Chuyện của Đốc: Cậu bé 9 tuổi không cha mẹ từng phải cõng em gái đi xin ăn, ông bệnh nằm một chỗ còn bà nghiện rượu nặng
Mới lên 9 tuổi, nhưng cậu bé người nhỏ thó đen nhẻm đã phải trở thành chỗ dựa "bất đắc dĩ" cho đứa em gái mới 2 tuổi. Nhưng may mắn, nhờ có sự giúp đỡ của mọi người, Đốc đã tiếp tục được đến trường, em gái cũng có một nơi tốt hơn để được chăm sóc.
"Đốc cõng em đi khắp nơi xin ăn, xin mặc, hàng xóm láng giềng xa lánh vì sợ lây HIV"
"Tôi tên là Nguyễn Minh Thúy, hiện là giáo viên Trường mầm non Sơn Thành (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi). Tại xóm Gò Deo, thôn Gò Da có chị Đinh Thị Thinh nhiễm HIV chết để lại 2 con nhỏ. Cháu lớn là Đinh Văn Đốc (SN 2010), cháu nhỏ 2 tuổi chưa làm giấy khai sinh, cả 2 sống với ông bà già yếu.
Ngày mẹ mất, không ai đến đưa tang, Đốc cõng em đi khắp nơi xin ăn, xin mặc, hàng xóm láng giềng xa lánh vì sợ lây HIV. Bản thân tôi không đủ điều kiện, kính mong các nhà hảo tâm cứu giúp 2 cháu có lương thực và quần áo…".
Ngay sau bức tâm thư của cô Thúy được đăng tải trên mạng xã hội, những ngày cuối tháng 11/2019, chúng tôi tìm về xóm Gò Deo, thôn Gò Da để tìm hiểu.
Từ UBND xã Sơn Thành phải di chuyển thêm 5km mới đến được xóm Gò Deo, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào Hrê. Khi hỏi về gia đình em Đốc, những người trong xóm xì xào với nhau. Cách đó vài bước chân, một người phụ nữ lớn tuổi luộm thuộm bước ra từ căn nhà xập xệ. Theo lời của một công an viên, đó là bà của Đốc, hiện đang sinh sống cùng em sau khi mẹ qua đời vì HIV.
Không còn nhớ rõ mặt bố, Đốc mồ côi mẹ ở cái tuổi lên 9, em hiện đang sống cùng ông bà trong căn nhà xập xệ cuối xóm.
Kể từ lúc chị Thinh qua đời, những người trong xóm Gò Deo hay bàn tán về gia đình của Đốc.
Theo chia sẻ của cô Nguyễn Minh Thúy, nhờ sự hỗ trợ của mọi người, cô đã đưa 2 anh em Đốc đến bệnh viện để xét nghiệm. Kết quả Đốc may mắn không nhiễm HIV, riêng bé em 2 tuổi được gửi vào Cô nhi viện Phú Hòa, sau đó được một trung tâm ở TP.HCM nhận chăm sóc.
"Lúc mới lên gặp Đốc, cả thằng bé và em nó không có quần áo để mặc, nó địu con bé trên tay mà người bủn rủn vì đói. Mấy người hàng xóm ở đó cũng bàn tán này nọ, bảo mẹ nó đi bậy rồi nhiễm HIV, không ai dám tiếp xúc. Thấy thương quá chị mới mua mì, gạo, sữa rồi xin quần áo, giày dép để lên cho. Chị cũng nhờ thầy giáo Sin kêu gọi giúp đỡ cho gia đình bé, chứ giờ mẹ mất rồi, ông bà thì như vậy lấy đâu người chăm sóc", cô Nguyễn Minh Thúy chia sẻ.
Cô giáo hướng dẫn cậu bé tập viết chữ một cách tỉ mỉ
"Ở đây bà con cũng lời ra tiếng vào chuyện mẹ bé nhiễm HIV, thương thằng bé mới 9 tuổi có biết cái gì đâu, cũng may là nó không bị làm sao, còn bé em thì…".
Cô Thúy nghẹn lời rồi nói tiếp: "Con bé 2 tuổi rồi mà không ngồi hay đi đứng gì được, chân tay tong teo nhìn nhỏ xíu thôi, nó nhiễm HIV từ mẹ, bà con ở đây kể lại là mẹ nó đi uống rượu rồi về cho con bú, thế cả 2 mẹ con say rồi lăn ra ngủ, khổ lắm. Nhờ có sơ ở dưới cô nhi viện liên hệ trong TP.HCM, con bé được đưa vô trung tâm để chăm sóc rồi, chứ ở đây, bà con trong xóm không ai dám tiếp xúc với bé, họ sợ".
"Con nhớ mẹ lắm!"
Sau khi cùng thầy giáo Nguyễn Văn Sin kêu gọi để hỗ trợ cho gia đình em Đốc, cô Thúy cũng liên hệ với Trường tiểu học Sơn Thành để cho Đốc được đi học trở lại, hiện em đang theo học lớp 2B tại trường.
Đốc với niềm hạnh phúc khi được đến trường, được học con chữ cùng bạn bè đồng trang lứa
Nắn nót viết từng chữ trên cuốn tập mới, Đốc cho biết em rất vui khi được đi học, 2 năm rồi em chỉ biết ở nhà trông em cho mẹ. Dù chưa đọc rành từng đoạn nhưng Đốc luôn đều đặn đến lớp, ngoan ngoãn nghe lời các thầy cô.
Em tâm sự: "Đi học con vui lắm, con thích chơi với các bạn, các bạn cũng cho con chơi cùng".
Nhắc đến mẹ mình, Đốc rưng rưng nước mắt: "Con nhớ mẹ lắm mà mẹ chết rồi. Con không nhớ mặt bố, con buồn".
Mỗi ngày, Đốc đi khoảng 5km đường dốc núi để có thể đến trường học tiếp lớp 2.
Mỗi ngày, sau khi đến trường bằng chiếc xe đạp được mọi người giúp đỡ, em quay lại căn nhà xập xệ trong xóm Gò Deo để sống với ông bà của mình. Bữa cơm chiều của em không biết bắt đầu từ lúc mấy giờ, còn đồ ăn thì bữa có bữa không.
"Con quen rồi. Đi học con về nhà nấu cơm, gạo con được cho, con ăn cơm với rau. Bà con uống rượu, bà uống xong về ngủ còn ông con kia kìa…", nói đoạn, Đốc chỉ tay về hướng chiếc giường ọp ẹp, một cụ ông lớn tuổi, người tong teo đang nằm đó. Căn nhà ẩm thấp, tăm tối lẫn tiếng vo ve của muỗi rừng.
Theo chia sẻ của cô Thúy, ông của Đốc bị bệnh tiểu đường nặng, nhiều chứng bệnh của người già nên ốm yếu, không còn sức lao động.
Mẹ mất, Đốc rất nhớ mẹ nhưng không biết làm sao, em cũng chưa thể cảm nhận hết nỗi đau đớn mà mình đang chịu đựng.
Ở ngoài sân, bà của Đốc miệng nhai trầu, đi bộ về phía cuối xóm, nhìn theo bà, Đốc thỏ thẻ: "Bà đi mua rượu" rồi ngồi bệt xuống, đôi bàn tay của em bấu dưới đất, đôi mắt hướng về phía trước, xa xăm.
Trong nhà, không có làm nơi thờ mẹ, Đốc cũng chỉ nhớ khuôn mặt gầy gầy của mẹ và những cơn say rượu, cả đứa em chưa biết ngồi của mình. Đốc kể: "Lúc trước con ẵm em đi lang thang, con đói. Giờ con không đói nữa, có quần áo để mặc rồi".
"Cô Thúy nói em ở Sài Gòn, con lớn sẽ đi tìm em"
Ngồi lặng lẽ một góc trước nhà, Đốc buồn bã khi nghĩ đến đứa em gái 2 tuổi của mình. Lúc mẹ còn, mỗi ngày Đốc là người ẵm bồng em gái, 2 anh em đi lang thang khắp xóm nghèo.
Giờ mẹ mất, đám tang của mẹ cũng vắng người đến đưa vì sợ lây HIV, anh em Đốc cũng bị xa lánh. Nhờ có sự hỗ trợ của cô Thúy cùng mọi người, giờ Đốc đã được đi học, em gái cũng có một nơi tốt hơn để được chăm sóc.
"Con nhớ em lắm, em đi rồi. Cô Thúy nói em ở Sài Gòn, Sài Gòn ở đâu con không biết, xa lắm. Lớn lên con sẽ đi tìm em", Đốc nói với vẻ đầy quyết tâm, khuôn mặt em ánh lên sự hạnh phúc.
Ở cái tuổi lên 9, Đốc còn quá nhỏ để cảm nhận hết nỗi đau đớn, vất vả mà em sẽ chịu đựng. Nụ cười hồn nhiên, giòn tan của cậu bé Hrê như xua tan đi cái không khí ảm đạm trong căn nhà tối.
Ở cái tuổi lên 9, Đốc vẫn còn hồn nhiên, vô lo vô nghĩ dù rằng chuỗi ngày phía trước không thực sự dễ dàng cho em.
Với Đốc, khi không còn bố mẹ bên cạnh, em chỉ ước có thể tiếp tục được đến trường dù cho em chưa thể viết rõ tên của mình. Hỏi về ước mơ, Đốc chỉ biết lớn lên em sẽ nuôi ông bà, còn hiện tại, cơm ngày 3 bữa đủ no, quần áo đủ mặc đã là một điều hạnh phúc.
Trở thành chỗ dựa "bất đắc dĩ" của Đốc, cô Thúy tâm sự dù bản thân rất muốn nhận nuôi Đốc nhưng vì điều kiện con cái, lại đang mang thai nên cô hi vọng sẽ có một tổ chức, quỹ học bổng có thể hỗ trợ lâu dài cho Đốc việc ăn uống, học tập để em có một cuộc sống ổn định hơn.
Ông Đốc bị bệnh nằm một chỗ, gầy gò còn người bà thì nghiện rượu, căn nhà ẩm thấp đã mấy tháng nay thiếu vắng tiếng nói cười.
Trao đổi với chúng tôi về hoàn cảnh của em Đinh Văn Đốc, bà Võ Thị Xuân Liễu – Chủ tịch UBND xã Sơn Thành cho biết hoàn cảnh của em rất đặc biệt, mỗi tháng, gia đình Đốc được nhận tiền trợ cấp theo chính sách của nhà nước, mọi chi phí học tập của em cũng được hỗ trợ hoàn toàn. Tuy nhiên, để giúp đỡ lâu dài cho gia đình em cũng cần sự chung tay của cộng đồng.
Ở cái tuổi lên 9, Đốc vẫn còn hồn nhiên, vô lo vô nghĩ dù rằng chuỗi ngày phía trước không thực sự dễ dàng cho em.
Hiện tại, Đốc đang được cô Nguyễn Minh Thúy cùng thầy giáo Nguyễn Văn Sin – Giáo viên trường THPT Bình Sơn trợ giúp. Rất mong hoàn cảnh của Đốc nhận được nhiều sự quan tâm của quý bạn đọc gần xa để giúp em có một quỹ học bổng, hỗ trợ chi phí ăn học đến khi trưởng thành.
Mọi sự quan tâm đóng góp xin vui lòng liên hệ số điện thoại cô Nguyễn Minh Thúy: 0912522940.
Hoặc số điện thoại của thầy Nguyễn Văn Sin: 0942082364.
Số tài khoản ngân hàng Vietcombank: 0271000978976 – chi nhánh Dung Quất, Quảng Ngãi.
Chủ tài khoản: Nguyễn Văn Sin.
Xin chân thành cảm ơn!
Trí thức trẻ