MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện của một tài xế GrabBike mùa dịch: Một ngày chỉ còn chạy 15 cuốc, thu nhập giảm một nửa

07-07-2021 - 09:56 AM | Thị trường

Chuyện của một tài xế GrabBike mùa dịch: Một ngày chỉ còn chạy 15 cuốc, thu nhập giảm một nửa

Những tài xế như chị Phạm Thị Thu H. chọn cách chạy xe vào buổi tối muộn khi điều kiện thời tiết mát mẻ hơn.

Nhận một cuốc xe từ phố Hàm Long (Hoàn Kiếm, Hà Nội) về khu vực Phương Canh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vào lúc 22.30 ngày 6/7, chị Phạm Thị Thu H. cho biết đây là cuốc xe thứ 15 trong ngày. "Tôi chọn chạy buổi tối cho mát vì ban ngày nắng nóng quá. Xong cuốc này, hy vọng nhận thêm một cuốc nữa trước khi tắt app về nghỉ", chị H. chia sẻ, vừa phóng xe len lỏi qua các con phố trung tâm Hà Nội, vốn không quá vắng vẻ ngay cả trong mùa dịch. Ở giai đoạn này, chị thường chạy đến khoảng 0h mới tắt app.

"Nghề của chúng tôi thức khuya, dậy sớm là chuyện bình thường". Tuy nhiên, chị H cho biết vào mùa dịch, chị vẫn giữ thói quen chạy khuya còn các cuốc sáng thì giảm rất mạnh. "Trước đây, buổi sáng app 'nổ' không kịp chạy vì người dân đi làm, phụ huynh đặt xe cho con đi học còn giờ thì học sinh nghỉ ở nhà, người đi làm cũng có một lượng lớn chọn làm việc ở nhà".

Chị H. cho biết trước đây, mỗi ngày chị chạy khoảng 25-27 cuốc thì hiện chỉ khoảng 15-17 cuốc, doanh thu mỗi ngày đạt khoảng 500.000 đồng, so với mức khoảng 900.000 đồng trước kia. "Dịch bệnh bị ảnh hưởng cũng nhiều", chị nói.

Chị cũng nhấn mạnh thêm phần doanh thu nói trên chưa trừ 27% phí nền tảng phải trả cho Grab. Tính ra, tiền thu về của chị H. còn khoảng 365.000 đồng/ngày, chưa trừ xăng xe. Các tài xế còn có một khoản thưởng khi đạt số cuốc xe và số km nhất định.

Trả lời thắc mắc về việc lượng đơn hàng GrabFood hay GrabExpress tăng vọt, đến mức nhiều lần người dùng đặt cơm hay đặt ship đồ không thể tìm được tài xế, chị H. cho biết "nhìn thế mà không phải thế".

"Các anh đặt cơm trưa thứ nhất trùng vào giờ cao điểm nên khó gọi. Thứ 2, người đặt cơm đa số sẽ trả qua ví Moca trong khi nhiều tài xế không nạp nhiều tiền vào ví. Bởi khi nhận đơn tiền trong ví của họ sẽ bị trừ luôn, ứng cho cửa hàng. Nếu bị bom hàng, họ coi như mất trắng tiền. Họ sợ bị bom hàng nên không nạp nhiều tiền vào ví. Thế nên khi các anh đặt cơm, những người không nạp tiền như tôi sẽ không nhận được cuốc".

Chị H. cũng xác nhận việc chạy GrabFood sẽ giúp tài xế nhận được nhiều điểm thưởng hơn. "Ví dụ, chạy một cuốc 14 km này tôi nhận 14 điểm thưởng thì chạy Food có thể nhận 26 điểm mà quãng đường di chuyển ngắn hơn nhiều. Nhưng tôi không thích chạy nhiều cuốc lẻ", chị nói.

Khi được hỏi về việc có xem xét đến chính sách của một số app gọi xe khác như Be hay Gojek hay không, chị H. cho biết Be thậm chí còn chiết khấu cao hơn so với Grab (33%) nhưng bù lại, cước xe của Be rẻ hơn, tài xế có thể chạy được nhiều hơn để lấy số lượng bù vào.

Theo chị H., cùng với giai đoạn tháng 3-4/2020, đây là thời điểm khó khăn nhất của tài xế GrabBike trong suốt 4 năm theo nghề. Mặc dù vậy, "Hà Nội vẫn may mắn hơn TP.HCM", chị kết luận. Chị H. vẫn có thể kiếm được một khoản tiền nhất định để trang trải cuộc sống gia đình, dù ngặt nghèo hơn so với trước kia. "Tình trạng chung của toàn xã hội mà. Chỉ mong dịch qua đi", chị nói.

Tiêu Dao

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên