Chuyển đổi sang thẻ chip để nhanh chóng đưa Việt Nam ra khỏi "vùng trũng" về gian lận và giả mạo thẻ
Theo Phó thống đốc NHNN, chuyển đổi thẻ chip là xu thế tất yếu của các nước trong khu vực và quốc tế trước tình trạng tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng.
- 29-05-2019Chi hàng ngàn tỉ làm thẻ ATM mới: Khách hàng có phải gánh?
- 28-05-2019Tổng giám đốc TPBank: Toàn bộ hệ sinh thái của TPBank đã sẵn sàng tích hợp thẻ chip, thời gian mở thẻ chỉ mất 10 phút
- 28-05-20197 ngân hàng đầu tiên chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip nội địa
Chiều 28/5, tại lễ ra mắt thẻ Chip nội địa của các ngân hàng Việt Nam do Hiệp hội thẻ ngân hàng Việt Nam phối hợp cùng Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đã biểu dương 7 ngân hàng gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, Sacombank, TPBank, ABBank và công ty Napas đã chuyển cho ra đời chung một thẻ chip nội địa chuẩn quốc tế về an toàn, bảo mật thẻ thanh toán.
Theo Phó Thống đốc, chuyển đổi thẻ thanh toán nội địa từ thẻ từ sang thẻ Chip là một trong những giải pháp trọng tâm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của ngành ngân hàng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, ngày 05/10/2018, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1927/QĐ-NHNN công bố Bộ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ Chip nội địa, phù hợp với tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.
Đây cũng là xu thế tất yếu của các nước trong khu vực và quốc tế trước tình trạng tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng và tập trung vào các thị trường chưa thực hiện chuyển đổi công nghệ Chip. Trong khu vực Châu Á, các nước cũng đã hoàn thành hoặc đang trong quá trình chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ Chip, điển hình như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Indonesia. Do vậy, xét trên tình hình thực tiễn tại Việt Nam, NHNN đã ban hành Thông tư số 41/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 quy định về lộ trình chuyển đổi thẻ thanh toán nội địa công nghệ từ sang thẻ tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ Chip nội địa.
Cung cấp thông tin tại sự kiện, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, Việt Nam hiện có 48 ngân hàng phát hành thẻ nội địa với số lượng khoảng 76 triệu thẻ, hơn 261.000 máy POS và 18.600 máy ATM. Thẻ Chip nội địa sẽ hạn chế các rủi ro về gian lận giả mạo trong thanh toán thẻ, đảm bảo an ninh an toàn thanh toán cho khách hàng; làm nền tảng quan trọng để tích hợp, ứng dụng cho các dịch vụ và phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong các ngành, lĩnh vực khác.
Để bắt kịp với xu thế quốc tế, nhanh chóng đưa Việt Nam ra khỏi "vũng trũng" về gian lận, giả mạo thẻ, lãnh đạo NHNN yêu cầu các ngân hàng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thẻ Chip nội địa theo đúng lộ trình đã được NHNN ban hành tại Thông tư 41. Với các ngân hàng thương mại còn lại (ngoài 7 ngân hàng) cần nhanh chóng, chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi cùng với Công ty NAPAS nhằm hoàn thành mục tiêu chuyển đổi chung của toàn thị trường trong năm 2019.
Bên cạnh đó, NHNN yêu cầu công tác chuyển đổi phải được thực hiện an toàn, ổn định, đảm bảo hoạt động thẻ diễn ra liên tục; không gây gián đoạn, ảnh hưởng tới giao dịch của khách hàng, người dân.
Đồng thời, nghiên cứu xây dựng và tính toán chính sách, chi phí chuyển đổi phù hợp sao cho vừa đảm bảo hiệu quả vừa không ảnh hưởng lớn đến hệ thống dịch vụ, khách hàng. Khi triển khai chuyển đổi, các ngân hàng cần truyền thông mạnh mẽ và rộng rãi tới khách hàng các thông tin về thời gian phát hành thẻ mới, quy trình và thủ tục đăng ký phát hành thẻ mới cũng như các chính sách liên quan (nếu có) theo quy định pháp luật
Và cuối cùng, trên nền tảng công nghệ thẻ Chip nội địa, các Ngân hàng và Napas tiếp tục nghiên cứu phát triển và ứng dụng đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực thanh toán. Tận dụng các ưu điểm an toàn, bảo mật, tốc độ giao dịch nhanh của thẻ Chip để liên thông kết nối thanh toán cho các dịch vụ công, công ích, phúc lợi như giao thông, y tế, bảo hiểm ... Mở rộng hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm triển khai, phát triển các tính năng thanh toán mới, hiện đại cho các sản phẩm thẻ nội địa; hướng tới cung cấp các sản phẩm thẻ đa năng, đa tiện ích, đa ứng dụng.
"Có thể nói, cơ hội mở ra cho thị trường thanh toán không dùng tiền mặt Việt Nam khi triển khai thành công chuyển đổi thẻ từ sang thẻ Chip là rất lớn. Cơ hội để thẻ nội địa tham gia hội nhập quốc tế khi đã đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn, bảo mật khắt khe của các tổ chức quốc tế cũng rất lớn. Với hạ tầng thanh toán không tiếp xúc của thẻ chip nội địa, cộng với việc ứng dụng công nghệ để số hoá thông tin thẻ lên thiết bị di động, tương lai thị trường sẽ đón nhận trào lưu thanh toán "chạm" ngày càng phổ biến. Tôi hy vọng sớm được chứng kiến những bước chuyển mình mạnh mẽ của thị trường thẻ Việt Nam trong thời gian tới"- Phó Thống đốc phát biểu.