Chuyển động tại Sacombank chỉ mới bắt đầu
Dự kiến sẽ có chuỗi chuyển động mới sau khi ông Dương Công Minh trở thành Chủ tịch Sacombank...
- 03-07-2017Bà Lê Thị Hoa nghỉ hưu sớm ở Vietcombank để vào HĐQT Sacombank
- 02-07-20175 năm và 3 “đế chế” ở Sacombank
- 30-06-2017Ông Dương Công Minh: Từ chủ soái Him Lam, Liên Việt đến người quyền lực nhất Sacombank
Ngày 30/6, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông năm tài chính 2015 và 2016. Giai đoạn mới của Sacombank bắt đầu.
Khép lại những ồn ào, đồn đoán nổi lên từ đầu tháng 4/2017, ông Dương Công Minh, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty Him Lam, chính thức trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank nhiệm kỳ mới.
Bộ máy nhân sự Hội đồng Quản trị và Ban kiểm soát Sacombank cơ bản kiện toàn. Nói cơ bản, vì tới đây không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục bầu bổ sung thành viên mới.
Nối tiếp, thị trường chờ đợi ngân hàng này sẽ cấu trúc lại bộ máy quản lý điều hành như thế nào. Diễn tiến dự kiến cũng sẽ lần lượt được công bố.
Tương lai gần và xa?
Đến lúc này, Sacombank đã bước qua mốc quan trọng nhất. Giai đoạn mới bắt đầu. Thị trường ngay lập tức kỳ vọng lợi nhuận năm nay mà vị tân Chủ tịch hướng đến sẽ đạt con số 1.000 tỷ đồng, gần gấp đôi kế hoạch; xa hơn, có thể sớm rút ngắn lộ trình tái cơ cấu từng dự kiến tới 10 năm trước đây xuống còn khoảng 3-5 năm.
Nhưng, những chuyển động về cơ cấu sở hữu, về những yếu tố thúc đẩy, hoặc nói chung là những thay đổi lớn tại Sacombank mới chỉ bắt đầu.
Bởi lẽ, câu hỏi quan trọng nhất, cần thiết nhất đối với Sacombank đặt ra suốt thời gian qua và cho đến nay là nguồn vốn mới, hay theo cách nói quen thuộc gần đây là tiền tươi rót vào từ đâu và sẽ như thế nào? Vì như hiện nay, tình hình tài chính và nguồn vốn đang nguyên trạng. Và cũng chính vì thế để thấy thay đổi, chuyển động tại Sacombank mới chỉ bắt đầu.
Theo tìm hiểu của VnEconomy, tính đến thời điểm hiện tại, ông Dương Công Minh cùng các cá nhân, tổ chức liên quan và ủng hộ đã đầu tư khoảng 17% cổ phần Sacombank; trong đó, cá nhân vị tân Chủ tịch đã đầu tư khoảng 5%.
Chưa dừng lại, một nhà đầu tư trong nhóm ủng hộ trên cho biết, theo lộ trình, các cổ đông và các nhóm liên quan dự tính sẽ chọn thời điểm mua vào để nâng tỷ lệ sở hữu lên tối đa 20%.
Cũng theo nguồn tin này, xa hơn nữa, họ sẽ lên kế hoạch hợp tác với những nhà đầu tư khác, dùng nguồn tiền tươi, và dĩ nhiên qua thẩm định và xem xét của Ngân hàng Nhà nước, tiếp tục mua lại phần hơn 52% cổ phần mà Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đang nhận ủy quyền.
Với tính toán xa hơn đó, lượng lớn cổ phần VAMC đang nhận ủy quyền, đang thế chấp tại chính Sacombank dự kiến sẽ được giải phóng, Sacombank thu hồi được nguồn vốn cho vay liên quan mà đang kẹt ở nợ xấu. Đây cũng là nguồn tiền tươi kỳ vọng ngân hàng sẽ thu hồi để đưa về kinh doanh.
Nếu những tính toán của nhóm nhà đầu tư trên, cùng triển vọng hợp tác với các đối tác trong kế hoạch tương lai đó hiện thực, Sacombank tiếp tục có thay đổi lớn.
Hợp sức tái cơ cấu
Một lãnh đạo chuyên môn của Ngân hàng Nhà nước cũng từng nêu quan điểm với VnEconomy rằng: nếu có nhà đầu tư đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện xét duyệt, tuân thủ các quy định của pháp luật, có nguồn vốn thực mà không phải vay mượn, họ có quyền đàm phán để mua phần vốn VAMC đang nhận ủy quyền.
Tình huống chuyển động lớn trong tương lai, nếu tỷ lệ hơn 52% VAMC đang nhận ủy quyền nói trên bán bớt đi, giảm đi, nhà đầu tư mới mua thành công, thì theo quy định hiện hành, họ có đủ tỷ lệ sở hữu thì được quyền đề cử người tham gia cơ cấu Hội đồng Quản trị. Điều đó đồng nghĩa, Ngân hàng Nhà nước sẽ rút bớt người cử sang đại diện trong cơ cấu này.
Theo hướng trên, cấu trúc sở hữu tại Sacombank dự kiến sẽ từng bước “trả lại cho thị trường”, với những cổ đông, nhà đầu tư trực tiếp quản trị, điều hành thay dần đầu mối thuộc Nhà nước nhận ủy quyền cùng tham gia như hiện nay.
Đại diện một nhóm cổ đông lớn nói với VnEconomy rằng, Sacombank đã có được những cơ chế cần thiết, điều còn lại là cùng hợp sức hơn nữa giữa các cổ đông, nhà đầu tư để đẩy nhanh tái cơ cấu.
Cơ chế cần thiết, đã được đề cập thời gian qua. Sacombank được giãn hạch toán lãi dự thu, giãn hạch toán chi phí chênh lệch giá trị sổ sách với giá trị xử lý nợ xấu thực tế, cùng những cơ chế trong nghị quyết về xử lý nợ xấu mà Quốc hội vừa ban hành. Đây là cơ cở tiên quyết và quan trọng nhất để có thể rút ngắn quá trình tái cơ cấu từ 10 năm xuống dự kiến chỉ còn 3-5 năm.
Thứ hai, hợp sức giữa các cổ đông, nhà đầu tư cũng nằm trong kế hoạch gia tăng tỷ lệ sở hữu, cũng như triển vọng mua lại 52% cổ phần VAMC đang nhận ủy quyền như tình huống nêu trên.
Đại diện trên nêu quan điểm, bất cứ một ngân hàng cổ phần nào nếu tỷ lệ sở hữu manh mún, quá loãng, có thể dẫn đến tình trạng bè cánh phức tạp, hoặc “kẻ nói không có người nghe”. Ngược lại, nếu chỉ có một ông chủ, bà chủ bằng cách lách để kiểm soát được lượng sở hữu chi phối, lại dễ xẩy ra tình trạng thao túng, cá nhân tự tung tự tác mà hậu quả sẽ khôn lường.
“Vậy nên, ở Sacombank cần có những cổ đông trụ cột, những nhóm đối tác gắn kết và giám sát lẫn nhau, cùng hàng chục nghìn cổ đông nhỏ lẻ đại chúng. Họ cùng hợp sức mà không bị thao túng, không bị cơ cấu sở hữu loãng và lỏng lẻo hoặc bè cánh… Hợp sức đồng lòng như vậy sẽ góp phần đẩy nhanh tái cơ cấu bền vững”, vị đại diện trên nói.
Trong hướng hợp sức đó, ngay sau khi đại hội đồng cổ đông thành công, trên diễn đàn đầu tư chứng khoán và mạng xã hội đã xuất hiện khả năng: ông Dương Công Minh và Hội đồng Quản trị Sacombank có kế hoạch mời ông Đặng Văn Thành (người sáng lập và gây dựng Sacombank giai đoạn trước) về cùng hợp sức với vai trò cố vấn cao cấp.
Đại diện nhóm cổ đông trên cũng xác nhận về khả năng có sự hợp sức đó. VnEconomy cũng đã chuyển những câu hỏi liên quan tới ông Dương Công Minh, dù biết đây là vị doanh nhân rất kín tiếng xưa nay.
Vneconomy