MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

‘Chuyển động Nhật Bản’: Tiết lộ yếu tố quan trọng quyết định liệu BOJ có bắt đầu tăng lãi suất hay không, nhà đầu tư lo lắng, đồng Yên giảm trước thềm cuộc họp

15-03-2024 - 14:18 PM | Tài chính quốc tế

‘Chuyển động Nhật Bản’: Tiết lộ yếu tố quan trọng quyết định liệu BOJ có bắt đầu tăng lãi suất hay không, nhà đầu tư lo lắng, đồng Yên giảm trước thềm cuộc họp

Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Kazuo Ueda đã nhiều lần cho biết kết quả của cuộc đàm phán tiền lương năm nay sẽ ảnh hưởng đến quyết định của ngân hàng trung ương về thời điểm kết thúc chính sách lãi suất âm.

Các cuộc đàm phán tăng lương vào mùa xuân hàng năm, hay còn gọi là “shunto” rất được mong chờ ở Nhật Bản năm nay. Trong đó, nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới Toyota đã đồng ý mức tăng lương hàng năm lớn nhất cho người lao động trong 25 năm.

Hoạt động đầu cơ trên thị trường đã lên đến đỉnh điểm trong tuần này khi nhiều tập đoàn khổng lồ khác nhau công bố mức tăng lương sau khi đàm phán, trong một số trường hợp còn vượt xa mức yêu cầu.

Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Kazuo Ueda đã nhiều lần cho biết kết quả của cuộc đàm phán tiền lương năm nay sẽ ảnh hưởng đến quyết định của ngân hàng trung ương về thời điểm kết thúc chính sách lãi suất âm cuối cùng trên thế giới.

Liên đoàn lớn nhất Nhật Bản, được gọi là Rengo, sẽ công bố đối chiếu đầu tiên về các cuộc kiểm kê kết quả đàm phán tiền lương đang diễn ra vào thứ Sáu.

Điều này có thể được thể hiện rõ ràng tại cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của BOJ bắt đầu từ thứ Hai tuần sau để quyết định đợt tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2007.

Mặc dù lạm phát lõi - không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng đã vượt mục tiêu 2% trong hơn một năm, BOJ hầu như không thay đổi chính sách tiền tệ được áp dụng kể từ năm 2016.

Quan điểm của BOJ là việc tăng lương sẽ kích thích chi tiêu của người tiêu dùng, nâng giá một cách bền vững và tạo thêm không gian cho việc thắt chặt tiền tệ.

Đây là những điều bạn cần biết về cuộc đàm phán về tiền lương mùa xuân năm nay, diễn ra hàng năm vào tháng 3/2024.

Điều gì đã xảy ra cho đến hiện tại?

Tại các cuộc đàm phán về lương hàng năm, ban quản lý và công đoàn tại các công ty lớn trong các ngành sẽ gặp nhau để đàm phán nhằm mục đích xác định mức lương và điều kiện làm việc của nhân viên cho năm tài chính mới bắt đầu vào tháng 4.

Phần lớn các cuộc đàm phán “shunto” đã kết thúc hôm thứ 4 tuần trước, với sự tham gia của nhiều công ty lớn của Nhật Bản như nhà sản xuất ô tô Honda Motor, Nissan Motor và nhà sản xuất điện tử Panasonic.

Theo thống kê của Goldman Sachs về các cuộc đàm phán tiền lương đã kết thúc cho đến nay, hai trong số các công ty thép lớn nhất Nhật Bản đã đồng ý tăng lương vượt quá mong đợi của liên đoàn - Nippon Steel đồng ý tăng lương 14,2%, trong khi Kobe Steel đồng ý tăng 12,8%.

Rengo cho biết hồi đầu tuần rằng người lao động tại các công ty lớn của Nhật Bản đã yêu cầu mức tăng lương hàng năm là 5,85% - làm dấy lên hy vọng về mức tăng lương cao nhất trong ba thập kỷ. Con số này cao hơn nhiều so với mức tăng hơn 3% vào năm 2023. Nó cũng đánh dấu một bước đột phá đáng kể ở Nhật Bản, nơi tiền lương thực tế đã trì trệ kể từ cuộc khủng hoảng ngân hàng những năm 1990.

Tại sao lại quan trọng?

Ngân hàng Nhật Bản đã áp dụng chính sách nới lỏng nhằm kích thích giá cả sau khi Nhật Bản rơi vào tình trạng giảm phát và trì trệ kinh tế kéo dài. Tuy nhiên, đất nước này đang phải vật lộn để loại bỏ vấn đề tiền lương trì trệ.

Theo dữ liệu mới nhất từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, gần một phần ba lực lượng lao động Nhật Bản làm công việc bán thời gian - thường được coi là lực cản đối với tiền lương - vào tháng 1.

Trong khi đó, lạm phát toàn phần của nước này trung bình là 3,2% trong năm ngoái, nhưng đã giảm xuống còn 2,2% trong tháng 1.

Cũng có những dấu hiệu cho thấy lạm phát gần đây đã làm giảm nhu cầu trong nước và tiêu dùng tư nhân ở Nhật Bản.

Nền kinh tế Nhật Bản đã ngăn chặn được cuộc suy thoái kỹ thuật vào tuần trước nhờ chi tiêu vốn mạnh mẽ. Tuy nhiên, tiêu dùng tư nhân giảm 0,3% so với quý trước - nhiều hơn ước tính tạm thời là giảm 0,2%.

Tương lai sẽ ra sao?

Trong khi các tập đoàn lớn của Nhật Bản có khả năng chấp nhận việc tăng lương nhờ lợi nhuận kỷ lục của họ thì mọi con mắt sẽ đổ dồn vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ - chiếm tới 70% việc làm ở nền kinh tế lớn thứ tư thế giới.

Thierry Wizman, chiến lược gia lãi suất và tiền tệ toàn cầu tại Macquarie Group, nói với CNBC hôm thứ Hai rằng nếu các công đoàn lớn có thể tăng lương lên khoảng 5%, điều đó đủ để khiến BOJ hài lòng rằng tiền lương đang tăng và thúc đẩy họ thay đổi chính sách tiền tệ.

Wizman cho biết sự thay đổi chính sách sẽ diễn ra trong cuộc họp tháng 4 của ngân hàng, nhưng nói rằng cũng có thể xảy ra vào tháng 3.

Trong khi đó, các nhà kinh tế của Goldman Sachs do Tomohiro Ota dẫn đầu đã viết trong một lưu ý hôm thứ Ba rằng họ vẫn tin rằng BOJ sẽ chấm dứt lãi suất âm vào tháng 4.

Đồng yên yếu hơn một chút ở mức 148,34 yen đổi 1 USD và đang trên đà giảm gần 1% hàng tuần khi thị trường dồn ánh mắt tới cuộc họp sắp tới của BOJ.

Tham khảo CNBC

Bạch Linh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên