Chuyện chép ở Phở 2000
Ông Alain Tấn
Ghé vào nhà hàng Phở 2000 trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1, TP.HCM) vào một buổi trưa nóng nực, tôi gặp chủ quán Alain Tấn đang tất bật ra vào, lên xuống giữa mấy bậc thang dẫn lên sảnh.
Không phải quán đang quá đông khách, mà ông đang phải xử lý một sự cố: cúp điện cả dãy phố. Sau 10 phút chiếc máy phát điện đã khởi động được, đèn lại sáng, máy lạnh đã thổi hơi mát, và bà Lynn Đào vợ ông lại hối hả vào bếp chăm chút nồi nước lèo để chuẩn bị đón đoàn du khách Ấn Độ đã đặt trước bữa trưa.
Gạt giọt mồ hôi rịn trên trán, ông Tấn cười: "Lâu lắm khu này mới lại bị cúp điện. Nhưng chúng tôi luôn có chuẩn bị. Vả chăng tôi đã quen với sự cúp điện ở thành phố này từ mấy chục năm trước".
Câu nói vô tình gợi lại một trời kỷ niệm. Đã ba mươi mấy năm ông Alain Tấn Huynh (Huỳnh Trung Tấn) và "bé" Đào (cách ông gọi vợ mình - bà Huỳnh Mỹ Trúc Liên) - hai vợ chồng rời những nhà hàng đang hái ra tiền trên đất Mỹ để trở về đồng cam cộng khổ với TP.HCM, với Việt Nam.
Việt Nam là để trở về
Ông Tấn kể: "Tôi là người Sài Gòn, được gia đình cho đi Mỹ du học từ năm 1971. Ông Huỳnh Lập - ba tôi - là nhà buôn viễn dương có tiếng. Ông buôn bán, giao nhận, phân phối hàng hóa ở các nước về cảng Sài Gòn, rồi đưa đi khắp miền Nam.
Cũng vì vậy mà ngày 29-4-1975, ông đã đưa được cả gia đình mình và gia đình mấy người bạn cùng lên tàu ở bến Bạch Đằng và ra đi. Tàu đến Philippines, vào trại tị nạn, rồi các gia đình lần lượt được đưa đến Mỹ.
Biến động ở Việt Nam làm chúng tôi không học hành gì được nữa. Tôi cùng các bạn trong hội du học sinh đến các trại tị nạn mới được lập để đón và giúp đỡ những người Việt đang đến Mỹ bằng đủ mọi ngả.
Một đêm tháng 6-1975, tôi đang phát áo ấm cho mọi người thì một chiếc xe buýt chở những người mới tới. Ba tôi bước xuống xe, và sau lưng ba là má, là anh chị em. Gia đình tôi đoàn tụ".
Alain Tấn 22 tuổi chợt nhiên thành chỗ dựa, ngoài gia đình mình còn có gia đình người bạn thân của ông Huỳnh Lập trong đó có Huỳnh Mỹ Trúc Liên, khi ấy mới 17 tuổi, là cô nữ sinh Gia Long ngơ ngác có tên gọi ở nhà là "bé Đào".
17 người dồn vào căn hộ sinh viên hai phòng ngủ, Alain Tấn phải đi năn nỉ bà chủ nhà: "Khi xưa bà cũng là người tị nạn, nay xin thông cảm cho hoàn cảnh của chúng tôi". Người nhỏ tuổi đi học, người lớn phải tìm việc làm để mà tồn tại như hàng chục ngàn người Việt lưu lạc lúc bấy giờ.
Vét số vốn mang theo, ông Lập tìm cách quay lại nghề buôn bán cũ, nhưng môi trường, hoàn cảnh đã hoàn toàn thay đổi rồi. Làm gì? Đi bộ quanh co với câu hỏi quay quắt, ông bỗng bảo Tấn: "Khu nhà giàu này thiếu nhà hàng Pháp. Mình sẽ mở nhà hàng".
Cả gia đình quyết tâm. Alain Tấn học thêm ngành quản trị nhà hàng - khách sạn, ông Lập tìm học nghề với một đầu bếp Pháp nổi tiếng từng phục vụ hoàng gia, các cô em gái của cả hai gia đình thực tập từ những việc như giữ mũ, áo cho khách, đến nhận đặt món, dọn bàn, phục vụ, nấu ăn.
Năm 1976, họ mở được nhà hàng Pháp đầu tiên, rồi 1978, 1980, 1983... hình thành chuỗi ở các thành phố lớn, các khu du lịch bãi biển theo đà phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ. Alain Tấn và "bé Đào" thành hôn.
Sự nghiệp của Tấn càng nở rộ hơn nữa khi ông tham gia chương trình xã hội của chính phủ để mở trung tâm dạy nghề nhà hàng - khách sạn cho người di cư, tị nạn; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ tạo việc làm cho người yếu thế...
"Cực lắm nhưng tôi vui, nhất là khi giúp được người Việt mới sang có việc làm, lấy lại được tự tin, thoát mặc cảm nhận trợ cấp", ông Tấn nhắc nhớ.
1989, quan hệ Mỹ - Việt vẫn rất căng thẳng. Vậy nhưng một đoàn Việt kiều Mỹ đã được móc nối qua nhiều cửa ngõ để về Việt Nam, trong đó có Alain Tấn.
Đến giờ ông vẫn nhớ nỗi háo hức khi người bạn rủ cùng về Việt Nam chơi, thăm xem Hà Nội 36 phố phường là như thế nào. Hào hứng nhận lời, Tấn đã giấu gia đình để đi. Chỉ có mình "bé Đào" là biết anh về Việt Nam.
"Về đến Sài Gòn - TP.HCM, chao ôi là buồn. Thành phố nghèo, nhà cửa không thấy sửa sang, sơn phết, ở khách sạn tuần cúp điện mấy lần.
Chỉ rất vui là được gặp lại mấy người bạn, mấy người anh chị em bà con, ông bà nội ngoại, nhưng rồi lại buồn vì đa số họ đang trong cảnh không có việc làm để có một tương lai tốt hơn. Rồi tôi theo đoàn ra Hà Nội, lại càng hiu hắt.
Ngày thứ 2 ở Hà Nội, anh hướng dẫn viên của đoàn - cũng chính là một nhân viên an ninh - mời tôi và hai anh nữa đến Bộ Ngoại giao. Không rõ chuyện gì nhưng chúng tôi vẫn đi.
Khu nhà rất đẹp và chúng tôi được gặp ông Vũ Khoan, khi ấy là thứ trưởng phụ trách khu vực Bắc Mỹ cùng bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, được mời uống trà sen, ăn bánh mứt.
Các ông trò chuyện rất chân tình, không màu mè, giả tạo, hô khẩu hiệu như tôi nghe đồn bên Mỹ. Ông Thạch nói: "Các anh là những trí thức đã thành đạt bên Mỹ, nhưng Việt Nam là quê hương. Đất nước mình còn nghèo lắm, rất cần các anh giúp.
Có người cần chờ khi tình thế thuận lợi hơn, nhưng một số việc có thể làm ngay, như là anh Tấn - ông chỉ vào tôi - anh có chuyên môn, có thể phối hợp giúp bên du lịch đào tạo nhân lực để chuẩn bị đón khách từ các nước tư bản khi Việt Nam mở cửa. Anh cũng có thể mở nhà hàng, khách sạn...".
Tôi quyết định dùng "chiêu" để dụ dỗ "bé Đào": "Về Sài Gòn chơi. Về đó bé sẽ được đi xích lô ra bến Bạch Đằng, được đi ăn bánh xèo, bánh khọt, gặp bạn cũ nữa. Vui lắm". Ngày nào cũng nói, thế rồi thì vợ cũng gật đầu".
"Từ trên xuống: Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng thống Mỹ Bush, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã từng đến với chuỗi nhà hàng của chúng tôi" - Alain Tấn.
Trăm khó với TP.HCM đổi mới
Bay sang Thái Lan để được nhập cảnh về TP.HCM, thực hiện lời hứa "xích lô, bánh xèo" được vài ngày, ông Tấn lại tiếp tục cùng với đối tác của mình là ông Đặng Văn Tín, giám đốc Công ty Du lịch Việt Nam thuyết phục vợ để bà đồng ý ký liên doanh dưới tên người anh họ đại diện.
Một bên có nhà, có cơ chế kinh doanh, đón khách nước ngoài; một bên đầu tư, đào tạo để có một nhà hàng Pháp đúng chuẩn.
Ba tháng trời ông Tấn xoay mọi cách để mua được chén đĩa muỗng nĩa cao cấp từ nước ngoài, tìm đến những chợ trời của giới ngoại giao mua rượu, mua bột, mua bơ, phô mai, vào Chợ Lớn tìm nguồn váng sữa, gia vị; tìm học cách chế ra những lò nướng bánh bằng than trên than dưới - quạt nhỏ tản nhiệt, lò khè.
Bà Đào thì phải học cách nướng bánh, chiên thịt, nấu nước xốt đúng công thức, đúng nhiệt độ mà không dùng gas, không dùng điện, không dùng lò nhiệt xoay chiều và vô vàn những dụng cụ bếp hiện đại mà bà đã quen ở Mỹ.
Học rồi thì phải đào tạo lại cho nhân viên, đầu bếp vốn lâu nay chỉ nấu những bữa ăn Việt tối đơn giản của thời gian khó... Bà vào chợ Bến Thành chọn vải may đồng phục nhân viên, và chọn cả những quạt giấy, quạt vải thật đẹp để phát cho khách mỗi khi cúp điện - việc diễn ra như cơm bữa.
"Trăm khó ngàn khó, nhưng thời ấy chúng tôi mới ngoài 30 tuổi, say mê với nghề nghiệp, đủ tự tin và không ngại thách thức. Mình phải làm cho được, tôi tự nhủ vậy, và cuối cùng, tháng 12-1989, nhà hàng Le Mekong cao cấp kiểu Pháp ra đời ở 159 Ký Con, Q.1, TP.HCM.
Vận hành trôi chảy rồi, chúng tôi về Mỹ, bàn giao lại cho bên A với lòng tin tưởng vào cam kết "bảo đảm nguồn khách quốc tế".
Ba tháng sau, tôi ngồi tại nhà mình ở Mỹ đọc bản báo cáo: lỗ tròn 3 tháng hàng chục ngàn USD, không có khách. Gọi điện thoại về hỏi, ông Tín trả lời: khách của chúng tôi ở các nước Đông Âu đi theo nghị định thư, định mức chi tiêu không đủ trả tiền cho bữa ăn ở Le Mekong".
Thêm một lần nữa Tấn thuyết phục "bé Đào" về để cứu Le Mekong, cứu lời hứa "làm gì đó giúp Việt Nam, trước hết là bà con, bạn bè mình" của ông. Bây giờ, vướng mắc lớn nhất là Khải, con trai duy nhất của họ chỉ mới 9 tuổi. TP.HCM khi ấy chưa có trường phù hợp.
Suy tính mãi nhưng rồi quyết tâm đã lớn hơn, vợ chồng ông Tấn đưa Khải về TP.HCM chơi 1 tuần rồi gửi cậu sang Singapore học nội trú. Hai người ở chiếc phòng "tổ cu" rộng 12m2 trên sân thượng nhà hàng Le Mekong, quyết tâm vực dậy đứa con tinh thần.
"Quả nhiên có ông bà chủ, khách bắt đầu đến. Khi đó TP.HCM bắt đầu có khách sạn nổi 5 sao ở bến Bạch Đằng. Khách du lịch, khách ngoại giao, đầu tư đến Sài Gòn bắt đầu biết đến nhà hàng của chúng tôi, giới thiệu cho nhau về một nơi có món ăn Pháp cao cấp đúng chuẩn, chủ quán giao tiếp Anh - Pháp thoải mái, tự nhiên.
Mấy tháng sau, nhà hàng bắt đầu có lời, dù rằng "bé Đào" đêm nào cũng ra ngoài sân thượng khóc như mưa vì nhớ con".
Cầu nối phở tới Tổng thống Mỹ
TP.HCM luôn dẫn đầu cả nước trong giao thương, du lịch, phát triển kinh tế, nhất là thời điểm Việt Nam từng bước hội nhập với thế giới thập niên 1990. Trong bối cảnh ấy, vợ chồng ông Tấn trở thành một trong những người đi đầu về kinh doanh nhà hàng cao cấp.
Nhanh chóng, chuỗi nhà hàng mà họ mở ra lần lượt đi vào bản đồ du lịch, danh sách giới thiệu của thành phố: Le Mekong, Vietnam House, Lemon Grass, Blue Gringer, Dalat House... Bước thăng rồi tới bước trầm, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1998 ảnh hưởng nặng nề đến những thương hiệu cao cấp, kể cả nhà hàng, khách sạn.
Khách của ngành thực phẩm đồ uống luôn phát triển, chỉ là thay đổi phân khúc. Vậy thì mình thay đổi - ông bàn với vợ - chọn một sản phẩm truyền thống: phở nhé, nhắc tới Việt Nam là nhắc tới phở.
