MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện gì đang xảy ra với Grab Việt Nam?

18-07-2022 - 09:05 AM | Doanh nghiệp

Sau khi bà Nguyễn Thái Hải Vân rời ghế CEO, Giám đốc điều hành và người đại diện pháp luật của Grab tại Việt Nam là bà Lý Thụy Bích Huyền. Tính đến cuối năm ngoái, khoản lỗ lũy kế của Grab Việt Nam là hơn 4.300 tỷ đồng. Thời gian qua, Grab Việt Nam gây tranh cãi khi áp dụng phụ phí “nắng nóng”.

Sau nhiều tin đồn đoán, hãng gọi xe có trụ sở tại Singapore Grab cũng niêm yết tại Mỹ thông qua việc sáp nhập với SPAC (công ty mua lại với mục đích đặc biệt) Altimeter Growth vào đầu tháng 12 năm ngoái.

Trái ngược với sự kỳ vọng của nhiều người, cổ phiếu của siêu kỳ lân Đông Nam Á giảm đến 21% trong phiên giao dịch đầu tiên. Thế nhưng, đó không phải điều tệ nhất ban lãnh đạo và những nhà đầu tư phải chứng kiến. Từ mức gần 40 tỷ USD, vốn hóa thị trường của Grab đã “bốc hơi” 3/4 chỉ sau hơn 7 tháng lên sàn và hiện ở mức 9,56 tỷ USD.

Tại Việt Nam, dù vẫn nắm giữ thị phần lớn nhất trên thị trường gọi xe trực tuyến, Grab cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề trong thời gian qua – từ việc thay đổi nhân sự cấp cao, gây tranh cãi với phụ phí “thời tiết nắng nóng gay gắt” đến khoản lỗ lũy kế hơn 4.300 tỷ đồng.

Ai điều hành Grab Việt Nam sau khi bà Nguyễn Thái Hải Vân rời ghế CEO?

Hồi tháng 3, một số nguồn tin tiết lộ bà Nguyễn Thái Hải Vân rời vị trí CEO Grab Việt Nam sau hơn 2 năm ngồi “ghế nóng”. Ngày 12/3, đại diện công ty xác nhận thông tin này và cho biết bà Hải Vân nghỉ việc để theo đuổi một cơ hội nghề nghiệp mới.

Bà Nguyễn Thái Hải Vân là Giám đốc điều hành thứ hai của Grab Việt Nam. Bà gia nhập công ty năm 2019 và được bổ nhiệm làm CEO thay ông Jerry Lim từ đầu năm 2020.

Chuyện gì đang xảy ra với Grab Việt Nam? - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thái Hải Vân, cựu CEO Grab Việt Nam. Ảnh: Grab Việt Nam

Sau khi bà Hải Vân từ nhiệm, Grab Việt Nam chưa có thông báo chính thức về người điều hành doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo thông tin được cập nhật trên trang web của hãng, người đại diện pháp luật và cũng là Giám đốc điều hành hiện nay là bà Lý Thụy Bích Huyền.

Với nhiều người, cái tên Lý Thụy Bích Huyền có thể khá xa lạ. Nhưng trên thực tế, bà Huyền là một trong những nhân viên đời đầu của Grab khi công ty này gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2014 với tên gọi GrabTaxi. Trước khi thay thế vai trò của bà Hải Vân, bà Huyền từng có 3 năm làm việc tại VNG (2011-2013) và đảm nhận nhiều vị trí cấp cao tại Grab Việt Nam.

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, bà Lý Thụy Bích Huyền cũng là một trong 2 cổ đông của công ty TNHH Grab (Grab Việt Nam) kể từ tháng 3/2020, nắm 51% cổ phần. Cổ đông còn lại Grab Inc với 49% cổ phần.

Trước đó, người đại diện cho 51% cổ phần này là ông Nguyễn Tuấn Anh – Giám đốc sáng lập Grab Việt Nam. Đầu năm 2020, ông Tuấn Anh nói lời chia tay với Grab sau 6 năm gắn bó.

Về cơ bản, thông qua các điều kiện ràng buộc, Grab vẫn kiểm soát 100% vốn của Grab Việt Nam.

Lỗ lũy kế hơn 4.300 tỷ đồng

Sau 8 năm hoạt động tại Việt Nam, bên cạnh mảng gọi xe trực tuyến (bốn bánh và hai bánh), Grab hiện phát triển hàng loạt dịch vụ khác như ví điện tử, giao hàng, giao đồ ăn, đi chợ hộ…

Theo số liệu mà Người Đồng Hành có được, doanh thu thuần trong 3 năm gần nhất của Grab Việt Nam đều trên 3.300 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, ngoại trừ năm 2020, công ty có lãi với lợi nhuận sau thuế đạt 243,4 tỷ đồng, hai năm còn lại Grab đều lỗ. Cụ thể, công ty ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 300 tỷ đồng trong năm 2021 và con số này lên đến gần 1.697 tỷ đồng vào năm 2019.

Với số vốn điều lệ vỏn vẹn 20 tỷ đồng nhưng lỗ lũy kế của Grab Việt Nam tính đến cuối năm ngoái đã lên đến gần 4.366 tỷ đồng. Nhìn vào kết quả kinh doanh, có thể thấy tổng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp rất lớn so với lợi nhuận gộp. Trong năm 2019, chỉ riêng chi phí bán hàng đã gần gấp đôi lợi nhuận gộp.

Chuyện gì đang xảy ra với Grab Việt Nam? - Ảnh 2.
 

Chi phí bán hàng cao có thể xuất phát từ việc công ty liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi cho khách hàng, tài xế và đối tác bán hàng để chiếm thị phần. Và điều này không chỉ xảy ra tại thị trường Việt Nam.

Theo báo cáo tài chính năm 2021 của công ty mẹ Grab Holdings, hãng gọi xe Đông Nam Á đã chi 1,8 tỷ USD cho các chương trình ưu đãi, khuyến mãi – bao gồm 1,1 tỷ USD cho người dùng và 0,7 tỷ USD cho đối tác. Năm 2019, chi tiêu cho ưu đãi lên tới 2,4 tỷ USD.

“Sự tăng trưởng của Grab một phần đến từ các chương trình khuyến mãi mà chúng tôi cung cấp cho đối tác tài xế, đối tác bán hàng và người dùng”, báo cáo tài chính của Grab Holdings viết.

Doanh thu năm 2021 của Grab Holdings đạt 675 triệu USD – tăng từ mức 469 triệu USD của năm 2020. Tổng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) vượt 16 tỷ USD, tăng 29% so với năm trước đó. Lỗ lũy kế đến cuối năm ngoái là 14,4 tỷ USD.

Tranh cãi việc Grab Việt Nam thu phụ phí “nắng nóng”

Hôm 6/7, Grab Việt Nam thông báo thu thêm phụ phí “thời tiết nắng nóng gay gắt” tại một số khu vực với mức 5.000 đồng mỗi chuyến GrabBike, đơn hàng GrabFood, GrabMart và 3.000 đồng với dịch vụ GrabExpress.

Phí phụ thu sẽ được cộng dồn trực tiếp vào màn hình hiển thị giá trị trên biên nhận khi tài xế nhận chuyến xe. Ngoài ra, Grab cũng đã triển khai áp dụng thu thêm một số loại phí và phụ phí như "phụ phí khi mưa lớn", "phụ phí kẹt xe", "phí chờ đợi"…

Chính sách này ngay sau đó đã vấp phải nhiều chỉ trích, bức xúc từ cả tài xế và người dùng do không nêu rõ ràng tiêu chí xác định nắng nóng gay gắt và liệu Grab có thu chiết khấu đối với khoản thưởng này hay không? Một số ý kiến cho rằng việc thu phụ phí "nắng nóng" là vô lý và Grab đang lợi dụng yếu tố thời tiết để kiếm lời.

Trước thông tin trên, Cục Quản lý Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã yêu cầu Grab trước ngày 18/7 phải cung cấp danh mục, làm rõ các loại hình, mức phí và phụ phí hiện nay được cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị. Grab cũng phải cung cấp thông tin về căn cứ, tiêu chí, thời gian áp dụng thu thêm cũng như việc phân chia lợi nhuận của các loại phí và phụ phí giữa công ty và tài xế.

Chuyện gì đang xảy ra với Grab Việt Nam? - Ảnh 3.

Grab hiện là hãng gọi xe trực tuyến chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam.


Thời gian qua, Grab và các ứng dụng gọi xe khác tại Việt Nam phải chật vật giữ chân tài xế khi giá xăng liên tục tăng và thời tiết nắng nóng. Chi phí tăng cao khiến cho các tài xế không còn mặn mà mở ứng dụng, nhất là vào những giờ cao điểm. Nhiều khách hàng tại Hà Nội gần đây thường xuyên phải chờ đợi khá lâu mới đặt được dịch vụ giao đồ ăn, gọi xe... vì các ứng dụng không tìm được tài xế. Tháng trước, Grab Việt Nam thông báo sẽ dành khoản ngân sách 6,3 tỷ đồng để hỗ trợ tài xế trên cả nước.

Theo một khảo sát của Q&Me công bố vào tháng 6/2021, dựa trên số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ gọi xe hai bánh, Grab chiếm khoảng 60% thị phần, Gojek chiếm 19% còn be chiếm 18%. Đối với ôtô, thị phần của Grab áp đảo với 66%, be chiếm 22% và phần còn lại chia cho các ứng dụng khác.

Trong khi đó, tại cả khu vực Đông Nam Á, hãng nghiên cứu Euromonitor ước tính năm 2021, Grab chiếm 71% thị phần thị trường gọi xe, 51% thị phần lĩnh vực giao đồ ăn trực tuyến và 21% thị phần lĩnh vực ví điện tử.

Theo Linh Lam

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên