MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyển đổi số ngành dệt may còn nhiều rào cản

24-08-2022 - 09:09 AM | Kinh tế số

Chuyển đổi số ngành dệt may còn nhiều rào cản

85% doanh nghiệp ngành dệt may là DNVVN, nếu không kịp thời chuyển đổi số doanh nghiệp sẽ bất lợi trong việc tiếp cận thị trường xuất khẩu.

Giảm phụ thuộc lao động nhưng... tỉ lệ còn thấp

Đón đầu được xu hướng phát triển công nghệ, bà Lương Huyền Trang, Đại diện Công ty TNHH Việt Thắng Jean chia sẻ, công ty đã đầu tư trang thiết bị, đào tạo nhân sự chất lượng cao từ năm 2008. Đến nay, quá trình tự động hóa, chuyển đổi số mang lại hiểu quả nhất định về năng suất lao động và nguồn lực nhân sự. Hiện tại, năng suất tăng lên 70%, khi thị trường lao động có biến động thì công ty không quá lo lắng.

"Một chiếc máy wash (máy giặt) có thể thay được 36 người/ca. Trước đây, để làm ra được 10.000 sản phẩm/ngày, nhà máy cần khoảng 2.500 công nhân nhưng hiện tại chỉ cần 800 công nhân", bà Trang nói thêm.

Chuyển đổi số ngành dệt may còn nhiều rào cản - Ảnh 1.

Nhiều hoạt động sản xuất tại Việt Thắng Jeans đã được tự động hóa. Ảnh Hân Ly

Cò theo ông Diệp Thành Phát, Phó giám đốc Công Ty TNHH Tim Đỏ: "Chuyển đổi số là yếu tố sống còn. Vậy nên việc áp dụng các phần mềm, đầu tư thiết bị máy móc tự động hóa vào quy trình sản xuất giúp cắt giảm 30% chi phí nhân công, giảm 80% sản phẩm bị lỗi hoặc không giống nhau… so với thời gian trước. Một máy ráp nút tự động có thể thay thế cho ba đến bốn nhân công. Một công nhân có thể đào tạo giám sát cho bốn máy cùng lúc".

Để bắt kịp thời đại 4.0 một số công ty vừa và nhỏ bước đầu đang thiết lập phần mềm công nghệ quản lý, tiết giảm một phần lao động trong thời gian ngắn hạn. Theo ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony, bốn năm qua công ty đã sử dụng phần mềm ERP để quản trị và theo dõi các hoạt động, giảm bớt lao động. So với trước đây, một bộ phận 13 người giờ giảm còn 8- 9 người. Ngoài ra, sơ đồ rập bằng tay thì được chuyển sang làm máy vi tính.

Rào cản lớn về chi phí, nhân sự

Nhìn thấy xu hướng và mong muốn sớm chuyển đổi số là vậy song không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng khi thực hiện. Trong quá trình chuyển đổi số, theo ông Phát, rào cản lớn nhất khi áp dụng công nghệ số là chi phí đầu tư vào ứng dụng công nghệ và các thiết bị tự động hóa còn cao. Ngoài ra, khi phổ cập ứng dụng phần mềm nhưng lao động khó ứng dụng hoặc chỉ áp dụng được một phần… khiến doanh nghiệp không đạt được mục tiêu như kỳ vọng.

Chuyển đổi số ngành dệt may còn nhiều rào cản - Ảnh 2.

Một quy trình sản xuất tại công ty TNHH Tim Đỏ. Ảnh Hân Ly

Cùng quan điểm, theo bà Trang chuyển đổi số phải đồng bộ hệ thống nên tốn rất nhiều chi phí. Tuy nhiên hiện nay vốn vay ngân hàng còn khó tiếp cận, phải dùng tài sản cá nhân để xoay sở. Mặc khác, quy trình nhân sự chưa đáp ứng được với công nghệ chuyển đổi số và các quy trình công nghệ cao, vì vậy phải tốn kinh phí đào tạo.

"Trang thiết bị, máy móc có giá quá cao nên công ty chưa áp dụng được. Không riêng Dony, nhiều doanh nghiệp trong ngành đang mong muốn giảm bớt chi phí, đồng thời hỗ trợ về mặt tài chính, vay vốn ngân hàng được nới lỏng để đầu tư vào các máy móc, thiết bị", ông Quang Anh đề nghị.

Thị trường xuất khẩu sẽ khó nếu không kịp chuyển đổi số

Theo số liệu do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam cung cấp (VINASA), Việt Nam hiện nay có hơn 90% doanh nghiệp không biết cách làm như thế nào để chuyển đổi số, 72% doanh nghiệp không biết bắt đầu chuyển đổi số từ đâu và 69% doanh nghiệp không biết chọn giải pháp nào, nhà cung cấp nào uy tín để hỗ trợ chuyển đổi số nhanh chóng, hiệu quả.

Nhận định chuyên gia trong ngành, chuyển đổi số hiện tại là cấp bách, nếu không chuyển đổi kịp doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận với các thị trường xuất khẩu. Theo ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch thường trực Hội Dệt may Thêu đan TP Hồ Chí Minh, nếu doanh nghiệp không chuẩn bị kịp để chuyển đổi số thì rất khó để xuất khẩu ra thị trường quốc tế, nếu có tiêu thụ nội địa thì chấp nhận được nhưng sang châu Âu, Mỹ và các nước khác thì khó khăn.

Chuyển đổi số ngành dệt may còn nhiều rào cản - Ảnh 3.

Nếu không kịp thời chuyển đổi số, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành dệt may sẽ gặp khó khăn trong tiếp cận thị trường xuất khẩu.

Hiện nay, 85% doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, việc tích lũy nguồn tiền và chuyển đổi số là việc khó khăn. Nếu doanh nghiệp không chuyển đổi số sẽ bị đào thải, nếu chuyển đổi lại gặp khó về tài chính. Như vậy, "ngoài sự cố gắng của doanh nghiệp thì cần có tài chính và cơ chế hỗ trợ của Nhà nước để doanh nghiệp chuyển đổi số khả thi với tốc độ nhanh và phát triển bền vững", ông Việt nêu ý kiến.

Theo Đ.Huyền - Hân Ly

VTV News

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên