Chuyên gia: Cần có thêm luật bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư
Hiện nay trên thế giới, đặc biệt những nước phát triển có luật riêng, gọi là luật bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính, tách rời luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung.
Trong thời gian vừa qua, cơ quan chức năng đã liên tiếp đưa ra các quyết định xử phạt hay khởi tố các đối tượng có các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán, bao gồm cả thị trường cổ phiếu lẫn thị trường trái phiếu. Nhiều nhà đầu tư có liên quan trực tiếp đến các vụ việc đã được giải quyết về quyền lợi, tuy nhiên vẫn có những nhà đầu tư mới chỉ được cam kết giải quyết quyền lợi.
Trao đổi trong Talk show Phố Tài chính (The Finance Street) trên VTV8, ông Lê Long Giang, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) và ông Võ Đình Trí, Giảng viên Trường IPAG Business School Paris, Pháp đã có những đánh giá tác động từ việc thanh lọc thị trường cũng như đề xuất thêm luật bảo về nhà đầu tư tài chính.
BTV Mùi Khánh Ly: Hai ông đánh giá như thế nào về một loạt quyết định giúp thanh lọc thị trường chứng khoán của cơ quan chức năng trong thời gian gần đây?
Ông Lê Long Giang, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA)
Việc thanh lọc trên thị trường chứng khoán của cơ quan chức năng trong các sự việc gần đây không phải là những vụ án hình sự đầu tiên, trong lịch sử đã có 3 - 4 vụ khởi tố hình sự rồi. Tuy nhiên hai năm gần đây 2020 – 2021, theo báo cáo của UBCK, mỗi năm UBCK xử phạt khoảng 300 trường hợp, thu về khoảng 22 tỷ đồng tiền phạt, thế nhưng không có một vụ xử lý hình sự nào. Bởi vậy đợt vừa qua khi các cơ quan chức năng đã mạnh tay hơn, thanh lọc mạnh hơn đối với các hành vi vi phạm thì tôi nghĩ đấy là một hành động rất quyết liệt.
Bây giờ thị trường chứng khoán Việt Nam đã có nhiều hàng hóa và có nhiều cơ hội cũng như lượng tiền mặt giao dịch hàng ngày càng nhiều, dễ dẫn đến việc nhiều đối tượng có ý đồ lợi dụng và mong kiếm về không chỉ một vài tỷ mà hàng trăm ngàn tỷ. Bởi vậy việc thanh lọc là rất cần thiết và cần phải có những chế tài thật mạnh tay để người ta ngay từ việc ý nghĩ cũng không có ý nghĩ để vi phạm, chứ tránh việc người ta bất chấp để thu về khoản lợi rất lớn và sẵn sàng bỏ một khoản lợi nhỏ ra để nộp phạt.
Ông Võ Đình Trí, Giảng viên Trường IPAG Business School Paris, Pháp
Các khung hình phạt xử lý hình sự và kể cả xử lý về hành chính hay trong lần này là những khung hình phạt nghiêm khắc, mạnh nhất. Ở các nước cũng vậy, người ta sẽ thường xử phạt về hành chính là chính, ví dụ như xử phạt tiền, phạt cấm giao dịch hoặc phạt những công ty vi phạm không được tiếp tục hoạt động, và cao nhất cũng là hình thức xử phạt tù một vài năm với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Việc xử lý vừa rồi của các cơ quan quản lý theo tôi nghĩ là rất nghiêm khắc và cần thiết cho thị trường trong lúc này, là một dấu hiệu tích cực để cho thị trường lành mạnh hơn, để thị trường Việt Nam có thể tiệm cận gần hơn với thị trường thế giới, từ đó gia tăng thu hút vốn, thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài và bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư hơn, đấy là một tín hiệu tốt cho thị trường.
BTV Mùi Khánh Ly: Liên quan đến loạt vụ việc bị xử phạt hay khởi tố, có những nhà đầu tư thì đã lấy lại được quyền lợi của mình nhưng có nhà đầu tư thì vẫn chưa, vậy theo hai ông thì nhà đầu tư cần phải làm gì trong các trường hợp trên?
Ông Lê Long Giang, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA)
Trước hai sự việc lớn vừa xảy ra, thì đối với thị trường cổ phiếu, theo thông báo của cơ quan quản lý thì tất cả các giao dịch mua bán trong ngày hôm đấy đã được hủy bỏ và số tiền đã hoàn trả về cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên về mặt thị trường trái phiếu, khi giao dịch bị hủy bỏ sẽ có hai trường hợp.
Thứ nhất với những trái chủ của lô trái phiếu bị hủy bỏ thì họ được thông báo sẽ sớm nhận lại được tiền, tuy nhiên việc hoàn trả đúng thời hạn gốc và lãi cho những trái chủ sẽ gặp khó khăn và có thể bị ảnh hưởng.
Về dài hạn tôi cho rằng mỗi lần có sự cố như vậy sẽ như một tiếng chuông cảnh tỉnh cho cả hai bên: cho cả nhà đầu tư và cho cả những người phát hành. Tiếng chuông này sẽ làm cho thị trường tốt lên, chắc chắn rằng những đợt phát hành trái phiếu tới thì những trái phiếu chắc chắn sẽ tốt hơn kể cả về mặt giá trị tài sản đảm bảo cũng như cách thức sử dụng tiền. Và nhà đầu tư sẽ cân nhắc khi đầu tư trái phiếu hơn, sự bất ổn này sẽ mất khoảng thời gian ngắn hạn từ 3 - 6 tháng nhưng sau đó sẽ tiếp tục phát triển tốt. Đây là khoảng thời gian để cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư tự xem lại mình để từ đó có tích lũy, để có sự phát triển bền vững hơn sau này.
Ông Võ Đình Trí, Giảng viên Trường IPAG Business School Paris, Pháp
Nó còn tùy vào từng trường hợp cụ thể. Trường hợp nhà đầu tư mua trực tiếp từ công ty phát hành hay được coi là trái chủ hay không? hay họ mua trái phiếu thông qua một trái chủ khác dưới hình thức Hợp đồng góp vốn đầu tư thì sẽ phát sinh quyền lợi và trách nhiệm giữa nhà đầu tư và công ty ký hợp đồng hợp tác đầu tư, tạo ra rủi ro ở vấn đề đó. Và điều này tùy vào khả năng chi trả của bên ký hợp đồng, bên hợp đồng nhận ủy thác vốn hoặc hợp đồng góp vốn đầu tư có khả năng tài chính để trả được hay không. Rủi ro thứ hai là họ có khả năng tài chính nhưng họ có muốn trả hay không nữa. Đấy là những rủi ro mà đối với nhà đầu tư khi đầu tư trái phiếu nhưng không kiểm tra kỹ xem mình có đứng tên trái chủ đó hay không.
BTV Mùi Khánh Ly: Như vậy thì theo các ông, nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư mới, cần chuẩn bị như thế nào trước khi tham gia vào thị trường tài chính để giảm thiểu những rủi ro trong tương lai?
Ông Lê Long Giang, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA)
Có một câu ngạn ngữ rất đúng là "Không có bữa ăn nào miễn phí cả". Bất cứ nhà đầu tư nào cũng đều cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản chứ không được đầu tư và mua các sản phẩm tài chính theo trào lưu.
Rủi ro sẽ càng cao nếu lợi nhuận càng cao, tùy nhu cầu đầu tư mà các nhà đầu tư cũng cần phải phân định ra, đây thực sự là giao dịch mua bán hay là giao dịch hợp tác đầu tư, giao dịch Repo để từ đó xác định được sản phẩm họ mua về thực chất là gì. Cuối cùng mới ra kết luận rằng sản phẩm với lợi tức đấy có phù hợp với cá nhân họ không, từ đó có những quyết định sáng suốt.
Các nhà đầu tư sẽ góp phần làm cho thị trường sẽ trở nên được minh bạch hơn khi những sản phẩm không thực sự tốt sẽ không được lựa chọn. Ngoài ra, đã có nhiều trường hợp các nhà đầu tư chuyên nghiệp nắm rõ được rủi ro của sản phẩm nhưng thường xuyên nghĩ rằng trong quá trình mua và bán họ sẽ bán và thu được lợi nhuận trước khi những rủi ro xảy ra.
