Chuyển cổ phiếu sang HNX: Cần rút ngắn thời gian tối đa để đồng thuận
Khoảng dừng giao dịch T+4 là không dễ thuyết phục cổ đông đối với các công ty có tính đại chúng cao. Các nhà đầu tư ngắn hạn đang phải "so kè" từng đồng lãi suất vay margin thì dừng giao dịch 1 ngày cũng là điều phải cân nhắc...
- 16-03-2021Một cổ phiếu ngành ngân hàng đã tăng hơn 2 lần sau 10 phiên lên sàn HNX
- 15-03-2021Thêm 1 doanh nghiệp "xung phong" chuyển sàn tạm thời sang HNX
- 11-03-2021Các công ty chuyển giao dịch tạm thời sang HNX sẽ tự động trở lại HoSE khi hệ thống giao dịch mới hoàn tất
Cùng với việc ngày càng có thêm các doanh nghiệp xung phong chuyển sàn, quy trình để thực hiện cũng đã được thống nhất.
RÚT NGẮN TỐI ĐA QUY TRÌNH CHUYỂN SÀN
Ngày 16/3, 3 đơn vị là Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) đã có buổi họp trực tuyến để thống nhất quy trình chuyển giao dịch cổ phiếu từ HOSE sang HNX.
Theo đó, 3 đơn vị cùng thống nhất xây dựng một quy trình tiếp nhận xử lý hồ sơ, chuyển giao thông tin dữ liệu doanh nghiệp, cài đặt hệ thống tại cả ba đơn vị được tối ưu hoá. Thời gian xử lý hồ sơ, thời gian ngừng giao dịch của cổ phiếu được rút ngắn tối đa, nhưng quy trình vẫn đảm bảo việc xử lý dữ liệu, cài đặt hệ thống tại HOSE, VSD và HNX để các hoạt động liên quan tới cổ phiếu chuyển giao dịch như: giao dịch, công bố thông tin, giám sát giao dịch và thanh toán bù trừ, đáp ứng quy định.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển giao dịch, HNX và HOSE và VSD sẽ sớm có hướng dẫn cụ thể.
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước
Trước đó, ngày 3/3/2021, trong văn bản gửi các Sở Giao dịch chứng khoán (HOSE, HNX) và Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) về việc chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE sang HNX, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu doanh nghiệp có nguyện vọng chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE sang HNX phải có văn bản yêu cầu, kèm theo Nghị quyết của Hội đồng quản trị hoặc của Đại hội đồng cổ đông gửi cho HNX và HOSE.
HNX khẩn trương tiếp nhận xử lý cho doanh nghiệp giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE, mà không xem xét lại hồ sơ theo quy trình niêm yết mới. Các cơ chế giao dịch, giám sát giao dịch, quản lý niêm yết, chế độ báo cáo và công bố thông tin... áp dụng chung như với doanh nghiệp niêm yết trên HNX. HOSE, HNX phối hợp trong công tác giám sát giao dịch đối với các cổ phiếu này để đảm bảo tính liên tục trong công tác giám sát.
NHỮNG DOANH NGHIỆP ĐẦU TIÊN NỘP HỒ SƠ CHUYỂN SÀN
Ngày 16/3, HNX cho biết cơ quan này đã nhận được công văn đề nghị chuyển giao dịch cổ phiếu từ HOSE sang HNX của 3 doanh nghiệp. Đó là Công ty cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (mã chứng khoán: NSC), Công ty cổ phần BIBICA (mã chứng khoán: BBC), Công ty cổ phần giống cây trồng miền Nam (mã chứng khoán: SSC).
Đây là ba doanh nghiệp đầu tiên triển khai thủ tục chuyển giao dịch cổ phiếu từ HOSE sang HNX theo hướng dẫn của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước tại công văn số 713/UBCK-PTTT ngày 3/3/2021 với mục đích giảm tải cho hệ thống giao dịch của HOSE và đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.
Cũng trong ngày 16/3, bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc HOSE vừa ký thông báo về việc chuyển giao dịch cổ phiếu BBC và SSC sang HNX. Ngày giao dịch cuối cùng của 2 mã trên tại sàn HOSE là 23/3/2021. Ngoài 3 doanh nghiệp đã xong hồ sơ thì các doanh nghiệp khác cũng đang xin ý kiến Hội đồng quản trị và Đại hội đồng cổ đông về việc chuyển sàn. Chiều 18/3/2021, Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect (VNDS) sẽ Đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021, trong đó có một điểm khác với mọi năm là trình cổ đông tạm chuyển sàn giao dịch cổ phiếu từ HOSE sang HNX. Nếu kế hoạch thông qua, trên 5.000 cổ đông của VNDS sẽ có một "khoảng lặng" 4 ngày cổ phiếu không giao dịch, để thực hiện các thủ tục chuyển sàn.
Trong dự kiến chia sẻ với các cổ đông tại đại hội, Chủ tịch VNDS Phạm Minh Hương cho rằng, thời gian vừa qua, giao dịch chứng khoán đang niêm yết trên HOSE liên tục xảy ra hiện tượng bị quá tải dẫn đến nghẽn lệnh, dừng hoạt động làm ảnh hưởng đến việc giao dịch của nhà đầu tư nói chung cũng như các cổ đông của công ty nói riêng. Hiện tượng này đã diễn ra vài tháng và chưa có dấu hiệu sớm kết thúc nếu không có các giải pháp phù hợp, quyết liệt của các cơ quan quản lý liên quan.
Uỷ ban chứng khoán Nhà nước và các Sở Giao dịch chứng khoán đã nỗ lực nghiên cứu đưa ra nhiều giải pháp khác nhau để tìm cách cải thiện tình hình. Trong đó, ngày 03/3/2021 Uỷ ban chứng khoán Nhà nước có Công văn số 713/UBCK-PTTT thông báo và hướng dẫn các vấn đề liên quan đến tiếp nhận, xử lý hồ sơ cho doanh nghiệp hiện đang giao dịch cổ phiếu ở HOSE chuyển sang giao dịch tại HNX theo thủ tục đơn giản.
Hội đồng quản trị VNDS thấy rằng, giải pháp trên của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước có tính khả thi, ngoài việc giúp bảo vệ cho các cổ đông giao dịch cổ phiếu VND không bị rủi ro thì còn giúp giải quyết được hiệu quả vấn đề quá tải hiện nay ở hệ thống giao dịch của HOSE. Trong thời gian chờ đợi HOSE hoàn thiện hệ thống công nghệ mới thì giải pháp chuyển giao dịch cổ phiếu sang HNX sẽ là phương án bảo vệ an toàn nhất cho các nhà đầu tư.
Trong bức tranh chung, VNDS là công ty đầu tiên tại Việt Nam đưa ra ý tưởng chuyển sàn giao dịch, nhưng không phải là công ty đầu tiên hoàn thiện hồ sơ chuyển sàn. Hai doanh nghiệp đầu tiên hoàn thiện hồ sơ và đã được lãnh đạo HOSE chấp thuận chuyển giao dịch sang HNX là Bibica và SSC. Các cổ đông của hai doanh nghiệp sẽ có ngày giao dịch cuối cùng tại HOSE là 23/3 tới.
LẮNG NGHE NHÀ ĐẦU TƯ VÀ CẦN TÌM SỰ THÔNG CẢM
Sở dĩ BBC và SSC "quyết" nhanh việc chuyển sàn là bởi Công văn 713 của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước hướng dẫn rằng, hồ sơ của doanh nghiệp chỉ cần có Nghị quyết của HĐQT hoặc Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông. Với cơ cấu cổ đông cô đặc (SSC có cổ đông lớn là Cổ phần cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam nắm 96,41% vốn; BBC có cổ đông lớn là Cổ phần cổ phần Tập đoàn PAN nắm 50,07% vốn, Nghị quyết của Hội đồng quản trị hai DN này tương đương Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông.
Bên cạnh lý do thủ tục, lý do căn bản hơn khiến BBC và SSC quyết nhanh việc chuyển sàn là cả hai đều có lượng cổ đông khá gọn. Theo báo cáo thường niên gần nhất, SSC có 752 cổ đông, còn BBC không công bố cụ thể con số, nhưng chắc chắn lượng cổ đông cũng rất hạn chế, khi nhìn vào lượng giao dịch chỉ vài trăm đến vài nghìn cổ phiếu BBC hàng ngày trên HOSE.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp chắc sẽ đồng tình với quan điểm của ông Trương Phú Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bibica rằng, việc chuyển giao dịch từ sàn HOSE sang HNX không ảnh hưởng gì nhiều đến giá trị, hình ảnh của doanh nghiệp, bởi nhiệm vụ cốt lõi của doanh nghiệp là làm ra lợi nhuận, phát triển giá trị dài hạn cho cổ đông.
Ông Trương Phú Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bibica
Những người theo trường phái đầu tư dài hạn, việc cổ phiếu dừng giao dịch vài ngày không ảnh hưởng gì đến giá trị tài sản của họ. Nhưng với nhà đầu tư ngắn hạn hoặc nhà đầu tư đang có khoản vay margin và phải "so kè" từng đồng lãi suất vay để giảm chi phí vốn, thì việc cổ phiếu hay tiền vay phải "nằm im" ít nhất 4 ngày sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất.
Những người có tư duy lạc quan cho rằng, cổ phiếu chuyển về HNX, "nhà mới, biên độ mới, cách giao dịch mới", biết đâu lại tăng giá, như thế thì ai cũng vui. Nhưng trong phương án ngược lại, cổ đông/nhà đầu tư sẽ chịu thiệt kép. Đó là thị giá giảm và chi phí vốn vay margin những ngày cổ phiếu phải nằm im, chờ chuyển giao dịch.
Công văn 713 của Uỷ ban chứng khoán đã được gửi tới các thành viên thị trường gần 2 tuần, nhưng những doanh nghiệp xung phong chuyển giao dịch cổ phiếu để cứu hệ thống HOSE vẫn chỉ có chưa đầy 10 doanh nghiệp. Lãnh đạo một số doanh nghiệp ngành chứng khoán như Agriseco, VietinbankSC... chia sẻ việc ủng hộ chủ trương chuyển giao dịch cổ phiếu, nhưng đều cho biết cần xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông. Chờ xin ý kiến Đại hội không phải để cho đủ thủ tục, mà lý do chính là làm thế nào để cổ đông thấu hiểu, chấp nhận "chia khó" với hoàn cảnh thị trường chứng khoán lúc này.
Việc giải bài toán "nghẽn lệnh" tại sàn HOSE, trong phương án khả thi nhất, cũng cần vài tháng, thậm chí hàng năm, nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc cho phép FPT vào cuộc, tham gia cùng "đại phẫu" hệ thống công nghệ tại HOSE. Trong ngắn hạn, để giảm nghẽn, không gì tốt hơn là doanh nghiệp chuyển cổ phiếu từ sàn HOSE sang HNX. Tuy nhiên, chuyển sàn sẽ dễ tạo sự đồng thuận hơn nếu Uỷ ban chứng khoán Nhà nước chỉ đạo HOSE, HNX, VSD giảm tối đa "khoảng lặng" không giao dịch, đồng thời động viên lãnh đạo các doanh nghiệp cùng thuyết phục các cổ đông đại chúng góp sức giải bài toán "nghẽn lệnh" - bài toán nan giải nhất trong 21 năm thị trường chứng khoán Việt Nam.
VnEconomy