Chuyện đời cố Chủ tịch Lee Kun-hee: Người đàn ông huyền thoại đã biến Samsung trở thành một đế chế điện tử hàng đầu thế giới
Di sản của cố Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee để lại là quá lớn. Nhờ sự quyết liệt và tầm nhìn xa trông rộng, Samsung đã trở thành một cái tên hàng đầu thế giới trong lĩnh vực smartphone, TV và chip nhớ.
- 25-10-2020Ngay cả các tỷ phú cũng vướng phải 1 tư duy kiếm tiền "độc hại" này, không sớm thoát thì cả cuộc sống và hạnh phúc đều bị đe dọa
- 25-10-2020Chuyện cô lễ tân non trẻ trở thành nữ tướng đắc lực của Jack Ma: Sau 30 tuổi vẫn có thể bắt đầu sự nghiệp, miễn là nắm chắc trong tay 5 yếu tố then chốt này
- 14-10-20206 bài học thành công từ tỷ phú John Paul DeJoria, người phải "nhận đủ" những nghịch cảnh nhưng vẫn bứt phá thành công
Ngày 25/10, Samsung đã đưa ra một tin buồn: Chủ tịch tập đoàn Lee Kun-hee đã từ trần, hưởng thọ 78 tuổi.
Sự ra đi của Chủ tịch Lee dù là một kết cục sớm muộn (ông vốn đã rơi vào hôn mê sau một cơn đau tim vào năm 2014), vẫn để lại nhiều tiếc nuối. Người đàn ông ấy được xem như huyền thoại sống của Samsung, là người đã đưa tập đoàn này trở thành một đế chế hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sáng tạo sản xuất điện tử - bao gồm smartphone, TV và chip nhớ. Để rồi vào ngày hôm nay, chỉ có Samsung mới được xem là đối trọng lớn nhất với Apple mà thôi.
Chủ tịch Lee Kun-hee từ trần ngày 25/10/2020, thọ 78 tuổi
Tầm nhìn của "Người được chọn"
Lee Kun-hee sinh ngày 9/1/1942 tại Daegu - thành phố cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc khoảng 240km về phía Nam, là con trai thứ 3 của người sáng lập tập đoàn Samsung, ông Lee Byung-chull.
Năm 1938, ông Lee Byung-chull mở một cửa tiệm tạp hóa 4 tầng tại Daegu - cũng chính là nơi khởi nguồn của tập đoàn Samsung sau này.
Thuở thiếu thời, Lee Kun-hee mê điện ảnh, thích ô tô, nhưng luôn giữ kín cho riêng mình. Cậu bé Lee ngày ấy học đấu vật, chơi bóng bầu dục để chống lại sự cô đơn. Ông sau đó tốt nghiệp bằng cử nhân chuyên ngành kinh tế ĐH Waseda (Tokyo, Nhật Bản), rồi theo học ngành quản trị kinh doanh tại ĐH George Washington (Mỹ).
Ông Lee Kun-hee trong một sự kiện năm 1988
Năm 1971, Lee Byung-chull đã chọn cậu con trai út - chính là Lee Kun-hee làm người kế thừa sự nghiệp. Từ đây ông bắt đầu thể hiện khả năng lèo lái và tầm nhìn đi trước thời đại.
Năm 1974, công ty chuyển hướng từ một tiệm tạp hóa sang lĩnh vực bán dẫn, với thương vụ thâu tóm 50% cổ phần công ty Hankook Semiconductor - khi đó vốn chẳng mang lại bất kỳ lợi ích gì. Họ mất đến 14 năm - tới năm 1988, thương vụ bắt đầu đem về lợi nhuận, với sự trợ giúp của các thanh chip nhớ do hãng tự sản xuất.
Nhưng sự kiện đáng nhớ nhất, cũng là thứ thể hiện khả năng quyết đoán và tầm nhìn rõ ràng của ông Lee Kun-hee diễn ra vào năm 1993. Lúc này, Samsung có trụ sở tại Suwon (Hàn Quốc) và chỉ được xem là thương hiệu chuyên sản xuất hàng giá rẻ, chất lượng thấp. Không chấp nhận được thực tại ấy, Chủ tịch Lee quyết định cải tổ triệt để, thông qua một sự kiện được biết đến với cái tên "Tuyên bố Frankfurt" - Frankfurt Declaration.
Năm 1993, ông tổ chức một cuộc gặp với toàn thể nhân viên của tập đoàn và đưa ra một thông điệp bất hủ: "Phải đổi mới tất cả mọi thứ, chỉ trừ vợ con các bạn." Ông yêu cầu các nhân viên phải có mặt tại công ty từ 7h sáng thay vì 8h30, để cải thiện được năng suất lao động.
"Lee thuộc type người đặc biệt cẩn trọng, cảnh giác và vô cùng quyết đoán," - trích lời Geoffrey Cain, người chắp bút cho một cuốn sách của Samsung. Bất chấp bệnh ung thư phổi, ông đã đưa ra quyết định "rất mạo hiểm vào năm 1983 trên thị trường bán dẫn, qua đó đưa Samsung trở thành một đế chế khó sụp đổ tại Hàn Quốc."
Với "Tuyên bố Frankfurt", Lee đã cho thấy sự quyết liệt của mình. Năm 1995, ông tập hợp 2000 công nhân viên, bắt họ chứng kiến cảnh ông tự tay đốt sạch 150.000 chiếc điện thoại, máy fax và các sản phẩm không đạt chuẩn chất lượng của công ty. Một sự quyết liệt mà đến giờ, ai cũng cho rằng nó cần thiết. Bởi lẽ, Samsung bắt đầu tiến bước, trở thành nhà sản xuất hàng đầu thế giới trong lĩnh vực smartphone, smart TV và chip nhớ. Họ vượt qua cả Sony, trở thành hãng có doanh số bán TV cao nhất quốc gia, giá trị thị trường vọt lên trên 100 tỉ USD.
Năm 2010, Samsung giới thiệu dòng điện thoại Galaxy chạy hệ điều hành Android. Giờ chắc cũng không ai xa lạ với cái tên này nữa, khi nó đã đưa Samsung vượt qua cả Apple, trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới năm 2011 tính trên doanh số bán hàng.
Năm 2012, Samsung chính thức trở thành thương hiệu bán điện thoại chạy nhất thế giới (tất cả các dòng, bao gồm cả điện thoại thường lẫn smartphone). Họ đánh bại Nokia - cái tên vốn dẫn đầu thị trường trong suốt nhiều thập kỷ. Và sự thành công ấy đã giúp nâng doanh thu công ty lên rất cao.
Những tranh cãi xuất hiện
Dẫu vậy, sự nghiệp của Lee cũng xuất hiện một số điểm tranh cãi. Đầu tiên là việc mở rộng ra thị trường ô tô đã không đem lại chút thành công nào. Khi Samsung Motor Inc. ra mắt năm 1998, họ chẳng thu hút được ai cả. Rốt cục đến năm 2000, phần lớn cổ phần của nhánh kinh doanh này đã bị thâu tóm bởi Renault SA.
Lee cũng vướng phải một số nghi án hối lộ dưới thời Tổng thống Roh Tae-woo năm 1996, nhưng sau đó được Tổng thống Kim Young-sam ban lệnh tha thứ vào năm 1997. Đến năm 2009, ông bị kết tội trốn thuế, bị phạt tới 110 tỉ won và 3 năm tù treo.
Chủ tịch Lee Kun-hee và vợ
Lee Kun-hee kết hôn cùng Hong Ra-hee vào năm 1967. Ông có tổng cộng 4 người con: Lee Jae Yong, Lee Boo-jin, Lee Seo-hyun và Lee Yoon-hyung. Trong đó chỉ có Lee Jae Yong là con trai - cũng là người hiện đang nắm quyền điều hành tập đoàn Samsung. Lee Yoon-hyung thì đã qua đời năm 2005, thọ 26 tuổi.
Nguồn: Bloomberg, NY Times
Trí thức trẻ