Chuyển đổi số không chỉ nằm ở công nghệ, đó là chiến lược và cách tư duy mới
Là công ty chứng khoán quy mô vốn lớn nhất thị trường và cũng là một trong số ít những công ty trong ngành này đang đón đầu xu hướng chuyển đổi số, đại diện CTCP Chứng khoán SSI đã có những chia sẻ về định hướng chuyển đổi số trong một giai đoạn "bình thường mới" của ngành chứng khoán.
Ngành tài chính được đánh giá là một trong những lĩnh vực sẽ biến động mạnh do làn sóng chuyển đổi số. Tuy nhiên, nếu so với ngân hàng và một số dịch vụ tài chính khác, chứng khoán có vẻ đang bị chậm chân hơn, ông đánh giá thế nào về điều này?
Ông Bùi Thế Tân – GĐ Khối DVCK Khách hàng cá nhân – CTCP Chứng khoán SSI: Ngân hàng và Chứng khoán là hai ngành có nhiều khác biệt. Trong khi đối tượng khách hàng ngành ngân hàng dàn trải rộng về mặt địa lý thì với ngành chứng khoán, giao dịch có thể chỉ tập trung ở một số thị trường lớn nhưng cần sự tương tác liên tục từ khách hàng. Cấu trúc sản phẩm, cách thức giao dịch cũng phức tạp hơn so với những sản phẩm tài chính thông thường. Thêm vào đó, hành lang pháp lý với ngành chứng khoán liên quan đến các hoạt động có thể được giao dịch trực tuyến hiện vẫn còn hạn chế, chưa có quy định rõ ràng.
Tuy nhiên, những khó khăn, khác biệt đó không thể thay đổi được thực tế là chuyển đổi số sẽ là bước đi tiếp theo của ngành tài chính nói chung và chứng khoán nói riêng. Điều quan trọng là những thành viên thị trường phải xác định được mục tiêu cụ thể của quá trình chuyển đổi số, phải có sự đầu tư bài bản và phù hợp với đặc thù riêng của ngành.
Từ khi nào ban lãnh đạo SSI nhận thấy cơ hội của chuyển đối số trong hoạt động kinh doanh, thưa ông?
Ông Bùi Thế Tân: Những bước tiến rất nhanh của công nghệ khiến nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng đã có sự thay đổi nhanh chóng, trên đa kênh, không phụ thuộc vào các giao tiếp vật lý với công ty. Điều này chính là cơ hội để SSI đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh. Sản phẩm dịch vụ không chỉ đáp ứng nhu cầu mà phải tiến tới nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
SSI cũng xác định bước chuyển này phải là một quá trình diễn ra liên tục trong tổ chức. Chiến lược chúng tôi xác định không chỉ là công nghệ dẫn dắt mà còn là văn hóa doanh nghiệp có tính hợp tác cao, bộ máy quản trị rủi ro chặt chẽ, sẵn sàng trao quyền và thử nghiệm, chuyển đổi cho đến khi đạt được các mục tiêu trong lộ trình đã đề ra.
Những thay đổi đầu tiên khi áp dụng chuyển đổi số của SSI là gì?
Ông Bùi Thế Tân: Đối với nội bộ, các quy trình nghiệp vụ của các phòng ban từng bước được tự động hóa, giảm thiểu rủi ro, thời gian thực hiện và tối ưu nguồn lực cũng như chi phí vận hành. Đối với khách hàng, chúng tôi nỗ lực thiết kế sản phẩm dựa trên nhu cầu của khách hàng, nâng cao trải nghiệm và tăng khả năng cá nhân hóa. Lượt truy cập các kênh giao dịch Online của SSI tại thời điểm đầu tháng 3/2020 đã tăng 51% so với đầu năm, tiếp tục tăng 86% trong giai đoạn tháng 4, và thời điểm hiện tại đã hơn gấp đôi. Tỷ trọng giao dịch qua kênh trực tuyến cũng tăng từ khoảng 90%, 92% với TTCK cơ sở và phái sinh, tăng lên lần lượt là 93% và 98%.
Thông qua các platform mang đậm yếu tố công nghệ như iBoard, iData, SBond online, và các hệ thống giao dịch trực tuyến, nhà đầu tư có thể sử dụng các sản phẩm dịch vụ nhanh chóng và thuận tiện. Với công cụ iChat, những thắc mắc, những vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng được hỗ trợ trực tuyến thay vì những kết nối vật lý như trước. Yếu tố số hóa còn được thể hiện qua bước nộp tiền/chuyển khoản vào tài khoản giao dịch hoàn toàn miễn phí, có hiệu lực tức thì thông qua tính năng kết nối tự động giữa SSI với 6 Ngân hàng lớn.
Ông Bùi Thế Tân – GĐ Khối DVCK KH Cá nhân SSI: "Chiến lược chuyển đổi số của SSI là để nhằm trả lời câu hỏi: Làm thế nào công nghệ có thể hỗ trợ tốt nhất cho nhân viên và khách hàng"
Vậy đâu là những lĩnh vực tập trung trong định hướng chuyển đổi số của SSI?
Ông Bùi Thế Tân: Đầu tiên là khai thác thế mạnh thông tin. Điều này cho phép chúng tôi phản ứng hoặc đưa ra quyết định đúng nơi đúng lúc. SSI cũng hướng tới việc tự động hóa quy trình và tái cơ cấu tổ chức để hợp lý hóa vận hành, tối đa hóa nguồn lực cả về tài chính và con người.
Ở khâu sản phẩm, chúng tôi luôn đặt khách hàng làm trọng tâm nhằm tập trung vào nhu cầu thực sự của khách và phục vụ khách hàng hiệu quả hơn. Đồng thời, công ty sẽ tận dụng các nền tảng mạng xã hội khiến dữ liệu lớn (big data) trở thành yếu tố quan trọng trong hoạt động kinh doanh.
Một trong những thay đổi gần đây với ngành chứng khoán là xu hướng sử dụng các phần mềm tư vấn, công nghệ AI thay thế cho hoạt động môi giới. Theo ông, những thay đổi này có phải một hình thái của chuyển đổi số? Liệu sẽ có một làn sóng "thay máu" nhân viên bằng công nghệ khi chuyển đổi số áp dụng trong ngành chứng khoán hay không?
Ông Bùi Thế Tân: Thiết kế những nền tảng tư vấn, đặc biệt là ứng dụng công nghệ AI là một xu hướng với ngành chứng khoán và chúng tôi không bỏ qua làn sóng này. Chúng tôi cũng áp dụng những công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud) là để thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty… để đạt được hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xác định, những công nghệ này không thể là sự thay thế cho hoạt động của con người.
Tại SSI, sẽ chỉ có một làn sóng đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi từ một "môi giới" thông thường thành một "chuyên gia tư vấn tài chính" với rất nhiều công cụ được trang bị nhờ chuyển đổi số. Máy móc có thể đưa ra nhận định dựa trên những mô hình nạp sẵn, phân tích thị trường dựa trên những bộ chỉ số tiêu chuẩn, nhưng có những thứ mà công nghệ hiện nay vẫn không thay thế được, là kinh nghiệm của một môi giới lâu năm, là cảm nhận về khả năng thay đổi trong xu hướng thị trường.
Chiến lược chuyển đổi số của SSI là để nhằm trả lời câu hỏi: Làm thế nào công nghệ có thể hỗ trợ tốt nhất cho nhân viên và khách hàng. Thực tế, những bước đi chuyển đổi số của chúng tôi chủ yếu hướng tới việc tự động hóa hoạt động kinh doanh như tự động hóa quy trình (RPA); dự đoán về hành vi của khách hàng để cải thiện dịch vụ cũng như một số xu hướng cụ thể thị trường.
Giai đoạn dịch bệnh vừa qua cũng là một cuộc thử nghiệm cho thấy SSI có thể tự tin cung cấp đầy đủ dịch vụ và vận hành bình thường qua các kênh trực tuyến, không phụ thuộc vào các cơ sở vật lý theo mô hình truyền thống. Chúng tôi sẽ tiếp tục có những thử nghiệm mô hình kinh doanh mới để giảm thiểu các mối liên hệ vật lý nhằm tối ưu chi phí nhưng tăng cường độ linh hoạt trong phục vụ khách hàng, từ đó SSI tin rằng có thể tăng cao hiệu quả kinh doanh và gián tiếp mang lại lợi ích cho cổ đông.
Chuyển đổi số có thể xem là một "breaking-point" trong tương lai của công ty không? Và SSI kỳ vọng những thay đổi như thế nào sẽ diễn ra?
Chuyển đổi số là một quá trình diễn ra liên tục và bền bỉ, không có điểm dừng, vì vậy chúng tôi không coi đây là "breaking point". Chiến lược của SSI về chuyển đổi số là lấy khách hàng làm trọng tâm, tất cả nhằm hỗ trợ khách hàng và nhân viên SSI đạt được hiệu quả tốt nhất. Quá trình này không chỉ là một lần thay đổi mô hình kinh doanh, một lần chuyển đổi, mà với chúng tôi chuyển đổi số là văn hóa, động lực để công ty tiếp tục lớn mạnh và duy trì quá trình chuyển đổi số với mục tiêu giữ vững được vị trí số 1, tiên phong trong việc cung cấp dịch vụ, sản phẩm và chăm sóc khách hàng.
Xin cảm ơn những chia sẻ của Ông!