Chuyển đổi số là yêu cầu “sống còn” của doanh nghiệp dệt may TP.HCM
Hiện nay, việc chuyển đổi số đối với doanh nghiệp dệt may là yêu cầu “sống còn”. Với những biến động của nguồn nhân lực ngành này thì lao động giá rẻ không còn là ưu thế của sản xuất.
- 30-07-2022Dệt may, da giày và điện tử... “khát” lao động
- 30-07-2022Dệt may - khi nào hết nỗi lo “xuất xứ”?
- 25-07-2022Dệt may năm 2022: Thách thức đạt xuất khẩu 43 tỉ USD
Ngành dệt may Việt Nam mỗi năm xuất khẩu trị giá hơn 40 tỷ USD, trong đó TP.HCM chiếm hơn 35% kim ngạch xuất khẩu. Ngành này sử dụng 3 triệu lao động. Thách thức lớn nhất của ngành dệt may là biến động về nhân lực và cạnh tranh khốc liệt về giá thành. Trước khó khăn này, nhiều doanh nghiệp dệt may ở TP.HCM đã đẩy mạnh chuyển đổi số để giảm lao động và tăng năng suất lao động.
Chuyển đổi số giảm gần một nửa lao động và năng suất tăng
Trước đây, Công ty Cổ phần may Hòa Bình có gần 1.500 lao động. Mỗi năm, đến dịp lễ, Tết là doanh nghiệp rất lo về biến động lao, nhưng nay thì doanh nghiệp đã có thể chủ động được sản xuất. Đó là nhờ sau 3 năm chuyển đổi số, doanh nghiệp này đã giảm hơn 40% lao động, nhưng năng suất tăng khoảng 15%, giảm được nhiều chi phí sản xuất.
Khi lao động giảm, khoản tiền lương này doanh nghiệp dùng tăng lương cho người lao động đang làm việc. Còn nhân lực ở bộ phận quản lý thì 1 tuần có thể làm việc tại công ty 2 ngày, thời gian còn lại làm việc trên máy tính, kiểm soát, điều hành công việc qua phần mềm quản trị của công ty.
Ông Nguyễn Chi Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần may Hòa Bình cho biết, để làm được việc này, doanh nghiệp chuyển đổi số bắt đầu từ khâu sản xuất rồi đến khâu quản trị. Tất cả các máy móc, thiết bị sản xuất từ khâu, cắt, may đến đóng gói… đều được doanh nghiệp nhập đồng bộ cả dây chuyền. Hầu hết các chuyền sản xuất đều tự động hóa và kết nối hệ thống máy chủ nên qua đó cán bộ quản lý có thể biết chi tiết từng khâu, từng chuyền.
Theo ông Phương: "Ở tại dây chuyền sản xuất có 2 computer, 1 cái do chuyền trưởng quản lý đánh số về số lượng, năng suất. Cuối chuyền có computer để KCS kiểm hàng, người ta kích vào đó, tất cả các chi tiết mình đều đã được mã hóa bằng số, khi sai mã hàng nào thì KCS bấm vào mã đó thì sẽ kiểm tra mã đó thì biết là ai may. Còn người bấm số thì chỉ biết số đó thôi chứ không biết ai may nên khi kiểm tra không thể thiên vị người may được".
Không phải sau dịch bệnh thì nhiều doanh nghiệp dệt may mới chuyển đổi số, mà quá trình này đã được thực hiện trước đó. Cụ thể như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) trước đó đã đẩy mạnh chuyển đổi số nhiều nhà máy, doanh nghiệp ở TP.HCM.
Ông Phạm Xuân Trình, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, hiện nay, Vinatex đang triển khai giai đoạn 2 của chuyển đổi số, đó là doanh nghiệp dựa trên nền tảng số để xử lý thông tin. Điều này giúp doanh nghiệp kiểm soát từ khâu sản xuất đến bán hàng, từ cung ứng đến tồn kho, từ giá cả thị trường đến đầu vào và đầu ra…
"Chúng tôi đã sử dụng đã xây dựng một hệ thống chuyển đổi số dùng chung phần mềm. Tập đoàn sử dụng phần mền này để quản trị tất cả các doanh nghiệp trong hệ thống của tập đoàn. Chúng tôi có thể kiểm soát trực tuyến về năng suất, về lao động, xử lý hàng tồn kho, giá trị hàng hóa trên cả thị trường giúp cho các doanh nghiệp giải quyết nhanh chóng vấn đề hoạt động của doanh nghiệp mình" - ông Trình chia sẻ.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần hỗ trợ chuyển đổi số
Theo khảo sát của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) thì có hơn 80% doanh nghiệp trong ngành dệt may mong muốn chuyển đổi số để tăng hiệu suất làm việc và giảm chi phí quản lý... Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ nguồn lực để chuyển đổi, nhất là doanh nghiệp nhỏ, vì khó khăn về vốn và nhân lực. Việc chuyển đổi đòi hỏi thiết bị, máy móc của các dây chuyền sản xuất phải đồng bộ, tương thích hệ thống phần mềm quản trị. Doanh nghiệp không thể đầu tư chắp vá.
Công ty Vải sợi Thái Thành có hơn 100 lao động, sau đợt dịch bệnh chỉ có hơn 50% lao động trở lại làm việc. Doanh nghiệp này đang sản xuất, vận hành theo kiểu cũ nên bị động, phụ thuộc vào lao động, năng suất chưa cao.
Ông Lưu Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công ty Vải sợi Thái Thành cho biết, công ty rất muốn chuyển đổi số nhưng khó về vốn và nhân lực nên bước đầu chỉ mới số hóa dữ liệu của một số khâu.
Ông kiến nghị: "Ở doanh nghiệp nhỏ và vừa như tôi cần nhà nước có chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị trước, sau đó giới thiệu công nghệ từng chuyên ngành và có hướng hỗ trợ tiếp cận vốn tốt hơn. Khi doanh nghiệp có 3 khả năng như: nâng cao năng lực quản trị, cải tiến hệ thống máy móc và vốn thì mới chuyển đổi số thành công".
Trước khó khăn này, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cũng đã kết nối với các công ty cung cấp các phần mềm giải pháp quản trị để có thể hỗ trợ hướng dẫn, tập huấn và xây dựng những gói phần mềm phù hợp với doanh nghiệp nhỏ.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký, Trưởng Văn phòng đại diện Vitas tại TP.HCM cho biết thêm: "Để hỗ trợ doanh nghiệp, chúng tôi hợp tác với Hiệp hội cho thuê Tài chính nếu có dự án chuyển đổi xanh hoặc chuyển đổi số mà khả thi thì chúng tôi sẽ làm việc với ngân hàng để họ có thể duyệt được dự án. Hiệp hội Tài chính sẽ mua máy móc đó cho doanh nghiệp chuyển đổi số để tại doanh nghiệp đó. Doanh nghiệp thuê máy đó và sẽ trả tiền hàng tháng cho đến lúc hết khấu hao".
Hiện nay, việc chuyển đổi số đối với doanh nghiệp dệt may là yêu cầu “sống còn”. Với những biến động của nguồn nhân lực ngành này thì lao động giá rẻ không còn là ưu thế của sản xuất. Đồng thời, doanh nghiệp phải cạnh tranh khốc liệt ở thị trường xuất khẩu về giá thành và năng suất lao động. Nhiều doanh nghiệp dệt may của TP.HCM thấy rõ yêu cầu bức bách này và rất cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ để thực hiện ./.
VOV