MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện dở khóc dở cười đầu năm của thị trường ô tô Việt: Xe này tăng giá, xe kia mua ‘bia kèm lạc’, vui vui lại có xe ‘cắt’ tiện ích

25-02-2022 - 12:08 PM | Thị trường

Đầu năm, người mua xe mới tại Việt Nam đang đối mặt với hàng loạt vấn đề đau đầu.

2022 được xem là năm "tăng tốc" của thị trường ô tô Việt Nam. Theo dự đoán của giám đốc một hãng xe lớn, đây có thể là năm doanh số ô tô tại Việt Nam cán mốc 500.000 xe, trở thành một trong những thị trường lớn của khu vực (doanh số 2021 là khoảng 410.000 xe).

Tuy nhiên, vẫn có những rào cản lớn cho quá trình tăng tốc đó. Điển hình là tình trạng khan hàng, thiếu linh kiện dành cho nhiều mẫu xe, từ đó dẫn đến hàng loạt những rắc rối dành cho người mua.

Hôm 16/2, Thaco công bố cập nhật giá bán của hàng loạt mẫu xe phổ thông bán chạy thuộc thương hiệu Kia như Seltos, Sonet và mẫu sedan K3. Với Kia Sonet, đây đã là đợt tăng giá thứ 2 chỉ trong 2 tháng. Trong khi đó, Kia Seltos thậm chí còn lập kỷ lục tăng giá tại Việt Nam về cả số lần tăng và mức tăng. Mẫu xe này đã tăng giá tổng cộng 5 lần kể từ khi ra mắt. Riêng 2 phiên bản Deluxe và Luxury sau khi điều chỉnh đã tăng giá khoảng 50 triệu đồng.

Chuyện dở khóc dở cười đầu năm của thị trường ô tô Việt: Xe này tăng giá, xe kia mua ‘bia kèm lạc’, vui vui lại có xe ‘cắt’ tiện ích - Ảnh 1.

Kia Seltos đã tăng giá 5 lần kể từ khi ra mắt.

Trong khi đó, hàng loạt mẫu xe khác lại rơi vào tình trạng bán hàng "bia kèm lạc", điển hình như Tucson và Santa Fe của Hyundai. Tình trạng này đã diễn ra từ giai đoạn cận Tết, kéo dài cho đến hiện tại.

Khách mua Hyudai Tucson sẽ phải trả mức chênh khoảng 40 triệu cho bản tiêu chuẩn, trong khi bản Turbo 1.6 chênh 50 triệu còn bản máy dầu có mức chênh 60-70 triệu đồng. Với Hyudai Santa Fe, bảng 2.5 xăng cao cấp bị chênh 50-100 triệu đồng, chưa kể việc hãng công bố tăng giá bán 20 triệu đồng.

Một mẫu xe khác mới ra mắt tại Việt Nam cũng chịu cảnh "bia kèm lạc" là Ford Explorer. Có giá niêm yết 2,36 tỷ đồng nhưng xe hiện được các đại lý chào bán với giá khoảng 2,5 - 2,6 tỷ đồng – chênh hơn 200 triệu đồng. Thực tế, tình trạng này xuất hiện ngay từ thời điểm đại lý mở đặt trước xe từ năm ngoái. Khách nếu muốn nhận xe ngay thời điểm mở bán (tháng 2 hoặc đầu tháng 3) đều phải chấp nhận trả mức chênh này.

Không chỉ các dòng xe có giá tiền tỷ, khách mua mẫu SUV hạng A Toyota Raize cũng phải trả thêm tiền "lạc" khoảng 20-25 triệu đồng. Trong tất cả trường hợp này, các đại lý đều đưa chung một lý do là khan hàng, thiếu linh kiện, đắt gãy chuỗi cung ứng khiến hàng không đủ để bán ra.

Cũng vì thiếu linh kiện, mới đây Mercedes-Benz Việt Nam công bố cắt một số trang bị cho dòng S-Class 2022 (W223) nhưng vẫn giữ nguyên giá bán.

Chuyện dở khóc dở cười đầu năm của thị trường ô tô Việt: Xe này tăng giá, xe kia mua ‘bia kèm lạc’, vui vui lại có xe ‘cắt’ tiện ích - Ảnh 2.

Mercedes-Benz S-Class 2022 bị cắt trang bị tại Việt Nam.

Cụ thể, model S450 bản tiêu chuẩn sẽ bị cắt 2 tính năng là gói trang bị tạo mùi hương nội thất Air-Balance và tính năng đá cốp, bản Luxury cắt thêm tính năng đèn nền nội thất điều chỉnh chủ động.

Trước đó, S-Class cũng được thông báo cắt giảm gói giải trí cho hàng ghế sau nhưng được giảm giá 140 triệu cho bản tiêu chuẩn và 200 triệu cho bản Luxury. Tuy nhiên từ tháng 2, 2 gói trang bị này được cung cấp trở lại và giá bán của xe trở về mức niêm yết ban đầu.

Ngoài S-Class, một số mẫu xe khác của Mercedes-Benz cũng bị cắt trang bị, chẳng hạn GLC 300 4Matic Coupe không có tính năng mở cốp rảnh tay, GLE 450 4Matic bị cắt hệ thống đèn LED Multibeam. Đây đều là các mẫu xe được nhập khẩu nguyên chiếc, trong khi xe lắp ráp không bị ảnh hưởng.

Theo ông Ngọc Tuấn – chuyên gia trong lĩnh vực ô tô tại Việt Nam, tình trạng thiếu linh kiện, gián đoạn chuỗi cung ứng thực sự gây ra khó khăn cho hàng loạt hãng sản xuất ô tô lớn, trong đó có các hãng đang sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Động thái cắt giảm trang bị của một số mẫu xe không chỉ diễn ra tại thị trường Việt Nam mà còn nhiều thị trường lớn khác. "Gần đây tại Mỹ, tình trạng bán xe ‘bia kèm lạc’ cũng diễn ra phổ biến. Thậm chí nhiều mẫu xe hàng lướt cũng tăng giá cao hơn cả xe mới", ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, người dùng Việt Nam bức xúc là có lý do. Cách hành xử của hãng sản xuất cũng như đại lý đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này. Sale, đại lý chỉ cốt chốt càng nhiều đơn càng tốt, trong khi thời điểm giao xe không công bố rõ ràng, liên tục gây khó chịu, ảnh hưởng đến kế hoạch cá nhân của người mua. Cái người mua cần là sự rõ ràng, minh bạch và chuyên nghiệp khi họ đã bỏ ra cả trăm triệu đến tiền tỷ để mua xe".

https://cafef.vn/chuyen-do-khoc-do-cuoi-dau-nam-cua-thi-truong-o-to-viet-xe-nay-tang-gia-xe-kia-mua-bia-kem-lac-vui-vui-lai-co-xe-cat-tien-ich-20220225111837243.chn

Đức Nam

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên