MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện “dở khóc dở cười” vì đổi tiền ở Ấn Độ

17-11-2016 - 17:10 PM | Tài chính quốc tế

Từ trực thăng quốc phòng được điều động đi phát tiền cho đến ngân hàng gõ cửa chùa chiền để đổi tiền lẻ, chiến dịch đổi tiền để chống lại nạn rửa tiền của chính quyền thủ tướng Narendra Modi đã đẩy Ấn Độ vào tình trạng dở khóc, dở cười, Bloomberg thống kê.

Nền kinh tế tiền mặt của Ấn Độ bị chấn động kể từ tuần trước, khi ông Modi tuyên bố các tờ bạc 500 và 1.000 rupee sẽ bị ngừng lưu thông. Chúng phải được chuyển về ngân hàng trước cuối năm nay. Lượng tiền mặt này được ước chừng chiếm khoảng 1/7 tổng giá trị tiền mặt đang lưu thông.

Động thái này được cho là có lợi ích về mặt dài hạn, vì nó ngăn chặn tình trạng trốn thuế và tham nhũng. Trên thực tế, lượng tiền không rõ nguồn gốc đang chiếm tới gần ¼ nền kinh tế Ấn Độ.

Tuy nhiên, chiến dịch vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Ấn Độ đã làm nảy sinh nhiều câu chuyện dở khóc dở cười.

Trực tăng tiền

Trực thăng quốc phòng của Ấn Độ đã được lệnh trong tình trạng sẵn sàng để chuyển tiền từ kho tới các khu vực vùng sâu vùng xa, người phát ngôn của Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cho biết.

Thông thường, tiền mặt sẽ được chuyển từ nhà máy in của Ngân hàng Trung ương tới 4.000 kho tiền trên khắp Ấn Độ. Tiền từ đó sẽ được xe tải vũ trang chuyên dụng chuyển tới các chi nhánh ngân hàng.

Còn trong chiến dịch lần này, các tờ bạc mới được vận chuyển bằng đường máy bay khi nhiều khu vực khó tiếp cận ghi nhận tình trạng khan hiếm tiền mặt.

Đồng hồ Rolex đột nhiên cháy hàng

Sau khi chiến dịch được phát động, nhu cầu đồng hồ xa xỉ tại Ấn Độ tăng đột biến.

Một cửa hàng bán đồng hồ ở Tây Bắc Mumbai bán được tới 45 chiếc Rolex trong một ngày, theo đại diện của hãng. Đây thường là mức doanh số của cửa hàng trong cả tháng. Thậm chí nhân viên cửa hàng phải mời khách đi mua nơi khác vì không đủ hàng.

Vàng thành mặt hàng nóng

Một người đàn ông Ấn Độ xách cả hòm tiền đi đổi.
Một người đàn ông Ấn Độ xách cả hòm tiền đi đổi.

Giống như đồng hồ xa xỉ, nhu cầu đối với vàng cũng bùng nổ. Giám đốc công ty bán buôn vàng Amrapali Group của Ấn Độ cho biết các cửa hàng vàng trang sức đã đóng cửa vào cuối ngày 8/11, nhưng lại phải mở cửa vài tiếng sau đó vì khách gọi cửa quá nhiều. Cửa hàng tiếp tục mở cửa thâu đêm và bán tới tận 4 giờ sáng.

“Khách xách những bao tiền đứng xếp hàng. Một số cửa hàng còn phải viện đến công an để kiểm soát đám đông”, ông tả lại.

Khách thậm chí sẵn sàng trả gấp đôi thị giá để mua được vàng.

Huy động cả nhân viên nghỉ hưu

Lượng khách đến đổi tiền mặt tại các ngân hàng luôn trong tình trạng quá tải.
Lượng khách đến đổi tiền mặt tại các ngân hàng luôn trong tình trạng quá tải.

Nhân viên nghỉ hưu tại nhiều ngân hàng quốc doanh được gọi đi làm trở lại để phục vụ yêu cầu đổi tiền của khách. Nhiều nhân viên phải làm việc theo ca nhiều giờ không nghỉ vì lượng khách quá đông.

Thậm chí chính phủ Ấn Độ phải lệnh cho ngân hàng cung cấp thực phẩm, phương tiện đi lại cho nhân viên giao dịch.

Xe tải đắp chiếu

Tài xế bỏ xe giữa hành trình vì hết tiền mặt để mua thực phẩm, đổ xăng, trả phí thông quan.
Tài xế bỏ xe giữa hành trình vì hết tiền mặt để mua thực phẩm, đổ xăng, trả phí thông quan.

Khoảng một nửa trong 9,3 triệu xe tải của tập đoàn All India Motor Transport Congress đã nằm đắp chiếu bên lề đường khoảng 8 ngày sau khi có thông báo về chiến dịch. Công ty này vận chuyển khoảng 65% khối lượng hàng hóa của toàn quốc gia

Nguyên nhân là do tài xế bỏ xe giữa hành trình vì hết tiền mặt để mua thực phẩm, đổ xăng, trả phí thông quan. Cần vài ngày nữa thì các hoạt động mới trở lại bình thường, lãnh đạo công ty cho biết.

Sửa toàn bộ máy rút tiền

Những tờ tiền mặt 500 và 2.000 rupee mới phải được bổ sung vào 220.000 máy rút tiền trên toàn Ấn Độ. Nhưng vấn đề là kích cỡ của những tờ tiền này không vừa với khay rút tiền truyền thống. Để thay khay tiền tại tất cả máy ATM phải mất ít nhất một tháng.

Cà phê miễn phí

Tại những thành phố lớn như Delhi, Mumbai và Bangalore, hãng Starbucks đã phát cà phê miễn phí cho người đứng xếp hàng hàng giờ trước các máy ATM và ngân hàng.

Mở hòm công đức

Nhiều điểm tín ngưỡng tại Ấn Độ đã mở hòm quyên góp để giúp đỡ người trong hoàn cảnh khó khăn.

Một nhà thờ có tên Martin De Porres đã phân phát tiền công đức cho người dân nghèo không có tiền mặt để mua thực phẩm.

Ngôi đền Shree Dharma Shastha Mahavishnu ở Mumbai cũng mở khóa hòm quyên góp.

Chưa hết, các ngân hàng còn gõ cửa nhà thờ, chùa chiền và miếu mạo để vận động ban quản lý gửi tiền tuyên góp vào tài khoản, nhằm đưa tiền mặt trở lại thị trường, xoa dịu tình trạng khan tiền hiện tại, theo thông báo của Bộ Tài chính.

Theo Thảo Mai

BizLIVE

Trở lên trên