MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Chuyện đẹp] Đệ nhất phu nhân Tổng thống Mỹ Jackie Kennedy và giấc mơ Camelot

17-03-2017 - 11:13 AM | Sống

Jackie được coi là quý bà kiều diễm nhất trong các Đệ nhất phu nhân nước Mỹ. Hình ảnh của Jackie, với lòng can đảm đặc biệt của một goá phụ sau cái chết của chồng, đã thực sự chinh phục lòng ngưỡng mộ của cả thế giới.

Biểu tượng thời trang thế giới

Jacqueline Kenedy Onassis (gọi thân mật là Jackie hay Jackie O) - Phu nhân cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy (nhiệm kỳ 1961- 1963) được coi là quý bà kiều diễm nhất trong các Đệ nhất phu nhân nước Mỹ. Trong suốt thời gian tuy ngắn ngủi trong vai trò bà chủ Nhà Trắng, Jackie luôn được coi là biểu tượng thời trang cả trong nước và quốc tế.


Cô dâu Jacqueline Kenedy trong ngày cưới.

Cô dâu Jacqueline Kenedy trong ngày cưới.

Dù không quyền lực như Eleanor Roosevelt, Hillary Clinton hay Michelle Obama nhưng Jackie luôn ghi dấu ấn trong hình ảnh một Đệ nhất phu nhân có tầm văn hoá cao cùng sắc đẹp và gu ăn mặc tuyệt đỉnh, toả sáng giữa “màn bạc chính trường”.

Vouge nhận xét, bằng con mắt vừa sâu sắc, vừa trẻ trung, phu nhân Kennedy là biểu tượng của sự tinh tế về văn hoá trong kỷ nguyên mới ở Nhà Trắng. Các thiết kế dành cho bà không cầu kỳ về kiểu dáng nhưng luôn toát lên sự sang trọng và đẳng cấp vượt thời gian.


“Những chiếc váy phải đủ bó để cho thấy bạn là một người phụ nữ và phải đủ lỏng để chứng tỏ bạn là quý bà”. Jacqueline Kennedy

“Những chiếc váy phải đủ bó để cho thấy bạn là một người phụ nữ và phải đủ lỏng để chứng tỏ bạn là quý bà”. Jacqueline Kennedy

Sinh ra trong một gia đình giàu có với cha là chủ tịch ngân hàng và người mẹ luôn có ý thức uốn nắn con cái theo nề nếp của tầng lớp thượng lưu. Từ nhỏ, Jackie theo học tại trường Miss Porter, rồi tại Vassar College và Đại học George Washington- tại đây bà nhận một văn bằng về nghệ thuật năm 1951.

Jackie cũng có một thời gian theo học tại Đại học Sorbonne (Paris) và quãng thời gian này chính là khoảng thời gian để lại ảnh hưởng sâu sắc trong nhiều khía cạnh cuộc sống của bà, như về ẩm thực hay thời trang. Theo các tài liệu ghi lại, mỹ nhân Nhà Trắng này đặc biệt yêu thích các thiết kế Haute Couture Pháp như Chanel hay Givenchy.


Jackie nói thông thạo tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha. Việc làm đầu tiên của bà là phóng viên nhiếp ảnh cho The Washington Times- Herald, nhờ đó bà có cơ hội tiếp xúc với nhiều chính trị gia, tất nhiên trong số đó là John F. Kennedy.

Jackie nói thông thạo tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha. Việc làm đầu tiên của bà là phóng viên nhiếp ảnh cho The Washington Times- Herald, nhờ đó bà có cơ hội tiếp xúc với nhiều chính trị gia, tất nhiên trong số đó là John F. Kennedy.

Sau một lần từng đính hôn với John Husted, Jr- một nhân viên chứng khoán, ngày 12/9/1953, Jacqueline kết hôn với John F. Kennedy. Đến năm 1960, John F. Kennedy đánh bại Richard M. Nixon để trở thành Tổng thống.

Jacqueline Kennedy- một trong những Đệ nhất Phu nhân trẻ tuổi nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, trở thành tâm điểm của công chúng và mọi việc làm của bà đều thu hút sự quan tâm của dư luận.


Tân Đệ nhất Phu nhân Mỹ- Bà Melania Trump được cho bị ảnh hưởng từ phong cách thời trang của cố Đệ nhất Phu nhân Jacqueline Kennedy.

Tân Đệ nhất Phu nhân Mỹ- Bà Melania Trump được cho bị ảnh hưởng từ phong cách thời trang của cố Đệ nhất Phu nhân Jacqueline Kennedy.


Bộ váy tân Đệ nhất Phu nhân mặc tại lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump được cho khơi nguồn cảm hứng từ bộ váy Jackie mặc cũng tại lễ nhậm chức của John F. Kennedy

Bộ váy tân Đệ nhất Phu nhân mặc tại lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump được cho khơi nguồn cảm hứng từ bộ váy Jackie mặc cũng tại lễ nhậm chức của John F. Kennedy

Với đa số người Mỹ, Jackie luôn được nhớ tới với tư cách Đệ nhất Phu nhân đầu tiên thổi luồng gió hiện đại vào cuộc sống của Nhà Trắng. Đề án quan trọng đầu tiên khi trở thành Đệ nhất Phu nhân của bà là trang trí lại Toà Bạch Ốc. Là người yêu thích môn lịch sử, Jackie tin rằng toà nhà biểu tượng cho đất nước cần được làm nổi bật tính biểu trưng của nó. Jackie cùng chồng là những người am hiểu và biết trân trọng nghệ thuật. Họ thường mời những người trong giới đến dự dạ tiệc, chủ trì những buổi lễ đặc biệt, gặp gỡ những nhân vật tiếng tăm và làm thay đổi cung cách tổ chức những buổi chiêu đãi quốc khách tại Nhà Trắng.

Cho đến nay, Jackie vẫn được xem là một biểu tượng thời trang và nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà thiết kế thời trang lẫn các nhà sản xuất phim. Tuy nhiên người ta không chỉ quý mến bà vì vẻ đẹp và phong cách thời thượng, ảnh hưởng từ Jacqueline Kennedy còn đến từ chính đức hạnh và tình yêu sâu sắc với phu quân của bà.

Vị Đệ nhất phu nhân can đảm


Vợ chồng Tổng thống Kennedy tại Love Field- Texas ngày 22/11/1963. Sau đó ít giờ, cố Tổng thống John F. Kennedy đã bị ám sát.

Vợ chồng Tổng thống Kennedy tại Love Field- Texas ngày 22/11/1963. Sau đó ít giờ, cố Tổng thống John F. Kennedy đã bị ám sát.

Tổng thống Kennedy luôn bị vây quanh bởi những đồn đoán về mối quan hệ ngoài luồng, nổi tiếng nhất trong đó là mối quan hệ với nữ minh tinh Marilyn Monroe. Tuy nhiên trước sóng gió, Jackie luôn một lòng chung thuỷ với chồng. Bà yêu John bằng tình yêu hoàn toàn vô tư và không toan tính của tuổi trẻ.

Năm 1963 dường như là năm bi kịch nhất của Đệ nhất Phu nhân Jacqueline Kennedy khi phải lần lượt chứng kiến con trai Patrick qua đời lúc mới hai ngày tuổi còn chồng bị ám sát ba tháng sau đó. Sự ra đi của Patrick để lại vết thương lòng sâu sắc đối với người từng gặp không ít khó khăn trong việc sinh nở như Jacqueline.


“Điều duy nhất mà em không thể chịu đựng nổi, đó là khi em phải mất anh”, Jacqueline nói với chồng, sau khi Tổng thống Kennedy báo tin con trai Patrick qua đời . Đáp lại, Kennedy quỳ xuống bên giường của vợ, hai mắt đỏ hoe: “Anh biết… Anh biết”.

“Điều duy nhất mà em không thể chịu đựng nổi, đó là khi em phải mất anh”, Jacqueline nói với chồng, sau khi Tổng thống Kennedy báo tin con trai Patrick qua đời . Đáp lại, Kennedy quỳ xuống bên giường của vợ, hai mắt đỏ hoe: “Anh biết… Anh biết”.

Jackie có lẽ không thể ngờ rằng, chỉ ba tháng sau khi chịu đựng nỗi đau mất con, bà phải chịu đựng thêm nỗi đau mất chồng, ngay bên cạnh mình khi hai vợ chồng ngồi trên chiếc xe mui trần vẫy chào người dân Texas. Nhiều người sẽ khó có thể quên hình ảnh Đệ nhất Phu nhân với bộ đầm Channel hồng lấm lem vệt máu từ thi thể cố Tổng thống. Bà kiên quyết từ chối việc rửa sạch vết máu trên mặt hay thay một bộ đầm mới : “Tôi muốn bọn chúng phải nhìn thấy hậu quả mà chúng đã gây ra.”

Hình ảnh của Jackie, với lòng can đảm đặc biệt của một goá phụ sau cái chết của chồng, đã thực sự chinh phục lòng ngưỡng mộ của cả thế giới. Bà luôn dẫn đầu trong các nghi thức quốc gia thương tiếc tổng thống, cùng với Caroline - 5 tuổi và John - 3 tuổi, bên cạnh mẹ tay trong tay, quỳ trước quan tài của chồng tại điện Capitol, bà đi chân đất theo quan tài từ Toà Bạch Ốc đến Thánh đường St. Matthew, nơi cử hành tang lễ, và cuối cùng, thắp lên ngọn lửa vĩnh cửu cho mộ chồng tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington. Tờ London Evening Standard tường thuật: “Jacqueline mang lại cho nhân dân Mỹ… điều mà họ luôn thiếu: sự uy nghi”.


Cố Đệ nhất Phu nhân tại lễ tang của chồng, John F. Kennedy, ở thủ đô Washington ngày 25/11/1963

Cố Đệ nhất Phu nhân tại lễ tang của chồng, John F. Kennedy, ở thủ đô Washington ngày 25/11/1963

Một tuần sau cái chết của Kennedy, khi được phỏng vấn bởi Theodore H. White của tạp chí Life, Jacqueline gọi những năm cầm quyền của Kennedy là thời kỳ “Camelot”. Bà cũng từng chia sẻ: “Sẽ có thể có thêm những Tổng thống vĩ đại, nhưng sẽ khó có thể có một Camelot nào khác nữa”. Vào những ngày cuối cùng còn ở Nhà Trắng, Jackie gửi một lá thư ngoại giao cho Nikita Sergeyevich Khrushchoyov, Tổng bí thư Liên Xô khi đó, bày tỏ mong muốn ông sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy hoà bình- điều mà theo Jacckie là mong mỏi Kennedy luôn theo đuổi lúc sinh thời.

Jackie dành một năm để than khóc, không xuất hiện trước công chúng. Sau đó, bà sống kín đáo và lặng lẽ, một phần vì những quan ngại về sự an toàn cho bà và các con sau vụ ám sát.


“Lòng con đang chảy máu từ bên trong từ sau khi Kennedy bị giết… Nếu con tự tử, liệu Chúa có tiếp tục ngăn cách con và chồng hay không? Điều này thật quá sức chịu đựng”. Jackie chia sẻ nỗi đau với Linh mục Richard McSorley.

“Lòng con đang chảy máu từ bên trong từ sau khi Kennedy bị giết… Nếu con tự tử, liệu Chúa có tiếp tục ngăn cách con và chồng hay không? Điều này thật quá sức chịu đựng”. Jackie chia sẻ nỗi đau với Linh mục Richard McSorley.

Trong hai thập niên cuối của cuộc đời mình, Jacqueline Kennedy Onassis đã theo đuổi sự nghiệp biên tập sách cho nhà xuất bản Doubleday. Bà được nhớ đến vì những đóng góp của mình cho nghệ thuật và việc bảo tồn các công trình kiến trúc lịch sử.

Jackie qua đời ngày 19 tháng 5 năm 1994. Tang lễ của bà được truyền hình toàn quốc, dù được tổ chức cách riêng tư theo ước nguyện của cố Đệ nhất Phu nhân. Jackie được chôn bên cạnh tổng thống quá cố tại nghĩa trang Arlington. Tổng thống Bill Clinton đã đến dự tang lễ, Hai người con đã đặt hoa lên quan tài, chào từ biệt một trong những chân dung Đệ nhất Phu nhân có ảnh hưởng nhất nước Mỹ cũng như một trong những thời kỳ đáng ghi nhớ lịch sử Hoa Kỳ.

(*) Camelot: Tên một chương trình nhạc kịch Broadway mà cố Tổng thống John F. Kennedy đặc biệt ưa thích: “Camelot” là một vương quốc được cai trị bởi huyền thoại Vua Arthur và các Hiệp sĩ của ông. Trong vở nhạc kịch, Vua Arthur có nói: “Đừng để bị lãng quên, khi đã từng có một khoảnh khắc toả sáng ngắn ngủi mang tên Camelot”.

Bài viết nhân dịp bộ phim Jackie - được sản xuất bởi Darren Aronofsky- nhà sản xuất Black Swan, Noah và được Natalie Portman- minh tinh từng đoạt giải Oscar thủ vai chính, vừa được công chiếu cuối 2016. Bộ phim khắc hoạ một trong những khoảnh khắc quan trọng và bi thảm nhất lịch sử nước Mỹ bốn ngày sau vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy- khi đó, Jackie, với nhân phẩm và tư thế đĩnh đạc của mình đã chiến đấu không mệt mỏi để lập di sản và gìn giữ giấc mơ “Camelot” của chồng mà bà yêu thương tha thiết.

Theo Đàm Linh

Trí thức trẻ

Trở lên trên