MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyển đổi cây trồng không dễ

13-04-2016 - 10:53 AM | Thị trường

Đẩy mạnh công tác chuyển đổi cây trồng trên đất lúa trong bối cảnh xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt được dự báo sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng ở vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trở thành một yêu cầu cấp bách. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cần phải được thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi

Có ý kiến cho rằng, hiện nay việc cơ cấu lại cây trồng vật nuôi tùy thuộc vào điều kiện sinh thái vùng sản xuất ở từng địa phương của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL diễn ra khá chậm chạp. Bởi đến thời điểm hiện nay, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến hàng chục ngàn hécta diện tích trồng lúa ở ĐBSCL và nhiều diện tích đất lúa buộc phải chuyển đổi cây trồng trong mùa vụ tới.

Theo Cục Trồng trọt, trong vụ hè thu này, khu vực ĐBSCL cần phải chuyển đổi 11.200 ha diện tích đất lúa sang một số loại cây trồng khác do ảnh hưởng của xâm nhập mặn và hạn hán. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các tỉnh đang gặp nhiều khó khăn về nước sản xuất như: Tiền Giang (4.000 ha), Vĩnh Long (3.000 ha), Hậu Giang (1.300 ha)... Tuy nhiên để có thể chuyển đổi thành công 11.200 ha diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng né hạn, mặn là điều hoàn toàn không phải dễ dàng vì công tác chuyển đổi còn vấp phải rất nhiều vướng mắc cần phải tháo gỡ.

Nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đòi hỏi nông dân phải đầu tư nhiều hơn về vốn, kỹ thuật canh tác, cơ sở hạ tầng. Chưa kể đến việc nghiên cứu, tìm tòi những giống cây, con cho năng suất và chất lượng cao, mang lại hiệu quả kinh tế và đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, trở lực lớn nhất hiện nay là phần lớn diện tích canh tác rau màu của nông dân vẫn còn ở quy mô nhỏ lẻ, không tập trung. Rất khó có thể chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật và không thể tạo thành vùng sản xuất đồng bộ để tạo ra sản lượng đủ lớn để phục vụ yêu cầu thu mua của doanh nghiệp. Đồng thời, khâu tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ chưa chặt chẽ, thiếu tính bền vững.

Do vậy, đa phần sản phẩm rau màu được tiêu thụ qua các kênh phân phối truyền thống mà chưa có nhiều doanh nghiệp hợp đồng đầu tư hay bao tiêu sản phẩm và cả công nghệ sấy, chế biến sau thu hoạch cũng chưa được quan tâm. Tình trạng “được mùa mất giá” thường xuyên diễn ra, nông dân phải tự tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản của mình... khiến nhiều nông dân lo ngại không dám chuyển đổi.

Cần thực hiện nhiều giải pháp

Khó khăn, vướng mắc đã nhìn thấy rất rõ và đặc biệt trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp đang bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu đã đặt ra cho các địa phương phải nhanh chóng tìm mọi giải pháp nhằm thúc đẩy được chuyển đổi cây trồng, vật nuôi gắn chặt với thị trường tiêu thụ. Giải pháp “cần” hiện nay là các tỉnh chủ động, tăng cường làm “cầu nối” giữa nông dân và doanh nghiệp bằng việc thực hiện nhiều chính sách ưu đãi kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp các tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ nông dân về nguồn giống chất lượng, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm tăng năng suất, giảm giá thành, hỗ trợ thông tin thị trường giúp nông dân định hướng tốt trong việc chuyển đổi. Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy liên kết nông dân phát triển kinh tế hợp tác, thành lập hợp tác xã để dễ tiếp cận với khoa học kỹ thuật, nguồn vốn và thị trường tiêu thụ.

Các địa phương cũng đang đề xuất Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTN) kiến nghị với Trung ương nhanh chóng triển khai chính sách hỗ trợ các địa phương kinh phí chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Vì thực tế, chính sách hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi đã có nhưng lại triển khai không kịp thời, không tạo sức hấp dẫn để vận động người dân. Chẳng hạn tại tỉnh Trà Vinh, gần 3.000 ha lúa trong toàn tỉnh được chuyển đổi từ vụ hè thu 2014, thu đông 2014 - 2015 và vụ đông xuân 2014 - 2015 nhưng đến nay nông dân vẫn chưa nhận được kinh phí hỗ trợ 2 triệu đồng/ha theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, việc chuyển đổi cây trồng còn gặp vướng mắc vì người dân chưa nắm bắt được những hiệu quả từ mô hình trình diễn do hiện nay những mô hình trình diễn thiếu hoặc chưa có. Không những thế, việc vay vốn ngân hàng cũng chưa hợp lý và cần phải có chính sách điều chỉnh cho phù hợp, linh hoạt với điều kiện thực tế. Theo ông Hồ Hoàng Ưng, Phó Chủ tịch huyện Châu Thành A (tỉnh Trà Vinh), tại địa phương có hộ vay chăn nuôi phải hoàn vốn trong vòng 6 tháng nhưng từng ấy thời gian chưa đủ để hộ chăn nuôi thu hồi vốn từ nuôi lợn, gà; hay những hộ chuyển đổi cây trồng phải hoàn vốn trong vòng 2 năm, tuy nhiên trong 2 năm thì cây trồng có thể chưa thu hoạch.

Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ: Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy kinh tế về nông nghiệp. Tại sao ngăn nước mặn cấy lúa, phải coi nước mặn là bạn giúp nông dân ven biển làm giàu từ con tôm. Còn hướng phát triển bền vững tại vùng ven biển nhiễm mặn trong mùa khô, chúng tôi cũng đề xuất một vụ lúa trong mùa mưa. Khi dứt mưa, thu hoạch lúa xong, lúc ruộng lúa đang còn sình lầy thì nông dân cho nước mặn lên ruộng để nuôi tôm, cá kèo, cua... đạt lợi tức trên 3 lần lúa với nước mặn.

Theo A.Đ

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên