MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia BSC: “Lạm phát cao chưa chắc là vấn đề không tốt cho việc đầu tư”

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc phân tích CTCK BIDV (BSC)

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc phân tích CTCK BIDV (BSC)

Lạm phát đang gia tăng mạnh trên toàn cầu. Trong nước, dù lạm phát vẫn trong kiểm soát nhưng cũng đang chịu sức ép không nhỏ khi giá cả hàng hóa thế giới tăng “phi mã”.

Trao đổi trong Talk show Phố Tài chính (The Finance Street) trên VTV8, ông Trần Thăng Long, Giám đốc phân tích CTCK BIDV (BSC) đã có những chia sẻ về tác động của lạm phát tới nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán.

Theo ông Trần Thăng Long, các doanh nghiệp hiện đang chịu tác động từ việc giá nguyên liệu tăng mạnh. Có hai nhóm, nhóm thứ nhất liên quan đến các mặt hàng năng lượng như gas, xăng, dầu hay than đá đều tăng rất mạnh. Trong đó, giá dầu đã tăng khoảng 60% so với cả cùng kỳ năm ngoái, than đá thậm chí còn tăng 2, 3 lần so với cách đây hơn một năm, đã ảnh hưởng trực tiếp tới rất nhiều các hoạt động kinh tế vì gần như hoạt động nào cũng cần sử dụng các dịch vụ logistics, vận chuyển. Điều này khiến những doanh nghiệp không trực tiếp từ nhóm này cũng chịu ảnh hưởng từ chi phí vận chuyển gia tăng.

Ngoài ra, những mặt hàng phái sinh từ các sản phẩm năng lượng như nhựa, chất dẻo hay hóa chất cũng đều có mức tăng không kém giá xăng dầu, điều này ảnh hưởng đến đầu vào của rất nhiều doanh nghiệp.

Khi lạm phát gia tăng, không chỉ doanh nghiệp thiệt hại mà người tiêu dùng cũng sẽ bị ảnh hưởng, sức cầu của người tiêu dùng suy giảm đi. Làn sóng lạm phát mà không chỉ riêng Việt Nam có rất nhiều quốc gia cũng đang chịu ảnh hưởng tương tự như vậy.

Về nguyên nhân dẫn tới lạm phát, ông Long cho rằng có hai nguyên nhân. Thứ nhất là khi các Chính phủ hỗ trợ nền kinh tế quá nhiều và đưa ra lượng cung tiền tương đối lớn để xoa dịu những khó khăn của dịch bệnh hoặc khủng hoảng, dẫn tới cán cân mất cân bằng và giá cả của hàng hóa đi lên.

Trường hợp thứ hai là chi phí đẩy gia tăng trong nền kinh tế vì rất nhiều hàng hóa mà chúng ta phải nhập khẩu và Việt Nam là nền kinh tế mở, tổng xuất nhập khẩu/GDP là 183%. Do vậy những biến động lớn của giá cả hàng hóa trên thế giới đều khiến Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Những mặt hàng cơ bản nhất như năng lượng, hóa chất, chất dẻo, nhựa,…đều gia tăng từ năm ngoái đã gián tiếp làm tăng những mặt hàng hóa khác nữa. Ví dụ, khi phân bón trên thế giới tăng giá và Việt Nam cũng tăng giá, một thời gian sau chúng ta sẽ thấy chi phí của người nông dân trong việc chăm sóc cây trồng sẽ gia tăng và ảnh hưởng tới chi phí lương thực, thực phẩm.

Theo ông Long, một vòng tăng giá như vậy sẽ mất khoảng 3 tháng đến 6 tháng để nhìn thấy rõ. Ở một số quốc gia như châu Âu và Mỹ đã xảy ra rồi. Việt Nam là một quốc gia vẫn chủ động được nguồn nguyên liệu. Do vậy lạm phát ở Việt Nam chưa phải lớn như các quốc gia ở châu Âu hay Mỹ, hiện họ đang khoảng 8,1%-8,3%. Còn khu vực châu Á, Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản đều có mức CPI tăng so với cùng kỳ khoảng 2,5%-2,6%.

Chuyên gia BSC đánh giá nếu các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền đầu tư vào các thị trường mới nổi, trong đó có thị trường Việt Nam và tạo nên sức ép đến mặt bằng lãi suất trong nước. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có một số lợi thế nhất định khi chủ động được rất nhiều nguồn nguyên liệu thô, đặc biệt là liên quan đến chuỗi lương thực và thực phẩm.

Do vậy, ảnh hưởng của lạm phát ở Việt Nam có thể sẽ không lớn như những quốc gia ở châu Âu hay ở Bắc Mỹ nên những điều chỉnh nhất định về chính sách tiền tệ nếu có cũng sẽ thấp hơn so với những quốc gia khác và ảnh hưởng đến giá trị đầu tư của nhà đầu tư cũng sẽ không quá lớn.

Về vấn đề lạm phát tác động tới đầu tư, ông Trần Thăng Long cho rằng lạm phát cao chưa chắc là vấn đề không tốt cho việc đầu tư, bởi nhiều doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội của việc giá cả tăng, thậm chí gia tăng doanh thu, điều này mang đến cơ hội cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, chuyên gia BSC cũng lưu ý lạm phát cao là giai đoạn nhạy cảm đối với rất nhiều thị trường tài chính khác nhau, nên nhà đầu tư cũng cần phải đầu tư nhiều thời gian hơn để đánh giá lại những cổ phiếu, những doanh nghiệp nắm giữ xem có thuộc vào nhóm thiết yếu hoặc được hưởng lợi từ các xu hướng giá cả gia tăng hay không. Nhóm ngành cơ bản như năng lượng, điện, nước, lương thực, thực phẩm, những ngành liên quan đến hóa chất, vật liệu là những nhóm ngành trong những giai đoạn giá cả tăng thường được hưởng lợi, do sản lượng của họ gia tăng theo, cộng với giá đầu ra cũng gia tăng tương ứng.

Theo Cẩm Thạch

Nhịp Sống Kinh Doanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên