Chuyển động 'trái chiều' của thị trường M&A Việt Nam thời Covid-19
Mặc dù giới chuyên gia lo ngại rằng tình hình thị trường M&A có thể ảm đạm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong 8 tháng đầu năm 2020, Việt Nam vẫn có gần 5.000 lượt góp vốn mua cổ phần từ các nhà đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn xấp xỉ 5 tỷ USD.
- 28-09-2020Nhiều tổ chức quốc tế dự báo nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ
- 28-09-2020Từ ngày 15/11, xúi giục, ép người khác uống rượu, bia sẽ bị phạt đến 3 triệu đồng
- 28-09-2020Thế hệ Z: Làn sóng mới trên thị trường lao động Việt Nam
- 28-09-2020Hậu Covid-19, người Việt quan tâm đến sức khoẻ và tiêu dùng hàng nội địa nhiều hơn
Báo cáo mới đây của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor dự báo Việt Nam là một trong những thị trường có hoạt động M&A tiềm năng nhất thế giới trong năm nay, đạt mức 102 điểm, chỉ đứng sau Hoa Kỳ với 108,9 điểm.
Lý giải về điều này, Euromonitor chỉ ra rằng Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Bên cạnh đó, Luật Đầu tư (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2020 cũng góp phần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam.
Trước đó, trong hai năm 2018 và 2019, hai ngành có hoạt động M&A mạnh nhất đó là sản xuất hàng tiêu dùng và bất động sản.
Năm 2019, thị trường bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến kỷ lục số thương vụ M&A, điển hình như Saigon Co.op tiếp nhận 18 siêu thị Auchan, Vingroup chuyển nhượng toàn bộ mảng bán lẻ tại Vincommerce cho Tập đoàn Masan.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng giá trị giao dịch M&A trong năm 2019 đạt khoảng 15,6 tỷ USD, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước đó.
Đến năm 2020, bất chấp tình hình đại dịch Covid-19, thị trường M&A Việt Nam trong 3 quý đầu năm vẫn được đánh giá là sôi động, cùng hàng loạt vụ sáp nhật lớn, đặc biệt trong lĩnh vưc bất động sản.
Đáng chú ý, thị trường bất động sản Việt Nam những tháng đầu năm 2020 đã diễn ra nhiều thương vụ M&A đình đám.
Trong đó phải kể đến nhóm nhà đầu tư dẫn đầu bởi KKR - Quỹ đầu tư toàn cầu có nguồn gốc tại Hoa Kỳ (bao gồm Temasek) đã đầu tư khoảng 15,1 nghìn tỷ đồng (khoảng 650 triệu USD) tương đương 6% cổ phần vào Vinhomes.
Tập đoàn Danh Khôi cũng được biết đến với loạt thương vụ M&A trong năm nay, với hơn 20 dự án tại các tỉnh thành lớn của Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quy định của pháp luật hiện hành đối với hoạt động M&A tại Việt Nam trong thời gian qua đã được minh bạch hơn, đơn giản hoá thủ tục nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao những kết quả trong hoạt động M&A tại Việt Nam thời gian qua. Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã có gần 5.000 lượt góp vốn mua cổ phần từ các nhà đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn xấp xỉ 5 tỷ USD.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, điều này cho thấy Việt Nam vẫn đang là một thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Đồng thời, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định hoạt động M&A của Việt Nam sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2020. Giải thích về điều này, EuroCham cho rằng hiện nay là thời điểm nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm cách thâm nhập vào thị trường Việt Nam, từ đó có thể tận dụng được những lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do mang lại, điển hình như EVFTA.
Các chuyên gia kinh tế nêu rõ, những yếu tố như môi trường kinh doanh, năng lực quản lý, trình độ lao động, năng suất lao động sẽ tác động đáng kể đến thị trường M&A.
Ngoài ra, M&A được xem là đòn bẩy để các doanh nghiệp tái cấu trúc, tăng sức cạnh tranh, vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng hoạt động M&A trên thị trường Việt Nam vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục.
Nhà sáng lập, Tư vấn cấp cao Hội đồng quản trị Grant Thornton Vietnam, ông Ken Atkinson chia sẻ, trong quá trình một số nhà đầu tư thực hiện các thương vụ M&A, họ thường phàn nàn về việc quản trị thiếu tính minh bạch, hoặc các doanh nghiệp Việt Nam thay đổi các điều khoản thỏa thuận giữa chừng trong giao dịch
Hay như vừa qua, EuroCham đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục giảm số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh "có điều kiện"; bãi bỏ toàn bộ "kiểm tra nhu cầu kinh tế" đối với tất cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; bỏ quy định nhà đầu tư nước ngoài phải xin "chấp thuận giao dịch M&A" trước khi tiến hành M&A với các doanh nghiệp tư nhân.
Thêm vào đó, giảm mức độ quyết định của các cơ quan cấp phép liên quan đến việc rà soát và xem xét lại các điều khoản thương mại của các giao dịch M&A, tăng tính rõ ràng và thống nhất của các thủ tục áp dụng cho các giao dịch M&A.