Chuyện cái bóng đèn: 10 năm thu lãi từ "mỏ vàng" Cuba sắp chấm dứt, Điện Quang tìm "hũ bạc" ở đâu?
Thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, doanh thu 2017 của Điện Quang được công ty chứng khoán Rồng Việt dự báo trông chờ cả vào thị trường trong nước với sản phẩm đèn LED. Tuy nhiên, sản phẩm này cũng gặp cạnh tranh rất lớn từ hàng Trung Quốc.
Công ty bóng đèn Điện Quang là một trong 2 nhà sản xuất hàng đầu Việt Nam về các thiết bị chiếu sáng và điện dân dụng, bên cạnh Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông.
Bắt đầu từ năm 2013, Điện Quang đã tiến hành sản xuất và kinh doanh rộng rãi các sản phẩm đèn LED. Trong chuỗi giá trị về đèn LED, Điện Quang thực hiện phần trung và hạ nguồn: nhập chip LED rồi tiến hành dán chip, lắp ráp và thiết kế đèn. Ngoại trừ chip LED phải nhập khẩu, hầu hết các linh kiện công ty đều có thể tự sản xuất nên tỷ lệ nội địa hóa lên tới 90%. Chất lượng của chip LED và linh kiện là yếu tố quyết định chất lượng của sản phẩm.
10 năm thu lãi từ Cuba dần đến hồi kết
Cách đây hơn 10 năm, Điện Quang xuất khẩu sản phẩm sang Cuba thông qua đối tác là Consumimport. Tuy nhiên, năm 2007, Điện Quang bất ngờ ghi nhận khoản phải thu rất lớn với Consumimport và khả năng thu hồi bị bỏ ngỏ, khiến doanh nghiệp phải vay nợ lớn từ BIDV để tài trợ cho hoạt động kinh doanh. Việc thiếu vốn cũng để lại hệ quả đến tận hôm nay, khiến Điện Quang đi sau Rạng Đông trong việc phát triển thị trường và kênh phân phối.
Bù lại, khi số tiền này được thanh toán dần bằng USD trong giai đoạn 2008-2016, Điện Quang ghi nhận doanh thu tài chính lớn, bao gồm lãi chênh lệch tỷ giá và lãi bán hàng trả chậm. Khoản phải thu tưởng là khó đòi này mỗi năm đem về từ 50-70 tỷ lợi nhuận cho Điện Quang, và đỉnh điểm là 100 tỷ trong năm 2016.
Tuy nhiên, với việc khoản phải thu đã gần như được xử lý xong, lợi nhuận của Điện Quang từ 2017 sẽ không còn được "tài trợ" từ nguồn này nữa.
Thị trường xuất khẩu khó khăn
Vài năm trở lại đây, thị trường xuất khẩu của Điện Quang đã cho thấy những dấu hiệu khó khăn.
Dù doanh thu xuất khẩu tăng mạnh trong giai đoạn 2013-2015, phần lớn trong số đó đến từ việc công ty thanh lý lô hàng Compact tồn từ 2007 (khoảng 200 tỷ trong 2013, 400 tỷ trong 2014 và phần lớn còn lại là trong 2015). Giá vốn thấp của lô hàng là một trong những nguyên nhân chính cho việc biên lợi nhuận của Điện Quang trong giai đoạn này có sự đột phá rõ rệt.
Bắt đầu từ 2016, khi không còn đóng góp của lô hàng trên, những khó khăn trên thị trường xuất khẩu mới hiện rõ. Điện Quang không cạnh tranh được với các doanh nghiệp Trung Quốc, vốn có giá thành sản phẩm thấp hơn nhờ năng lực sản xuất quy mô lớn và tính chuyên môn hóa cao.
Trung Quốc hiện là nước có ngành công nghiệp sản xuất LED lớn nhất trên thế giới, và tình trạng dư cung trong nước buộc các doanh nghiệp sản xuất đèn LED và cả đèn truyền thống của nước này phải tìm đầu ra ở các thị trường bên ngoài. Khi mà tình trạng này vẫn còn kéo dài, doanh thu xuất khẩu được dự đoán sẽ đóng góp không đáng kể vào doanh thu chung của Điện Quang.
Tương lai nào cho Điện Quang?
Gặp khó trên thị trường xuất khẩu, nhiều khả năng từ 2017 doanh thu của Điện Quang sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường trong nước. Dựa trên những đánh giá về thị trường đèn LED, Công ty chứng khoán Rồng Việt cho rằng, đây sẽ là động lực tăng trưởng của Điện Quang trong vài năm tới để phần nào bù đắp thiếu hụt từ nguồn doanh thu tài chính của đối tác Cuba.
"Giá đèn LED sẽ giảm một nửa trong 5 năm tới" - đó là dự đoán của Zia Eftekhar, CEO của Philips Bắc Mỹ, đưa ra năm 2011. Khi ấy, đèn LED có ưu thế vượt trội cả về độ sáng, tiết kiệm điện, cũng như tuổi thọ so với đèn huỳnh quang hay compact, và giá thành cao là rào cản gần như duy nhất để sản phẩm đến được tay người tiêu dùng.
Theo thời gian, nhờ công nghệ ngày càng hiện đại và quy mô sản xuất lớn, giá của đèn LED đã giảm rất mạnh. Đơn cử, giá bóng LED loại A, loại bóng đèn phổ thông nhất, tại Mỹ đã giảm tới 90% so với thời điểm bắt đầu xuất hiện năm 2008.
Tại Việt Nam, giá nhiều sản phẩm LED của Điện Quang cũng đã giảm 30-40% so với thời điểm cách đây 3 năm, mức giảm khá tương đương với xu hướng trên thế giới. Nhiều chuyên gia trong ngành dự đoán rằng xu hướng giảm giá của đèn LED sẽ tiếp tục trong một vài năm tới, và điều này sẽ thúc đẩy tỷ lệ thâm nhập của đèn LED, khi mà hiện tại vẫn còn khoảng cách giữa giá của đèn LED và đèn truyền thống.
Nghiên cứu của McKinsey chỉ ra rằng trong vòng đời của một công nghệ mới như TV màn hình phẳng hay máy quay kỹ thuật số, các sản phẩm này phải mất từ 5-7 năm để có thể đạt được mức độ thâm nhập 10%. Sau đó, tỷ lệ này chỉ mất thêm 1-3 năm để tăng lên 20%, và tăng rất nhanh trong khoảng thời gian còn lại. Ước tính về tỷ lệ thâm nhập đèn LED trên thế giới của Statista cũng cho thấy diễn biến tương tự khi đèn LED bắt đầu được thị trường biết đến và sử dụng vào năm 2010, tỷ lệ thâm nhập đạt 10% sau 5 năm, nhưng chỉ 2 năm sau đã vọt lên 26%.
Tại Việt Nam, đèn LED xuất hiện muộn hơn khi mà phải đến năm 2013 các công ty như Điện Quang, Rạng Đông mới bắt đầu xúc tiến thương mại hóa. Do đó, dựa trên những nghiên cứu về vòng đời sản phẩm, cũng như ước tính doanh số đèn LED những năm vừa qua của Điện Quang và Rạng Đông, VDSC cho rằng hiện tỷ lệ thâm nhập của đèn LED ở Việt Nam đang rơi vào mức 10%. Như vậy, thị trường chiếu sáng Việt Nam trong khoảng 3-4 năm tới đây hứa hẹn sẽ chứng kiến sự bùng nổ của các sản phẩm LED.
Đón đầu nhu cầu này, Điện Quang đang tiến hành xây dựng nhà máy LED mới tại khu CNC Quận 9, vốn đầu tư 600 tỷ, trong đó giai đoạn 1 là 330 tỷ (chủ yếu là xây dựng cơ bản), hoạt động vào quý 2/2018, nâng công suất lên 40 triệu bóng LED/năm. Nhà máy mới được miễn thuế trong 4 năm đầu, và ưu đãi 50% thuế trong 9 năm tiếp theo.
Thị trường đèn LED tuy tăng trưởng cao nhưng cạnh tranh cũng rất khốc liệt. Trái với việc sản xuất các sản phẩm bóng đèn truyền thống vốn là lợi thế của các doanh nghiệp quy mô lớn, sản xuất đèn LED có rào cản gia nhập thấp. Các doanh nghiệp nhỏ lẻ có thể dễ dàng nhập, ghép và bán các sản phẩm được lắp ráp sơ sài, chất lượng không cao với giá thấp và thực hiện quay vòng vốn nhanh. Cộng thêm sự tràn ngập của đèn Trung Quốc, khó khăn về mặt thị trường vẫn đang là vấn đề lớn nhất đối với Điện Quang.
Giá thành của một bóng đèn LED giá rẻ Trung Quốc bằng khoảng 1/2 giá của Điện Quang, nhưng tuổi thọ thực tế chỉ đạt 500 giờ, tức 1% so với tiêu chuẩn thông thường là 50.000 giờ. Như vậy, trong dài hạn, VDSC cho rằng người tiêu dùng sẽ dần nhận thức được lợi ích về mặt kinh tế khi sử dụng các sản phẩm chất lượng. Đây là điều đã từng xảy ra đối với đèn Compact trong quá khứ, khi mà các sản phẩm của Điện Quang và Rạng Đông cũng bị lấn át bởi đèn Compact Trung Quốc nhưng đã từng bước chiếm lĩnh niềm tin của người tiêu dùng.
Trí thức trẻ