Chuyến đi của Rơm: Sinh ra từ cây lúa, lớn lên ở cánh đồng, làm phân bón tươi tốt, thành những chiếc túi xinh!
Cùng với cộng sự của mình và sự đồng hành của trường Đại học Khoa học Huế; sự tài trợ từ Dự án TVA/WWF - Việt Nam thông qua Cuộc thi Sáng kiến giảm thiểu Rác thải nhựa Huế 2023, cô gái 9x đang tái sinh cuộc đời cho Rơm với mục đích tạo nên những sản phẩm độc lạ, giúp ích cho đời sống và góp phần bảo vệ môi trường.
- 08-11-2023“Em bé khổng lồ” 16 tuổi vẫn được bảo mẫu bón cơm, cắt móng chân, tiêu đến 167 triệu đồng/ngày, giờ ra sao?
- 08-11-2023Bỏ 16 triệu đồng/tháng thuê bảo mẫu nhưng không biết làm việc nhà, cụ bà 75 tuổi vẫn không đuổi việc vì 1 câu nói
- 05-11-2023Khảo sát 478.000 người phát hiện 1 loại quả là ‘thuốc’ chống ung thư phổi, ổn định đường huyết: Rất sẵn ở chợ Việt
Sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn, cô gái trẻ Dương Thị Nhung (SN 1998, tỉnh Thừa Thiên Huế) nhận thấy nguồn rơm rạ sau khi thu hoạch mùa vụ rất lớn nhưng đôi khi sử dụng không đúng cách dẫn đến lãng phí. Chính vì vậy, Nhung luôn đau đáu cách xử lý phế phẩm để mang lại hiệu quả cao nhất, giúp ích cho người nông dân, đặc biệt nhằm phát triển kinh tế địa phương.
Rơm sinh ra từ lúa, vươn lên từ cánh đồng, thấm đẫm những giọt mồ hôi của người nông dân. Nhưng với quan niệm truyền thống, thật đáng tiếc khi rơm kết thúc cuộc đời ở đống tro tàn. Nhận thức về điều này, Nhung quyết định thành lập “Chuyến Đi Của Rơm” với khao khát viết tiếp một câu chuyện thú vị cho hành trình của chú bé Rơm. Nhờ vào việc tái sinh rơm vào vật liệu, sản phẩm khác nhau, rơm lại được phiêu lưu đến những trường học, những xóm làng, những đô thị.
Rơm có nhiều công dụng trong nông nghiệp như làm thức ăn cho gia súc, ủ phân,... Tuy nhiên, hình thức xử lý này đem lại hiệu quả kinh tế chưa cao so với tiềm năng hiện có. Do vậy, hiện trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch vẫn còn nhiều, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Trên mỗi chặng dừng chân, Rơm mong muốn được giúp đỡ mọi người: Tận dụng được nguồn tài nguyên nông nghiệp, giúp người nông dân phần nào đỡ vất vả, tạo ra những món hàng bền vững, giảm thiểu được những tác động của rác thải nhựa, giúp các bạn học sinh nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường.
Sự phiêu lưu và thú vị này còn là trải nghiệm của thành viên tham gia dự án. Các bạn học sinh, sinh viên với “background” khác nhau. Có bạn đến từ nông thôn, có bạn ở thành thị và không ít bạn trước đó còn chưa đặt chân đến đồng lúa bao giờ. Nhưng khi đến với “Chuyến đi của Rơm”, các bạn đều được khoác trên mình màu áo nông dân, tự tay làm sạch và cắt nhỏ từng cọng rơm, rồi lại tiếp tục miệt mài trên phòng thí nghiệm.
Nhung hào hứng bật mí: “Tên gọi của dự án cũng có nét gần gũi, thân quen thông qua việc hình tượng hoá rơm và vòng đời của rơm, từ đó giúp các bạn trẻ dễ tiếp cận hơn.
Tôi mong muốn câu chuyện về nghiên cứu, sáng chế và khoa học không chỉ những bài báo khô khan mà còn là câu chuyện gần gũi của cuộc sống thường ngày. Và hơn thế, tôi tin rằng chuyến đi này ngày càng đặc sắc hơn thông qua câu chuyện của người sử dụng sản phẩm, từ các bức vẽ màu sắc sáng tạo trên giấy rơm hay khi được đựng món đồ thân thuộc trong chiếc túi xách làm từ rơm”.
Đâu đó, hành trình của rơm cũng giống như hành trình của con người, có sinh ra - trải nghiệm - phát triển - tái sinh. Mỗi cá nhân sẽ có cho mình một suy nghĩ khác về thế giới quan.
Chẳng hạn Nhung - người sáng lập dự án cùng một số thành viên khác sinh ra tại mảnh đất Huế, sau đó đi nhiều nơi để trải nghiệm và phát triển bản thân. Hay nhiều bạn có cơ hội học tập tại nước ngoài, tới nhiều vùng đất mới. Ở hành trình đó sẽ giúp mỗi người học hỏi nhiều từ những sáng kiến bền vững, được khám phá vô vàn điều mới lạ, vun đắp tình yêu quê hương và khát khao đóng góp cho nơi mình thuộc về.
Và các bạn chọn “đi để trở về”, quay về nơi mình sinh ra, mang những kiến thức và kinh nghiệm đã tích lũy đóng góp cho quê hương thân thương, giống như cách rơm đã quay về và đóng góp cho chính mảnh đất sinh ra nó.
Người sáng lập dự án trải lòng: “Tái sinh ở đây là sự thay đổi về bên trong, khi trở lại, chúng ta đã có những sự thay đổi nhất định nhờ sự tích luỹ những trải nghiệm mới, có những tư duy mới, trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn, trân trọng những điều yêu thương, ý thức hơn về phát triển cá nhân đi đôi với phát triển cộng đồng.
Tôi bất giác nhớ đến câu nói của Terry Pratchett trong ‘A Hat Full of Sky’ ‘Tại sao lại đi? Để bạn có thể trở lại. Để bạn có thể nhìn thấy nơi bạn đến với đôi mắt mới với nhiều màu sắc hơn. Những người ở đó cũng nhìn nhận bạn theo cách khác. Trở lại nơi bạn bắt đầu không giống như chưa bao giờ rời đi’”.
“Hành trình bền vững trên cánh đồng xanh” là slogan và đó cũng là một trong những sứ mệnh của “Chuyến đi của Rơm”. Chú trọng đến tính bền vững nên nguồn rơm khai thác của dự án luôn cần đảm bảo an toàn và được kiểm tra các chỉ số về kim loại độc như Cu, Zn, Pb.
“Chuyến đi của Rơm” luôn hướng đến mục tiêu mang đến cho khách hàng những sản phẩm có chất lượng tốt với giá thành hợp lý nhất. Dự án nỗ lực trong việc tìm kiếm các nhà cung cấp rơm uy tín để có được nguồn cung ổn định về số lượng và chất lượng. Đồng thời, việc tập trung nghiên cứu phát triển sản phẩm mới luôn được chú trọng để đáp ứng sự thay đổi của thị trường. Tầm nhìn đến năm 2025, dự án sẽ cung cấp các sản phẩm thân thiện với môi trường được làm từ rơm rạ, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa.
Nhung cũng cho biết, cô cùng các cộng sự của mình đang chuẩn bị nguồn lực để có thể đưa các sản phẩm chế tạo từ rơm thân thiện với môi trường tới quốc tế. Những chiếc túi xách độc đáo, giấy viết hay những tấm thiệp xinh xắn làm bằng rơm,... chắc chắn sẽ là những sản phẩm gây ấn tượng với mọi người. Đặc biệt, Nhung còn nhen nhóm dự định làm những chiếc hộp đựng bánh bằng rơm với đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc mà mức độ an toàn.
Nhà sáng lập dự án “Chuyến đi của Rơm” hào hứng bật mí: “Khi tham gia hội thảo, hay mang sản phẩm được làm từ rơm đến với đối tác cũng như bạn bè nước ngoài, chúng tôi luôn cố gắng tạo hình ảnh thân thiện, nhiệt tình và uy tín, gắn liền những nét truyền thống của người dân Việt Nam”.
Để dự án có những bước tiến đột phá, Nhung cùng các cộng sự đã chấp bút viết bản đề xuất dự án (project proposal) đăng ký tham dự các chương trình gây quỹ, các dự án phát triển thanh niên và các cuộc thi khởi nghiệp ở trong và ngoài nước.
May mắn thay, từ năm 2021, “Chuyến đi của Rơm” đạt được một số thành tựu nhất định như: Giải Nhất phần thi thuyết trình các dự án phát triển cộng đồng tiềm năng tại Trường Hè Phát Triển Việt Nam (VSSD - 2021), đạt tài trợ cao nhất trong chương trình tăng cường năng lực gây quỹ cho các tổ chức phi lợi nhuận do Trung tâm Phát triển cộng đồng LIN tổ chức (năm 2022).
Đặc biệt, trong năm 2023, “Chuyến đi của Rơm” đã chiến thắng tại cuộc thi sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa 2023 do dự án "Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam"/WWF-Việt Nam tổ chức và nhận được 100% tài trợ để triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học và tạo ra các sản phẩm giá trị từ rơm cũng như xây dựng các hoạt động truyền thông trên địa bàn TP. Huế về giảm thiểu rác thải nhựa.
Không chỉ dừng lại ở việc tạo ra sản phẩm ý nghĩa, có giá trị, dự án còn giúp phát triển kinh tế xã hội, tạo việc làm cho mọi người. Nhờ dự án, các bác nông dân sẽ không còn phải đốt rơm một cách lãng phí nữa mà sẽ bán để tạo thêm nguồn thu nhập, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống. Còn chính quyền địa phương sẽ giải quyết một số vấn đề về môi trường liên quan đến túi nilon và tình trạng đốt rơm gây khói bụi.
Để các hoạt động không chỉ nằm trên hồ sơ nghiên cứu mà được thực hiện một cách tốt nhất ngoài thực tế, Nhung thường cùng các cộng sự trực tiếp về địa phương trao đổi với các bác nông dân. Qua đó, Nhung biết thêm được nhiều cách sử dụng rơm một cách hữu hiệu như: che phủ rau màu, cuộn rơm, ủ phân bón,... Các bác nhận thức được tác động của việc đốt rơm rạ và mong muốn có một giải pháp để giảm thiểu việc đốt rơm như hiện nay. Các bác sẵn sàng góp ý về các sản phẩm của nhóm dự án, sẵn sàng kết nối, hỗ trợ để Rơm có thể phát triển hơn.
Trong giai đoạn tới, “Chuyến đi của Rơm” sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng nguồn nhân sự của dự án thông qua việc tham gia các chương trình hợp tác, trao đổi, các diễn đàn về phát triển bền vững; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, kết nối để thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị sản phẩm từ rơm; Tăng cường thông tin về các sản phẩm làm từ rơm để các đơn vị có quan tâm, doanh nghiệp và người tiêu dùng được biết.
Đồng thời, dự án tiến hành xây dựng quy trình quản lý rơm rạ theo định hướng nông nghiệp tuần hoàn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí, tăng thu nhập và đa dạng sinh kế cho nông dân và các bên liên quan; Phối hợp với các Viện, trường, tổ chức quốc tế, tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp sử dụng rơm hiệu quả, sản phẩm đa dạng hơn như túi đựng cao cấp, hộp đựng các sản phẩm truyền thống mang đậm chất Huế, tem sách, giấy vẽ tranh,...
Đến nay, “Chuyến đi của Rơm” đã tham gia nhiều sự kiện thú vị như “Giờ trái đất”, “Ngày hội tái chế”, “Sống xanh”,... dưới hình thức gian hàng và nhận được phản hồi tích cực từ mọi người. Gần đây nhất là sự kiện “Để dó cuốn đi” vào tháng 7, các bạn trẻ tham gia được tự tay làm giấy, túi xách, quạt từ rơm, được vẽ những bức tranh yêu thích trên giấy rơm. Qua đó lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường, lối sống xanh trong cộng đồng và tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên.
“Trong khuôn khổ triển khai sáng kiến, Tháng 12 tới, nhóm sẽ tổ chức hoạt động trải nghiệm với chủ đề ‘Chuyện của Rơm; nhằm lan tỏa thông điệp về trách nhiệm và hành động vì khí hậu, thực hành lối sống xanh đến học sinh”, cô gái 9x chia sẻ thêm.
“Chuyến đi của Rơm” vẫn đang trên hành trình phát triển đầy tính nhân văn, hướng mọi người đến những điều tốt đẹp, mang tính bền vững. Hiện dự án đang được vận hành gần như toàn bộ với nguồn nhân lực là các bạn sinh viên, Thạc sĩ và nhà nghiên cứu từ trường Đại học Khoa học Huế. Và dự án nhận được sự hỗ trợ về mặt trang thiết bị, kỹ thuật, chuyên môn bởi các chuyên gia, các thầy cô đến từ trung tâm CRET.HUE và Khoa Môi trường, trường Đại học Khoa học, Đại học Huế.
Ngoài ra, nhóm dự án còn có một số thành viên thường trực ở 2 thành phố lớn là TP. HCM và TP. Hà Nội hỗ trợ các hạng mục về truyền thông, tiếp thị sản phẩm, tìm kiếm đối tác và triển khai các hoạt động hợp tác, kết nối với các nhà đầu tư trong khu vực. Chính những đóng góp thầm lặng nhưng lớn lao đã giúp dự án ngày càng được nhiều người biết đến, tham gia hưởng ứng.
"Giải thưởng hành động vì cộng đồng - Human Act Prize" do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.
Với sự đồng hành tích cực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; đơn cử như ngân hàng quân đội MBBank với dự án ứng dụng thiện nguyện minh bạch; trong quá trình truyền thông và tổ chức sự kiện, Human Act Prize sẽ tiếp sức tinh thần và những giá trị tri thức để mọi hoạt động cộng đồng tại Việt Nam được kiến tạo minh bạch, khoa học, hữu hiệu và nhân văn.
Rất mong giải thưởng có thể nhận thêm nhiều sự quan tâm cũng như đóng góp của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org/
Nhịp sống thị trường
Sự kiện: Human Act Prize
Xem tất cả >>- "Tiệm tóc thanh xuân" - Tiệm tóc đặc biệt, là trạm cảm xúc gắn kết yêu thương của các o, các mệ
- Giải pháp thi công chưa từng có ở Việt Nam, thế giới chưa từng ghi chép
- Hành Trình Cảm Hứng HAP - Bộ Phim Tài Liệu Ghi Dấu Những Người Hùng Thầm Lặng
- Heo Đất MoMo nhận giải thưởng Human Act Prize 2023 nhờ đổi mới cách làm thiện nguyện
- Gặp gỡ người mẹ của hơn 400 con trẻ mồ côi Đặc biệt