theo quy định, ông Phú không thể vừa làm Chủ tịch Tiên Phong Bank lại làm Chủ tịch và Tổng giám đốc Doji. Vì thế, nhà sáng lập Doji quyết định tập trung cho công việc tại ngân hàng và để phần việc ở công ty vàng bạc đá quý cho con trai quản lý sớm hơn dự kiến.

Hoàng Ly

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên