MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện đời Steve Cohen - Thiên tài giao dịch nội gián

10-03-2017 - 08:25 AM | Tài chính quốc tế

Huyền thoại về “Stevie” mô tả ông là một “nhà bác học” về day-trading, nhà buôn tiền tài ba hay thậm chí là một kẻ ma cô. Ông còn là một tay chơi lập dị nổi tiếng ở phố Wall khi không ít lần bỏ cả tấn tiền mua những tác phẩm nghệ thuật kỳ lạ.

Mới đây, tờ The Economist vừa đăng tải bài viết bình luận về "Black Edge: Inside Information, Dirty Money and the Quest to Bring Down the Most Wanted Man on Wall Street" (tạm dịch: Thông tin nội gián, những đồng tiền bẩn và nhiệm vụ hạ bệ người đàn ông bị truy nã ở phố Wall" của tác giả Sheelah Kolhatkar.

Cuối những năm 1980, người viết bài này đang làm việc tại sàn giao dịch của một ngân hàng. Ở đây có một quy tắc ngầm hiểu rằng nếu như bạn đi ra khỏi một cuộc họp và thu thập được những thông tin có giá trị về một thương vụ M&A nào đó, có một khách hàng sẽ luôn luôn nhận được cuộc gọi đầu tiên: SAC Capital, quỹ đầu cơ Mỹ được điều hành bởi Steven Cohen.

Huyền thoại về “Stevie” mô tả ông là một “nhà bác học” về day-trading (giao dịch mua và bán chứng khoán trong một thời gian rất ngắn, thường là 1 ngày hoặc thậm chí vài tiếng), nhà buôn tiền tài ba hay thậm chí là một kẻ ma cô. Ông còn là một tay chơi lập dị nổi tiếng ở phố Wall khi không ít lần bỏ cả tấn tiền mua những tác phẩm nghệ thuật đình đám mà điển hình nhất là xác ướp cá mập dài hơn 4 mét của nghệ sĩ Damien Hirst có giá 8 triệu USD.

Hành trình hơn 20 năm gây dựng cơ nghiệp để đến bây giờ thuộc vào tầng lớp thượng lưu trong xã hội Mỹ của Cohen cùng với những nỗ lực tống ông vào tù vì tội giao dịch nội gián của cơ quan quản lý chính là chủ đề của “Black Edge”, cuốn sách mới xuất bản được viết bởi Sheelah Kolhatkar.

Những cuốn sách nổi tiếng về phố Wall như “Barbarians at the Gate” và “Liar’s Poker” mô tả về thời kỳ huy hoàng của trái phiếu rác những năm 1980 hay “Too big too fail” viết về chuyện giải cứu các ngân hàng trong khủng hoảng tài chính. Còn “Black Edge” nói về sự trỗi dậy của các quỹ đầu cơ trong 2 thập kỷ vừa qua. Và trong làn sóng ấy, có thể coi SAC là kẻ hùng mạnh nhất.

Thời kỳ cuối những năm 1990, do tác động của luật “Reg FD”, các nhà đầu tư khó đánh bại thị trường hơn. Luật này yêu cầu các công ty phải công bố thông tin cho tất cả các nhà đầu tư vào cùng 1 lúc. Máy tính trỗi dậy ở phố Wall, với những thành phần tinh túy của nhóm các trường Ivy League nghiền ngẫm các số liệu để phát hiện những cơ hội mà người khác chưa tìm thấy. Trong cuộc “chạy đua vũ trang” tìm kiếm một giới hạn mới, một vài công ty đã lắp đặt máy chủ ở ngay gần sàn giao dịch chứng khoán để có được dữ liệu sớm hơn chỉ vài milli giây. Nhưng Cohen có một cách tiếp cận khác.

Ông xây dựng SAC giống như một cơ quan tình báo, chi trả những khoản hoa hồng khổng lồ cho các ngân hàng để lấy thông tin. Năm 1998, Cohen là khách hàng lớn nhất của Goldman Sachs. Bên cạnh đó, ông thuê những chuyên gia phân tích kết thân với nhân viên của các công ty hoặc làm bất cứ thứ gì có thể đem lại thông tin hữu ích cho giao dịch. Trước khi khủng hoảng tài chính nổ ra, SAC có 17 tỷ USD tài sản và tăng trưởng trung bình năm ở mức 30% trong suốt 18 năm.

Nhưng chính thành tích quá tốt này khiến các nhà quản lý hoài nghi và cố gắng chứng minh rằng SAC đang được hưởng lợi từ thông tin nội gián. Cuối cùng, một vài nhà giao dịch và chuyên gia phân tích đã nhận tội hoặc bị kết án. Mathew Martoma, người từng bị trường Luật Harvard đuổi vì làm giả điểm và đã thực hiện nhiều giao dịch bất hợp pháp trên các công ty dược, đã bị bắt. Nhưng Cohen luôn luôn có thể tách mình ra khỏi tội giao dịch nội gián. Đến năm 2013, SAC cuối cùng cũng thừa nhận đã tham gia lừa đảo và chịu nộp phạt dù Cohen chưa bị luận tội và đến năm 2018 sẽ được phép mở quỹ mới.

Có 3 điều nổi bật trong “Black Edge” mà người đọc có thể dễ dàng nhận ra. Thứ nhất là cuộc sống trống rỗng của nhân vật chính. Bao quanh ông là 12 màn hình máy tính, người vợ hiện tại thích kiểm soát trong khi người vợ cũ đã từng đâm đơn kiện ông và nhiều kẻ bợ đỡ. Trong bối cảnh ấy, Cohen được phác họa là một nhân vật buồn.

Cuốn sách cũng chỉ trích sự xuống cấp trong đạo đức của ngành ngân hàng, đồng thời chỉ ra sự yếu đuối của cơ quan quản lý. Những người muốn buộc tội ông đã dễ dàng bị các luật sư của ông qua mặt.

Steven A. Cohen (sinh ngày 11/6/1956) là nhà sáng lập của Point72 Asset Management và S.A.C. Capital Advisors, hai quỹ đầu tư đều đặt trụ sở ở Stamford, Connecticut.

Có tài sản ước tính khoảng 13 tỷ USD (tính đến tháng 2/2017), Cohen được Forbes xếp hạng giàu thứ 72 thế giới, giàu thứ 3 trong giới quản lý quỹ và là người giàu thứ 30 ở nước Mỹ.

Tháng 7/2013, Ủy ban chứng khoán Mỹ buộc tội Cohen giao dịch nội gián. Tuy nhiên, điều đặc biệt là Cohen không bị luận tội cá nhân mà là tội đã không thể ngăn cản hoạt động giao dịch nội gián ở trong công ty của mình, S.A.C. Capital Advisers.

SAC bị cấm nhận tiền đầu tư từ cuối năm 2013 đến nay. Hiện Cohen tự quản lý tiền bạc của mình và vẫn hoạt động trong giới tài chính.

Thu Hương

Economist

Trở lên trên