Chuyện cô gái than vãn làm trợ lý lương 60 triệu/tháng bóc trần hiện thực của giới trẻ: Làm công việc giả tạo để an nhàn!
Không ít nghề giả tạo chỉ đơn thuần là một kiểu bán đi sức lao động, cho dù dùng cả đời cũng không thể mang đến cho bạn bất kỳ sự tiến bộ, cảm giác thành tựu và ý nghĩa nào.
- 24-07-2022Thủ khoa duy nhất toàn quốc đạt 30/30 điểm học trường huyện, giỏi nức tiếng và có sử dụng điện thoại
- 24-07-2022Nếu có con gái, nhất định phải dạy con 9 quy tắc an toàn này: Nhiều quy tắc có thể cứu sống trẻ trong những thời điểm quan trọng
- 24-07-2022Tiết kiệm quá mức: Người sử dụng 8 lần/ gói trà túi lọc, người giàu nhất thế giới vẫn ngủ nhờ nhà bạn
Mới đây, nền tảng RED của Trung Quốc (tương tự Instagram) dậy sóng với một bài đăng nhận được 11 nghìn lượt thích.
Nội dung vỏn vẹn 7-8 dòng ngắn ngủi nhưng thể hiện lượng thông tin vô cùng lớn với tiêu đề: Lương 18.000 NDT/tháng (hơn 60 triệu đồng) nhưng công việc không hề có ý nghĩa!
Cô trợ lý có lương “khủng” nhưng cho rằng công việc hiện tại vô giá trị
Cô gái làm trợ lý của một công ty đầu tư nước ngoài quy mô nhỏ ở thành phố Bắc Kinh, thu nhập lên đến 18.000 NDT/tháng.
Công việc mỗi ngày của cô là sắp xếp các cuộc họp cho sếp, cắm hoa trang trí văn phòng, đặt nhà hàng, xử lý các kiện hàng chuyển phát nhanh… Hoàn toàn không đòi hỏi quá nhiều kỹ năng chuyên môn.
Mỗi ngày, cô đều tự hỏi giá trị trong công việc của mình nằm ở đâu, nhưng vì tiền lương quá ổn nên không nỡ nghỉ việc.
Cô đăng tải dòng tâm sự của mình lên mạng xã hội: “Nếu cứ như thế thì sớm muộn cũng trở thành kẻ bỏ đi”.
Trong phần bình luận có người thể hiện quan điểm:
“Nhiều người làm việc cực khổ thừa sống thiếu chết, một tháng còn chưa thể kiếm được 10 nghìn tệ. Nhưng có người nhàn hạ qua ngày, cuối tháng nhận về 18 nghìn tệ, thế mà lại nói công việc không có ý nghĩa”.
“Khuyên chị gái nên thoát khỏi vùng an toàn, để tôi có cơ hội bước vào thay thế”.
Chưa hết, những bức ảnh chụp môi trường làm việc ở công ty của cô gái cũng bắt mắt không kém.
Công ty ở tòa cao ốc trung tâm thành phố. Món ăn trong canteen đầy đủ dinh dưỡng. Mỗi ngày còn có phúc lợi trà chiều. Tất cả khiến ai cũng phải ngưỡng mộ, thậm chí là ghen tỵ.
Song, không ít ý kiến trái chiều cho rằng cô gái ở Bắc Kinh này cố tình khoe khoang sự ưu việt của mình so với người khác.
Kế tiếp, nhiều người đã lên tiếng bảo vệ cô gái:
“Tôi cảm thấy chị gái này không hề có ý khoe khoang. Điều cô muốn nói là công việc hiện tại tốt đến mức khiến cô hoài nghi giá trị của mình, lạc lối giữa chốn công sở”.
“Công việc có số lương 18 nghìn tệ này có lẽ không thể dài lâu, lại còn mang tính đào thải cao. Đổi sang công việc khác, ngay cả lương 8 nghìn còn không được chứ đừng nói chục nghìn, vì không hề có kỹ năng chuyên môn. Hơn nữa, chưa chắc có thể làm cả đời ở công ty nước ngoài”.
Thật vậy! Loại công việc “hoàn hảo” lương cao, làm ít, công ty gần nhà này thật ra đang ẩn chứa một thực trạng: Thời trẻ chỉ quan trọng chuyện tiền lương, lựa chọn việc nhẹ lương cao, không hề có tính cạnh tranh, từ đó đánh mất giá trị cuộc đời, không học hỏi được bao nhiêu, không hề có tương lai.
Nhiều nghề có thể giúp chúng ta trưởng thành, tích lũy kinh nghiệm. Nhiều nghề mang lại cơ hội để chúng ta bước lên tầm cao hơn.
Song, không ít nghề giả tạo chỉ đơn thuần là một kiểu bán đi sức lao động, cho dù dùng cả đời cũng không thể mang đến cho bạn bất kỳ sự tiến bộ, cảm giác thành tựu và ý nghĩa nào.
Công việc giả tạo: Có lợi cho công ty nhưng vô giá trị đối với nhân viên
Trên Douban mở một chủ đề để người dùng cùng thảo luận: “Bạn đã từng làm loại công việc giả tạo nào?”.
Một chàng trai từng làm nhân viên ở cửa hàng quần áo chia sẻ trải nghiệm của mình:
Cửa hàng có một quy định là sau khi đóng cửa vào buổi tối, nhân viên phải thu dọn quầy. Theo đó, cậu phải sắp xếp những chiếc áo thật ngay ngắn lên kệ, đồng thời, giữa mỗi chồng áo phải có khoảng cách đều nhau. Nhân viên tuân thủ quy định cố gắng làm việc, thậm chí còn ở lại thêm giờ để sắp xếp quầy quần áo tinh tươm nhất.
Nhưng đến ngày hôm sau, cửa hàng mở cửa, chỉ không quá nửa giờ đồng hồ mà quầy quần áo lại lộn xộn đến đáng thương.
Nhân viên xếp đồ ngay ngắn, một lúc sau lại lộn xộn. Một vòng tuần hoàn không hồi kết. Cũng không thể trách, tính chất của ngành dịch vụ là như vậy. Quần áo thẳng thớm, cửa hàng ngăn nắp thì mới thu hút khách hàng.
Thật ra, bất kể làm trợ lý giúp sếp đặt nhà hàng, lấy đồ chuyển phát nhanh, hay nhân viên xếp quần áo… những nghề này đều là công việc giả tạo “mang lại lợi ích cho công ty nhưng không hề có giá trị với nhân viên”.
Đừng ỷ lại vào tiền lương mỗi tháng!
Một người chụp lại hình ảnh cô đồng nghiệp của mình rồi đăng tải trên mạng xã hội.
Nhân viên công ty bất động sản đang trong giờ làm vì quá rảnh rỗi nên đã lên mạng chơi đánh bài.
Bạn nghĩ cô gái này có yêu thích công việc của mình không? Đáp án có lẽ là không. Nhưng cô không nỡ bỏ đi công việc ổn định này.
Những loại công việc nhàn hạ thế này cho dù kinh nghiệm 5-10 năm nhưng cũng chỉ là sự lặp đi lặp lại của 1 tháng như nhau. Bản thân vẫn ngồi đó, nhưng tâm hồn không ở lại, chỉ vì cái tên gọi là đồng tiền và lười tranh đấu mà yên phận.
Trong cuốn “Khả năng cải thiện nghịch cảnh” của tác giả Nassim Nicholas Taleb có nói: “Thế giới có 3 loại chất độc nguy hại: Heroin, đường, tiền lương mỗi tháng phát 1 lần”.
Tiền lương thường mang đến cho con người cảm giác an toàn hư cấu, hạn chế chúng ta dũng cảm khám phá. Dường như nó muốn nói với bạn một điều: Tôi chỉ cần làm nhiêu đây công việc là đủ. Tôi có thể nhận được tiền lương cố định!
Cuộc đời của chúng ta cứ mãi làm 1 chuyện: Không ngừng đóng gói thời gian, rao bán thời gian, đợi có người trả cái giá hợp lý.
Lựa chọn đơn giản, mặc dù mang lại cảm giác thoải mái vui vẻ ngắn hạn, nhưng giá trị không được bao nhiêu.
Ai cũng quan tâm đến tiền lương vì chung quy mục đích của quá trình làm việc là để kiếm tiền. Nhưng đừng để đồng lương trở thành cảm giác an toàn, từ đó ỷ lại và phụ thuộc. Nếu không bạn sẽ chẳng có cơ hội tiếp theo nếu công việc bỗng nhiên biến mất.
(Nguồn: Zhihu)
Phụ nữ Việt Nam