Hai vợ chồng đi khắp Sài Gòn, Hà Nội để nếm phở ở các quán gia truyền danh tiếng. Mỗi quán mỗi vị, mỗi nét, đều có cái để học hỏi, nhưng điểm chung cần thay đổi là vệ sinh và phong cách phục vụ. Sau mấy tháng đi ăn và nấu phở tại gia, bà Đào đã tự tin với nồi nước lèo, ông Tấn đã định hình được quán phở tiêu chuẩn nhà hàng.
Năm 1999, Phở 2000 đầu tiên ra đời trên đường Võ Thị Sáu - phố phở Hiền Vương nức tiếng của Sài Gòn xưa - với phong cách sang trọng, nâng niu tô phở từ bình dân lên hàng mỹ vị. Khách xếp hàng dài trên vỉa hè.
Chuỗi Phở 2000 nhanh chóng thành công và xuất hiện ở nhiều địa điểm mới. Khách du lịch kéo vào làm quen phở mà không còn ngán ngại với rau, với rác, với người phục vụ bỗ bã. "Một người bạn Mỹ làm ở lãnh sự quán, có vợ người Việt nên rất thích ăn phở.
Từ ngày Phở 2000 mở ở gần cửa Bắc chợ Bến Thành, tuần nào anh cũng ghé ăn. Một lần anh hỏi: "Nếu có đoàn khách VIP tới, quán ông có tiếp được không?". Tôi bảo "Được chớ". Vậy thôi. Mấy lần sau, anh tới và còn vào bếp quan sát quy trình chế biến. Gần cuối năm thì có tin đoàn tổng thống Mỹ đầu tiên sẽ đến Việt Nam, đến TP.HCM.
Tôi hiểu lãnh sự có sự chuẩn bị nhưng không chắc nhà hàng mình được chọn. Đúng thời điểm ấy, gia đình tôi lại khai trương một nhà hàng mới ở Mỹ. Trong lúc chúng tôi lo việc bên đó, bên này tiệm Phở 2000 được vinh dự đón vợ chồng Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Tiếc mình không có cơ hội gặp, nhưng mừng vì quán không có mình vẫn đón được khách VIP".
Trên tường của Phở 2000 luôn treo hình những khách VIP đã đến các chuỗi nhà hàng của gia đình: Tổng thống Bill Clinton, Tổng thống Bush, Thủ tướng Nhật Bản Murayama Tomiichi, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch...
Sóng sau đè sóng trước, những hào quang của chuỗi nhà hàng cao cấp ấy giờ chỉ còn là "vang bóng một thời" trong sự lớn mạnh của ngành dịch vụ du lịch. Những ngày này, Phở 2000 cũng đang cùng với các nhà hàng khác của thành phố vào cuộc vật lộn sinh tồn để trở lại sau cơn bão covid-19. Ông bà chủ lại đứng đón từng người khách, chăm chút từng tô phở như ngày xưa...
Lần đầu trở về Việt Nam tháng 6-1989, Alain Tấn đứng thứ 2 từ trái qua, bên phải ông là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch
Lời ông Nguyễn Cơ Thạch nằm lại trong trí nhớ, lởn vởn trong đầu tôi suốt mấy tháng sau. Dù đã từ chối khéo với ông rằng tôi sẽ phải bàn với gia đình, Mỹ vẫn còn cấm vận, dù đã trả lời với mấy anh bên du lịch, an ninh rằng địa điểm mà mấy anh đề nghị ở TP.HCM quá xấu, không phù hợp với khách phương Tây, nhưng rồi về California, đêm nào tôi cũng nghĩ tới Việt Nam.
Vợ chồng ông Alain Tấn - bà Lynn Đào và vợ chồng con trai Huỳnh Trung Khải đều đã chọn trở lại với Việt Nam. Ảnh: TỰ TRUNG
"Nhìn lại câu chuyện của mình, tôi thấy quyết định trở về ban đầu có thể hơi liều lĩnh nhưng vẫn đúng đắn. Mỹ có thể thuận lợi hơn nhưng Việt Nam cho tôi niềm hạnh phúc với bà con, bạn bè, sự đóng góp dù nhỏ bé với đất nước mình.
Cha tôi sau này đã trở về và mở nhà hàng Pháp của riêng ông ở TP.HCM, con trai sau khi tốt nghiệp đại học ở Mỹ cũng thử về Việt Nam theo cha mẹ và đã "mọc rễ" ở đây với cô vợ. Khó khăn, nhưng khó khăn trên quê hương mình thì ấm áp".
Tuổi trẻ