MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyển đổi xanh và phát triển thuỷ sản xanh trở thành xu thế tất yếu

Chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế biển xanh, xây dựng một nghề cá có trách nhiệm, bền vững ở nước ta nhằm phát huy các giá trị văn hoá biển đặc trưng của Việt Nam, tạo thành động lực phát triển kinh tế biển bền vững, thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Đó là nội dung được thảo luận tại Hội nghị Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản - vì một ngành Thuỷ sản xanh và phát triển bền vững do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức tại thành phố Hội An hôm nay 23/12.

Việt Nam là quốc gia ven biển có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển, trong đó có kinh tế thủy sản. Đến hết năm 2022, ngành thủy sản đã đạt sản lượng trên 9 triệu tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 5,2 triệu tấn, sản lượng khai thác đạt 3,8 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản xếp thứ 3 thế giới, đạt 11 tỷ USD trong năm 2022, tạo việc làm cho trên 4 triệu người, đóng góp 25% GDP ngành nông nghiệp.

Chuyển đổi xanh và phát triển thuỷ sản xanh trở thành xu thế tất yếu - Ảnh 1.

Hiện Việt Nam có khoảng 86.820 tàu cá

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện Việt Nam có khoảng 86.820 tàu cá, 83 cảng cá, 56 khu neo đậu tránh trú bão và 7.500 cơ sở nuôi biển.

Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên, ngành thủy sản vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, xâm nhập mặn, cơ sở hạ tầng yếu kém, sản xuất manh mún, tự phát, rào cản kỹ thuật gia tăng từ các thị trường xuất khẩu…

Việt Nam xuất phát từ nghề cá nhỏ, manh mún và đã tiến lên trở thành nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới nhưng cho đến nay chính sách vẫn còn nhiều bất cập. Việt Nam cần tái cấu trúc lại ngành thủy sản, tăng nuôi biển, giảm khai thác, giảm áp lực lên nguồn lợi, kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học và triển khai đồng quản lý trong bối cảnh biến đổi khí hậu và biến động thị trường rất phức tạp hiện nay.

Hiện tại,  nhiều địa phương ven biển, nguồn lợi thủy sản đang suy giảm, chất lượng khai thác suy giảm đặc biệt đối với các loài cá có giá trị kinh tế. Một số ý kiến tại Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của Nghị quyết số 36 ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thể hiện tư duy, tầm nhìn đột phá để phát huy thế mạnh từ biển đảo của nước ta, tạo nền tảng xây dựng, phát triển đất nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.

Chuyển đổi xanh và phát triển thuỷ sản xanh trở thành xu thế tất yếu - Ảnh 2.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế biển xanh, bao gồm nghề cá, không chỉ là xu thế tất yếu toàn cầu, mà còn là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, được khẳng định tại Nghị quyết số 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, phát triển bền vững kinh tế biển phải dựa trên nền tảng tăng trưởng xanh, phát huy các giá trị văn hoá biển đặc trưng Việt Nam và đòi hỏi phải thực hiện thành công ba khâu đột phá chiến lược về: thể chế phát triển bền vững kinh tế biển, khoa học - công nghệ biển cùng giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực biển, hệ thống cơ sở hạ tầng biển, đảo “đa dụng”.

Ông Nguyễn Chu Hồi cho rằng, chuyển đổi xanh đòi hỏi phải giải quyết đồng bộ nhiều nội dung cụ thể trong kinh tế biển nói chung và nghề cá biển nói riêng bằng những giải pháp khác nhau. Mục đích chính là bảo toàn nguồn vốn tự nhiên biển, bảo đảm an ninh môi trường biển, thay đổi hành vi ứng xử của con người đối với biển đảo, quản lý tổng hợp và thống nhất quản lý nhà nước về biển đảo, quy hoạch và quản lý không gian biển, mở rộng diện tích biển được bảo tồn hiệu quả.

“Vùng xanh là một trong những nhóm giải pháp ưu tiên để tạo nền tảng lâu dài cho phát triển kinh tế biển xanh, đặc biệt là trong lĩnh vực nghề cá. Vùng xanh tức là muốn đề cập đến những vùng biển được bảo tồn, kể cả những vùng biển có giá trị bảo tồn nhưng đã bị suy thoái và suy giảm thì có thể phục hồi. Chúng ta thiết lập được vùng xanh thì sẽ tạo được hiệu ứng phục hồi và hiệu ứng phát tán nguồn lợi giúp cân bằng lại toàn bộ hệ sinh thái và nguồn lợi thuy sản và di dưỡng trên toàn bộ vùng biển của quốc gia” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh.

Chuyển đổi xanh và phát triển thuỷ sản xanh trở thành xu thế tất yếu - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư nhấn mạnh: Chống khai thác IUU cũng là một trong những nội dung để phát triển thủy sản bền vững, đặc biệt là đối với ngành khai thác thủy sản. Trên cơ sở đó, Việt Nam cần tái cấu trúc lại ngành thủy sản, tăng nuôi biển, giảm khai thác, giảm áp lực lên nguồn lợi, kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học và triển khai đồng quản lý trong bối cảnh biến đổi khí hậu và biến động thị trường rất phức tạp hiện nay.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư nêu bật giải pháp cần thiết phải nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng, Chính quyền các địa phương và các doanh nghiệp cùng chung tay để hành động, cùng nhau phục hồi nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ môi trường.

Theo ông Nguyễn Quang Hùng: “Phải cân bằng giữa phát triển kinh tế - xã hội với việc bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản để hướng tới tăng trưởng xanh, xây dựng ngành thuỷ sản xanh, bền vững. Nếu chúng ta bảo vệ được nguồn lợi thuỷ sản, giảm được cường lực khai thác và tăng cường nguồn lợi, bảo vệ hệ sinh thái thì đó là những giải pháp bền vững để gỡ cảnh báo thẻ vàng cho thuỷ sản Việt Nam và chống khai thác IUU”.

Theo Long Phi

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên