Chuyện bất ngờ ở Sông Đà 1: Chủ nợ phải đổi 10.000 đồng cho vay lấy 1 cổ phiếu với giá "mớ rau"
Không những "phép tính quy đổi 10.000 đồng nợ=1 cổ phiếu SD1=2.000 đồng tính theo thị giá hiện hành mang đầy tính "phi lý", chủ nợ SD1 còn bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Công ty cổ phần Sông Đà 1 (mã chứng khoán SD1) vừa thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ của Công ty. Theo đó Sông Đà 1 sẽ thực hiện chủ trương theo phương thức phát hành, chào bán riêng lẻ để hoán đổi công nợ phải trả tại thời điểm 31/12/2018 (khoản nợ có trong BCTC đã kiểm toán năm 2018) thành cổ phần của Công ty. Thời gian phát hành dự kiến ngay sau khi được ĐHĐCĐ thường niên 2019 thông qua.
Đổi 10.000 đồng nợ lấy 1 cổ phiếu giá thị trường 2.000 đồng
Đáng chú ý nhất trong phương án phát hành hoán đổi nợ lấy cổ phần của công ty đó là: Mệnh giá cổ phần phát hành riêng lẻ là 10.000 đồng/cổ phần, tỷ lệ hoán đổi là 1:10.000, tức 1 cổ phiếu sẽ hoán đổi 10.000 đồng nợ.
Nói dễ hiểu hơn, cứ 10.000 đồng nợ mà chủ nợ đã cho công ty vay thì họ "bị" đổi thành tương đương 1 cổ phiếu SD1. Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu SD1 đang là 2.000 đồng.
Không những "phép tính quy đổi 10.000 đồng nợ=1 cổ phiếu SD1=2.000 đồng tính theo thị giá hiện hành mang đầy tính "phi lý", chủ nợ SD1 còn bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Đối tượng chào bán là tổ chức và cá nhân đang là chủ nợ của Công ty và có nhu cầu hoán đổi các khoản nợ sang hình thức đầu tư cổ phiếu SD1.
Trên thị trường, thanh khoản cổ phiếu SD1 rất thấp, hầu như rất ít giao dịch khớp lệnh. Cổ phiếu SD1 dò đáy trong thời gian khá lâu và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, đang giao dịch quanh mức 2.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy các chủ nợ sẽ chịu lỗ khá cao khi số tiền cho vay bị quy ra tỷ lệ 10.000 đồng được trả bằng cổ phiếu tương đương giá trị thị trường có 2.000 đồng.
Diễn biến giá cổ phiếu SD1 từ ngày lên sàn giao dịch đến nay.
Ai là chủ nợ của SD1?
Từ năm 2012 đến nay, Công ty Sông Đà 1 luôn chìm trong thua lỗ. Năm 2018, vốn chủ sở hữu đã âm gần 90 tỷ đồng do lỗ lũy kế tới gần 158 tỷ đồng. Vay nợ ngắn hơn 159 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn chưa thanh toán tại Hà Châu OSC là hơn 3,4 tỷ đồng, Sông Đà Thăng Long 934 triệu đồng, CTCP Xi măng Hạ Long 576 triệu đồng.
Còn vay nợ thuê tài chính ngắn hạn từ bà Vũ Thị Hồng Duyên (thành viên HĐQT công ty) là 1,68 tỷ đồng, ông Đặng Duy Phong 80 triệu đồng, ông Nguyễn Duy Kiên 905 triệu đồng, bà Trịnh Thị Hồng 500 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Khuôn 450 triệu đồng... Ngoài ra Công ty còn có vay BIDV Đông Đô 7,78 tỷ đồng, Agribank là 14,6 tỷ đồng.
Đáng chú ý trong những chủ nợ của công ty ngoài các tổ chức tài chính là ngân hàng BIDV và Agribank thì chủ nợ chủ yếu là cổ đông sáng lập của Sông Đà 1 (CTCP Sông Đà Thăng Long, CTCP Hà Châu OSC) và các cá nhân.
Trí Thức Trẻ