Chuyện của "má Loan" và những đứa con đặc biệt: Từ bỏ giảng đường, vào Hội An chăm sóc trẻ mồ côi khuyết tật
“Tôi xem học trò như con ruột của mình và dạy dỗ bằng tất cả tấm lòng của một người mẹ, vì các con sinh ra đã phải chịu nhiều thiệt thòi hơn người khác...”. Đó là tâm sự của cô giáo Lương Thị Kim Loan (49 tuổi), người được những đứa trẻ mồ côi bị khuyết tật ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Nam gọi là mẹ.
- 10-11-2018Từ phía sau câu chuyện của hai “ông lớn” nhà Apple: Tuổi trẻ phải làm việc vì đam mê, vì tiền hay… vì cái gì bây giờ nhỉ?
- 04-11-2018Câu chuyện truyền cảm hứng về cô gái 17 tuổi và thành công với chiến dịch "làm sạch" đất nước bị ô nhiễm bởi túi nilon thứ 2 thế giới
"Má Loan" của những đứa trẻ đặc biệt
"Mấy con ơi! Dậy theo má đánh răng, ăn sáng rồi đi học nào", đúng 6 giờ sáng, tiếng gọi quen thuộc của cô giáo Loan lại vang lên, báo hiệu một ngày mới bắt đầu với lũ trẻ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Nam (TP Hội An).
Miệng gọi, chân bước đến từng giường, cô Loan ôm tụi nhỏ vào lòng, vỗ về với nụ cười hiền hậu. Vừa dìu được em này dậy, đứa kia lại phụng phịu nằm vật xuống giường "ăn vạ". Đứa khua chân đạp thình thịch đòi "ngủ nướng", em thì lại réo "má ơi, má ơi, dìu con xuống xe lăn". Loay hoay một lúc lâu, cuối cùng cô Loan cũng đánh thức được đám trẻ.
Đánh thức tụi trẻ khuyết tật dạy đi học là công việc quen thuộc vào mỗi sáng của cô giáo Loan.
Chưa kịp lau mồ hôi ướt đẫm trên mặt, vừa hì hục thở, cô Loan vừa cặm cụi đẩy chiếc xe lăn đưa cậu bé bị bại liệt đi đánh răng, mấy đứa nhỏ còn lại cũng cầm bàn chải, khăn mặt, đứa bu chân, đứa thì níu áo cô, rồng rắn theo sau.
Suốt hơn 25 năm nay, cô Loan chăm sóc những đứa trẻ mồ côi bị khuyết tật từng miếng ăn, giấc ngủ.
Đúng 7 giờ sáng, buổi học của những đứa trẻ khuyết tật bắt đầu bằng những câu hát ngọng nghịu:
"...Mẹ yêu ơi con yêu mẹ nhiều
Mẹ luôn là Phật sống của đời con
Mẹ cho con tình yêu cao quý
Mẹ là lý trí của đời con...".
Lớp học của cô Loan chỉ vỏn vẹn 12 trò, đủ mọi lứa tuổi. Mỗi em một dạng khuyết tật khác nhau, từ bại liệt, bại não, bệnh down, tự kỷ, tăng động đến khiếm thị, khiếm thính. Có cháu yếu phải dắt đi, có cháu ngồi xe lăn, cháu thì không tự chủ được vệ sinh cá nhân. Đáng thương hơn, tất cả các em đều bị cha mẹ bỏ rơi từ nhỏ. Chính vì vậy, cô Loan không chỉ là cô giáo dạy chữ, dạy kĩ năng sống mà còn là người mẹ hiền luôn quan tâm chăm sóc cho các em từng miếng ăn, giấc ngủ. Có lẽ, chính vì vậy mà tất cả các em đều yêu quý và gọi cô Loan là mẹ.
Lớp học đặc biệt của cô giáo Loan.
Niềm vui của cô Loan vô cùng giản dị, đó là thấy học sinh có thể viết được tròn con chữ, chịu ngồi yên lắng nghe và hiểu đôi lời mình nói…
Nuôi, dạy một đứa trẻ bình thường đã khó, nuôi dạy một đứa trẻ không may bị khuyết tật còn vất vả gấp bội phần. Một buổi học thực sự là một "cuộc chiến" giữa cô Loan và học trò. Bởi, với trẻ khuyết tật, chuyện ốm đau, khóc lóc, đòi bỏ trốn, không chịu học bài… diễn ra như cơm bữa. Ấy vậy mà, vì tình yêu thương, cô đã kiên nhẫn vượt qua mọi khó khăn để chăm sóc và dạy dỗ những đứa trẻ kém may mắn theo những cách rất đặc biệt.
Để giúp các em học được chữ, mỗi ngày cô Loan phải nghĩ ra những trò chơi khác nhau nhằm kích hoạt tinh thần để học trò tập trung vào tiết học. Cô Loan chia sẻ, trước khi đi dạy, ngoài việc "thiết kế" cho mỗi trẻ một giáo án riêng, vừa phù hợp với khả năng, vừa căn cứ theo độ tuổi của từng em.
Mỗi tối, cô còn dành hàng giờ đồng hồ để suy nghĩ các trò chơi vui và mới lạ, giúp các em hào hứng, thoải mái với việc học hơn. Cứ như vậy, suốt hơn 25 năm nay, lớp học của cô Loan luôn tràn đầy tiếng cười và niềm vui của các em nhỏ bất hạnh.
Việc nghĩ ra trò chơi cho cả lớp cũng rất đau đầu, bởi khó tổ chức những trò chơi vận động vì nhiều em bị khuyết tật tay, chân. Cũng không thể áp dụng kiểu trò chơi quá đòi hỏi trí tuệ vì các em sẽ khó hiểu và nhàm chán…
"Tôi xem học trò như con ruột của mình và dạy dỗ bằng tất cả tấm lòng của một người mẹ vì các con sinh ra đã phải chịu nhiều thiệt thòi, nhận thức không được như những đứa trẻ bình thường khác. Có thể làm được gì để giúp các con học tốt hơn, hứng thú học hơn thì tôi làm…", cô Loan tâm sự.
Từ bỏ giảng đường, vào Hội An chăm sóc trẻ khuyết tật
Sinh ra và lớn lên ở TP Đà Nẵng, sau khi tốt nghiệp đại học, cô Loan được phân về giảng dạy tại một trường tiểu học gần nhà. Công việc ổn định khiến nhiều người cứ nghĩ cô sẽ gắn bó lâu dài. Thế nhưng trong một lần theo chồng vào thăm trung tâm, chứng kiến nhiều hoàn cảnh trẻ em khuyết tật rất đáng thương khiến cô không cầm được nước mắt. Thế là, cô quyết định bỏ tất cả vào Hội An sinh sống, làm việc để có thể chăm sóc trẻ khuyết tật mỗi ngày.
“Khi chứng kiến cảnh thiệt thòi của những đứa trẻ này, tôi đã không cầm được nước mắt. Đó là một cơ duyên mà ông trời sắp xếp cho tôi đến đây và gắn bó với các con...", cô Loan tâm sự.
Những đứa trẻ mồ côi - "con" của "má" Loan đều bị khuyết tật bẩm sinh.
Cô Loan tự nhận mình may mắn và hạnh phúc khi được là giáo viên của những đứa trẻ bất hạnh này. Dù với đồng lương ít ỏi và "nhiệm vụ" của cô chỉ là dạy học. Thế nhưng, thương học trò, hằng ngày cô thường tình nguyện ở lại trung tâm để hỗ trợ học sinh từ việc tắm rửa, giặt giũ đến đi lại, vệ sinh. Cô còn như một người mẹ hiền để tụi nhỏ chia sẻ buồn vui mỗi ngày, giúp các em vơi đi sự mặc cảm. Nhiều trẻ trong số đó đã gắn bó với cô Loan từ khi lọt lòng đến lúc trưởng thành với nhiều tiến bộ rõ rệt.
Trong đó, câu chuyện của em Nguyễn Văn Vũ (SN 1994) là một minh chứng. Hơn 20 năm trước, sau trận bão lớn, một người dân Hội An vô tình vớt được một bé trai thân hình bị tím tái vì lạnh, đang bị thả trôi giữa dòng nước xiết. Sau đó, cháu bé này được Trung tâm nhận về nuôi và đặt tên là Vũ.
“Tôi luôn xem những đứa trẻ ở đây như con của mình và được chăm sóc, yêu thương chúng mỗi ngày là niềm hạnh phúc của tôi…”, cô Loan chia sẻ.
Ngay từ nhỏ, Vũ đã bị bệnh bại não và khuyết tật vận động khiến cơ thể rất yếu. Mới 2 tuổi, Vũ đã phải trải qua nhiều trận ốm thập tử nhất sinh, có lúc tưởng chừng như không qua khỏi. Có lẽ, đó cũng là lý do mà cha mẹ đã nhẫn tâm bỏ rơi em...
Thương Vũ, cô Loan và những cô chú trong trung tâm đã cưu mang và chăm sóc em như con ruột của mình. Rồi lớn lên, Vũ đi đứng khó khăn, hễ cứ bước đi vài bước là bị ngã, khiến trên đầu phải khâu hàng chục mũi. Xót quá, cô Loan đã ra chợ đặt làm cho Vũ một chiếc mũ bằng cao su dày và cứ thế em tập tễnh bước đi được.
"Má Loan thương chúng em lắm, má dạy dễ hiểu lại rất quan tâm, chăm sóc cho tụi em nữa. Tụi em quý và thương má Loan nhiều lắm...”, em Vũ chia sẻ.
Năm Vũ 10 tuổi, cô Loan đón em vào lớp học để dạy chữ từ đó đến nay. Bây giờ, Vũ đã học thạo chương trình lớp 6, biết làm toán và còn nói được cả tiếng Anh. Do bị dị tật nên những nét viết của Vũ dù nắn nót nhưng không được đẹp, giọng nói cũng không tròn vần rõ chữ, thế nhưng ai cũng phải thán phục, bởi đó là cả một thành quả lớn của Vũ và má Loan...
Với những đóng góp của mình, cô Loan là một trong số những giáo viên được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô năm 2018" do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức nhân dịp 20/11 sắp tới.
Hay chuyện của 2 cô bé khiếm thị xinh xắn Nhi chị, Nhi em bị cha mẹ bỏ rơi trước cổng trung tâm lúc mới sinh, vẫn còn nguyên dây rốn. Suốt 10 năm qua, cô Loan vừa là cô giáo, vừa là mẹ, yêu thương, chăm lo cho 2 cô bé song sinh từng miếng ăn, giấc ngủ. Do 2 em không thể nhìn thấy nên cô Loan đã lặn lội đi học chữ nổi để về dạy lại cho 2 cô con gái đáng yêu của mình. Thành quả là đến nay 2 em đã biết đọc, biết đếm và cả hát múa nữa.
Dù không thể nhìn thấy ánh sáng nhưng nhờ má Loan mà 2 cô bé Nhi chị và Nhi em đã biết đọc, viết và cảm nhận cuộc sống theo 1 cách rất đặc biệt: sờ tay
Suốt 25 năm qua, cô Loan như người mẹ hiền, âm thầm, lặng lẽ dành trọn tình yêu cho trẻ khuyết tật. Sự tận tụy của cô đã mang về những "trái ngọt" khi nhiều em đã có thể đọc, viết một cách tròn vành, rõ chữ. Chưa kể đến nhiều em còn nói được cả tiếng Anh dù bị dị tật nên phát âm khó khăn.
Đặc biệt, đến bây giờ, có nhiều em đã trưởng thành, thi đậu Đại học, có em đã ra trường và có công việc ổn định, kết hôn và có cuộc sống gia đình sống hạnh phúc. Đó cũng chính là những món quà mà theo cô Loan là vô giá và ý nghĩa nhất mà những đứa trẻ mồ côi, khuyết tật dành tặng cho cô.
Cô Loan chia sẻ, 25 năm làm công tác dạy dỗ, nuôi dưỡng những em học sinh “đặc biệt” đã để lại nhiều kỉ niệm buồn vui mà mỗi lần nhớ lại cô vẫn tự nhủ lòng: “Mình đã chọn đúng con đường và không cảm thấy hối tiếc”.
Trí thức trẻ