Chuyện bi hài ở CLB xem mắt của các "bô lão" Thượng Hải: 70 tuổi vẫn sợ bị "đào mỏ", U90 mới quyết ly hôn vợ ngoại tình
Câu chuyện về thế giới tình cảm của những cụ ông, cụ bà tại CLB xem mắt ở Thượng Hải, Trung Quốc này sẽ khiến nhiều người phải suy ngẫm.
- 23-11-2020Khi về già, người ta hối tiếc nhất điều gì?
- 16-11-2020"Người giàu làm việc đến già, người nghèo thích nghỉ hưu sớm": Bạn thì sao? Bạn muốn làm việc đến năm bao nhiêu tuổi?
- 14-11-2020Tự sự của một người già: "Qua gần hết đời người tôi mới nhận ra, đường đời, tự mình vượt qua, chính là đáp án cuối cùng"
Thời gian trước, Cận Đông (diễn viên nổi tiếng Trung Quốc) bị kẻ xấu giả danh, gây náo loạn suốt một thời gian dài trên internet. Kẻ lừa đảo này lợi dụng filter đổi mặt của APP chụp ảnh để ngụy trang thành Cận Đông, thành công lừa được tới 60 người phụ nữ, khiến họ ầm ĩ đòi ly hôn chồng để tái giá với hắn.
Cận Đông giả, Mã Vân (tỉ phú Jack Ma) giả, Lưu Khải Uy giả... chỉ cần lên mạng đăng tải một đoạn video, thậm chí chỉ cần giọng nói tương tự như diễn viên nổi tiếng nào đó, lập tức sẽ có một lượng đông đảo các bà, các dì yêu thích và sẵn sàng vung tiền cho họ.
Mánh khóe lừa đảo này dễ dàng thành công và lặp lại nhiều lần như vậy là bởi những kẻ lừa đảo nắm bắt được lỗ hổng trong thế giới tình cảm của những người lớn tuổi: thiếu sự ấm áp, thiếu sự quan tâm, không có chỗ dựa. Thượng Hải là thành phố tiến vào giai đoạn dân số già sớm nhất Trung Quốc. Xã hội già hóa dẫn đến số người già đi đăng ký kết hôn tăng lên như một xu hướng.
5 năm trước, tòa án quận Tĩnh An, Thượng Hải thụ lý vụ ly hôn của một cặp vợ chồng cao tuổi nhất trong lịch sử thành phố. Nguyên cáo họ Phương khi ấy 93 tuổi, bị cáo là vợ của ông Phương cũng đã 76 tuổi. Khác với nguyên nhân ly hôn thường gặp ở những cặp đôi trẻ tuổi như hờn dỗi, tính cách không phù hợp, yêu nhanh cưới vội ly hôn gấp, áp lực kinh tế... nguyên nhân ly hôn của người già đều là vì tuổi tác cao, con cái đã trưởng thành, không còn lý do gì để phải chịu đựng nhau, tiếp tục chung sống nữa.
Cô độc, không được quan tâm, không có tự do, không muốn nhẫn nhịn, khó chịu với miệng lưỡi thế gian... là những điều mà nhiều cụ ông, cụ bà ở Thượng Hải đang phải đối mặt. Vậy thế giới tình cảm của những người cao tuổi hoặc góa bụa, hoặc ly hôn, hay có thể già rồi mà chưa từng được nếm trải mùi vị tình ái rồi sẽ đi về đâu?
Không muốn cô đơn nhưng lại ngại mở lời
Câu chuyện được cụ bà Thượng Hải Tiểu Hương Phong, 60 tuổi chia sẻ như sau:
Ở Thượng Hải khi tham gia câu lạc bộ xem mắt thì quan trọng nhất là dresscode, về phương diện này tôi chắc chắn không hề thua kém. Con gái tôi đã giúp tôi chọn một bộ váy ngắn kèm áo khoác đen trắng, đi kèm giày cao gót, rất phong cách. Cho tới tận bây giờ, tôi chưa từng nghĩ có ngày mình sẽ đi xem mắt.
Ảnh minh họa
Mấy năm trước, chồng tôi đột ngột qua đời. Ban ngày tôi vẫn tham gia các câu lạc bộ khiêu vũ, nhưng đến buổi tối nỗi bi thương như gặm nhấm tâm hồn tôi từng chút một. Con gái bầu bạn với tôi hơn nửa năm, nhưng rồi nó cũng không thể ở bên tôi mãi, nó còn có gia đình, con cái và công việc. Tôi không thể cứ làm phiền nó mãi được. Năm ngoái, có người bạn nói cho tôi biết ở đây có CLB xem mắt và muốn rủ tôi tham gia, tôi đã từ chối theo bản năng. Đối với tôi, xem mắt vẫn là một chuyện vô cùng khó mở lời.
Sau khi được con gái và hội bạn thân làm công tác tư tưởng, tôi cuối cùng đã tham gia CLB xem mắt, nhưng không ôm quá nhiều hi vọng. Phẩm hạnh rất quan trọng, chỉ cần thông qua cách nói năng cũng có thể cảm nhận được nhân cách của đối phương. Tóm lại, đối với việc kén vợ kén chồng, tôi là một người yêu ghét rõ ràng.
Ảnh minh họa
Có ông anh cao 1m8 hào hoa phong nhã, tính tình cũng khá ổn bắt chuyện với tôi, mời tôi đến gần cửa sổ ngồi, rồi vội vã mang cafe và bánh ngọt tới. Nói chuyện với anh ấy rất vui vẻ, anh ấy tiết lộ bản thân cũng có con gái, lương hưu 4-5.000 tệ (tương đương 14-18 triệu đồng), đủ nuôi sống bản thân. Anh ấy hỏi tôi có thể về góp gạo thổi cơm chung với anh ấy hay không, chỉ cần tôi quyết định là được.
Tái hôn là chuyện lớn, không phải nói thành là thành. Phải chịu được ánh mắt của người đời, rất nhiều người có thành kiến với những người đã nhiều tuổi mà vẫn theo đuổi tình yêu, sau lưng gièm pha, chỉ trỏ. Mặt khác, tôi muốn hỏi ý kiến của con gái, tìm được một nơi khuây khỏa tâm tình tôi đã mãn nguyện lắm rồi.
Đi xem mắt hay xem tài sản?
Tâm sự của một cụ ông 70 tuổi có biệt danh Lão Khắc Lặc:
Ăn xong cơm trưa, tôi chải vội mái tóc bạc, chuẩn bị xuất phát. 4 năm qua, CLB xem mắt dường như trở thành thói quen thường ngày của tôi. Tôi không thích náo nhiệt nên tìm một nơi ít người để ngồi, một tay chậm rãi khuấy cafe, một tay lướt điện thoại, cũng xem như là niềm vui tuổi già.
Ảnh minh họa
Mục đích của tôi khi đến đây không phải là để xem mắt, mà xem mắt ở đây tỉ lệ thành đôi vô cùng thấp. Hai người từ xa lạ đến thân quen rồi phát triển thêm bước nữa cần một quãng thời gian dài, không có nền móng thực sự rất khó. Hơn nữa, CLB xem mắt ngày càng nổi tiếng, người gia nhập mỗi ngày một tăng, không tránh khỏi việc có đủ loại người trà trộn, nếu không cẩn thận rất dễ bị lừa gạt.
4 năm trước, bà xã tôi qua đời. Lúc lâm chung, bà ấy nói với tôi: "Tôi nghĩ thông suốt rồi, nếu đã không thể ở bên ông thì chờ tôi đi rồi, ông lại tìm người khác mà bầu bạn." Đi xem mắt, một nửa là tôn trọng nguyện vọng của bà ấy, một nửa là để xua tan bớt những uể oải của cuộc sống đơn độc. Tôi có 2 đứa con, con gái ở nước ngoài, con trai vẫn ở Trung Quốc nhưng đứa thì không thường xuyên về nhà, đứa thì rất ít hỏi han, tâm sự với tôi.
1h chiều, một bà bạn gái trạc tuổi tôi, áo quần sạch sẽ gọn gàng, tay bê đồ uống lịch sự ngồi xuống đối diện tôi. Tôi dùng ánh mắt chào hỏi một cái. Trò chuyện một hồi, bà ấy đặt một loạt các câu hỏi xoáy sâu vào kinh tế: Tiền lương hưu ông bao nhiêu, nhà ở đâu, nhà có đứng tên ông không, con gái mỗi tháng có cho ông tiền tiêu vặt không… Tôi cảm thấy có gì đó không đúng bèn trả lời: "Lương hưu của tôi chỉ có 1.000 tệ (khoảng 3,5 triệu đồng), nuôi bản thân còn khó."
Ảnh minh họa
Tôi hàn huyên với vài người khác, tiền bạc luôn là yếu tố cần cân nhắc nhất, tuy rằng tôi không cho như vậy là sai, nhưng thực lòng vẫn có cảm giác mục đích của xem mắt đã biến chất. Nếu đã quyết định dắt tay nhau đi nốt quãng đời còn lại, mọi chuyện phải được phân định rõ ràng. Ví dụ như, nhà của tôi là của tôi, nhà của bà là của bà, sau này con ai người ấy cho, bà có thể ở nhà của tôi nhưng sổ đỏ sẽ không thêm tên của bà, tiền sinh hoạt các loại, tôi chu cấp đầy đủ, bà có thể phụ thêm nếu muốn.
Các ông, các bà đi xem mắt thực tế là đánh cược kinh tế với nhau, cuối cùng không có mấy người thắng. Thế nhưng đối với những người không còn trẻ trung như chúng tôi, quãng đời ngắn ngủi về sau vẫn cần có bạn bè chia sẻ tâm sự, đó là động lực giúp chúng tôi duy trì được tinh thần, chống chọi với nỗi cô đơn ngày qua ngày.
Cụ bà tuổi bát tuần náo loạn đòi ly hôn chồng
Cố vấn tâm lý Phố Tuấn chia sẻ một câu chuyện hết sức đáng nhớ:
Có một bà cụ năm nay trên dưới 80, mỗi lần đến chỗ tôi xin tư vấn đều khăng khăng nói muốn ly hôn. Khách hàng thoạt nhìn đã rất cao tuổi nhưng trí nhớ vô cùng tốt. Cụ bà kể chi tiết từ thuở nhi đồng đến khi thiếu nữ bắt đầu biết yêu, rồi đến việc quen biết người chồng hiện tại ra sao, bao lâu sau thì kết hôn. Nhưng mỗi lần kể xong cụ lại yêu cầu ly hôn với thái độ rất kiên quyết. Cụ chia sẻ rằng cụ ông trước đây rất tốt, nhưng hiện tại càng lúc càng quá quắt, cụ bà nghi ngờ ông nhà ngoại tình, luôn tìm cách trộm nữ trang của mình đem giấu tặng cho người tình.
Ảnh minh họa
Cụ bà tới xin tư vấn rất nhiều lần, mỗi lần cụ tới lại có một cụ ông đứng ngoài cửa lặng lẽ chờ đợi, hỏi ra mới biết đó chính là chồng của cụ bà. Tôi hỏi: "Cụ bà đòi ly hôn với ông, ông còn chờ đợi gì nữa?"
Cụ ông đáp: "Chịu thôi, vợ tôi không nhớ đường về nhà, tôi phải đi theo để dẫn bà ấy về." Nghe được câu trả lời, trong lòng tôi vừa chua xót lại vừa ấm áp. Thì ra cụ bà tuổi đã cao, mắc chứng hay quên, nhưng cụ ông vẫn tình nguyện cả đời bầu bạn, chăm sóc cho cụ bà.
Sau đó, tôi và cụ ông đưa cụ bà đến trung tâm phục hồi trí nhớ, bệnh tình của cụ bà có nhiều chuyển biến tích cực, từ đó về sau cụ bà không còn đề cập đến chuyện ly hôn nữa.
Cụ bà cô độc muốn quyên sinh
Câu chuyện về bà Hứa - tình nguyện viên hội người cao tuổi ở Thượng Hải:
Tôi từng biết một cụ bà 78 tuổi sống cô độc một mình, mấy năm trước chồng của cụ cùng các con lần lượt qua đời, chỉ còn một đứa cháu trai cũng bị mẹ nó mang đi nốt. Cụ cảm thấy sống tiếp chẳng có ý nghĩa gì, nhiều lần muốn tìm đến cái chết. Tôi một mặt khuyên giải cụ, một mặt đưa cụ tham gia CLB khiêu vũ kết giao thêm nhiều bạn bè. Ngoài ra, cụ còn hăng hái tham gia đoàn tình nguyện khống chế dịch Covid-19 ở địa phương.
Bà Hứa hiện tại khá bận rộn với các công tác tình nguyện
Trong thời gian cách ly, vào thứ 4 và thứ 5 mỗi tuần, tôi đều gọi điện tán gẫu với cụ. Có một lần, tôi gọi liền hơn 300 cuộc điện thoại nhưng không ai nghe máy, sau đó mới biết, hồi tháng 4 cụ lên cơn đau tim phải nằm viện.
Còn có một cụ khác 88 tuổi mắt đã lòa, mỗi ngày sống trong bóng tối chờ điện thoại của tôi. Có đôi lúc cụ cũng tỏ ý ngại ngùng vì làm mất nhiều thời gian và tiền điện thoại của tôi, rồi cụ hát cho tôi nghe, cảm ơn tôi đã đem đến cho cụ sự ấm áp. Nghe được những lời này của cụ, tôi xúc động vô cùng, nước mắt cứ thế tuôn rơi.
Quyết giải phóng cảm xúc của bản thân
Chia sẻ của một cụ ông Thượng Hải 89 tuổi:
Tôi năm nay 89 tuổi, đã nhẫn nhịn cả đời, không muốn tiếp tục nhẫn nhịn nữa, nên quyết tâm phải ly hôn. Việc tôi ly hôn khiến tất cả mọi người kinh ngạc không thôi, hội người cao tuổi cử người đến hỏi han tình hình, con cái cũng khuyên tôi cùng vợ cũ tái hôn, tôi đều kiên quyết từ chối: "Chuyện này không thể tha thứ!"
Ảnh minh họa
Tôi ly hôn là do bà xã tôi ngoại tình, mà tôi lại là một người rất coi trọng nguyên tắc. Cho dù cả hai tuổi tác đã cao, cũng không thể nào tha thứ được loại chuyện này. Gần nửa năm sau ly hôn, tôi dạo công viên và tìm được một người bạn tâm giao, mỗi ngày đúng giờ gặp nhau ở một nơi hẹn trước.
Bởi vậy cuộc sống của tôi sáng sủa lên không ít, giống như có thêm sức sống, hàng ngày đều có việc để làm, có người để chờ. Nhưng hàng xóm xung quanh biết chuyện đều đàm tiếu sau lưng rằng "không đứng đắn" hay "không mẫu mực"...
Có thể trong con mắt người đời, ly hôn vốn không phải là chuyện tốt, mà tôi đã lớn tuổi như vậy vẫn kiên quyết ly hôn, ly hôn xong còn tìm một người khác bầu bạn, họ cho rằng tôi già mà không nên nết, chẳng khác nào ly hôn để tìm mùa xuân thứ hai. Nhưng tôi lại cảm thấy không vấn đề gì, nhu cầu tình cảm của con người đâu có nề hà tuổi tác.
Nguồn: QQ
Trí thức trẻ