Tuy nhiên, như mọi người vẫn bảo "đi đêm lắm có ngày gặp ma", các nhà đầu tư cho dù chuyên nghiệp cũng không ngờ được những sự việc lại biến chuyển nhanh đến như vậy. Bởi vậy, cần phải cân nhắc tất cả cái hành động của mình bởi vì tiền trong túi mình. Bất kỳ nhà đầu tư nào trước những biến cố về mặt rủi ro nên tập hợp tất cả những giấy tờ cần thiết và nếu như không có đầy đủ những kiến thức về pháp luật thì nên tìm đến những văn phòng luật sư chuyên nghiệp, uy tín để có thể có những lời khuyên tốt nhất, đảm bảo có những hành động và thủ tục về pháp lý cần thiết.
Ông Võ Đình Trí, Giảng viên Trường IPAG Business School Paris, Pháp
Việc bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư phải đến từ hai phía, là bản thân nhà đầu tư và phía các cơ quan quản lý nhà nước. Về phía nhà đầu tư, họ phải nâng cao hiểu biết, có kiến thức về sản phẩm mà mình đầu tư và biết được mức độ rủi ro của hình thức đầu tư đó. Trên thị trường khẩu vị rủi ro của mỗi nhà đầu tư khác nhau, có những quỹ đầu tư họ chuyên đi săn những trái phiếu gọi là trái phiếu rác (junk bond), tỷ suất sinh lời rất cao nên rủi ro cũng rất cao. Ví dụ ở thị trường Mỹ hoặc Châu Âu có những công ty chuyên đi săn những trái phiếu kiểu vậy và đằng sau họ là những đội luật sư hết sức hùng hậu, họ đảm bảo về mặt pháp lý và có thể có những lợi ích rất lớn khi đi tìm các trái phiếu kiểu vậy.
Nhưng bên cạnh đó cũng cần có vai trò của cơ quan quản lý nhà nước thông qua các quy định về giám sát để kiểm soát các công ty cung cấp dịch vụ, sản phẩm tài chính đó. Bên cạnh đó, bên trung gian cũng rất quan trọng, đây là bên trung gian phân phối hay phát hành trong chuỗi cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính cần được kiểm soát chặt chẽ hơn từ phía cơ quan quản lý.
BTV Mùi Khánh Ly: Còn ở góc độ nhà quản lý, cơ quan quản lý sẽ cần có thêm những động thái như thế nào để tiếp tục gia tăng tính minh bạch cho thị trường, cũng như nhìn từ kinh nghiệm bảo vệ nhà đầu tư tại các thị trường tài chính phát triển, thưa hai ông?
Ông Lê Long Giang, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA)
Bộ luật chứng khoán 2019 tương đối đồng nhất với cách quản lý của UBCK bên Hàn Quốc, đó là giám sát ba cấp. Cấp một là các công ty chứng khoán tự giám sát, cấp hai là Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở giao dịch TP HCM là giám sát cấp hai, và cấp ba chính là UBCK giám sát. Các công ty chứng khoán ở cấp độ cấp một cần phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình.
Với cấp độ ba cấp quản lý giám sát thế này, càng ngày TTCK Việt Nam sẽ càng trở nên minh bạch hơn và hạn chế được tối thiểu tất cả những giao dịch làm thị trường và các nhà đầu tư bị thiệt hại. Ngoài ra, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể áp dụng một số biện pháp rất đơn giản như các tổ chức tín dụng đã thực hiện là phong tỏa tài khoản chứng khoán với những tài khoản chứng khoán buộc phải công bố thông tin trước khi giao dịch, điều đó cũng sẽ hạn chế những thủ tục pháp lý về mặt công bố chưa thực hiện thì việc mua bán đã được xảy ra. Kể cả sau đó đã có xử phạt nhưng việc mua bán và rồi lại "quên" công bố thông tin thì sẽ gây thiệt hại và sẽ gây những phản ứng xấu trên thị trường
Ông Võ Đình Trí, Giảng viên Trường IPAG Business School Paris, Pháp
Về thị trường trái phiếu, đối với Nghị định 153 thì tôi nghĩ quan trọng nhất là xác định điều kiện cần và đủ của nhà đầu tư chuyên nghiệp, đòi hỏi cơ chế công khai và minh bạch để tránh việc nhà đầu tư chuyên nghiệp thật sự cũng chính là một thành viên của bên phát hành. Ví dụ như trường hợp Tân Hoàng Minh có nghĩa trái chủ lại là một công ty thành viên, thì đó hoàn toàn là những điều kiện phải cấm.
Hiện nay trên thế giới, đặc biệt những nước phát triển có luật riêng, gọi là luật bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính, tách rời luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung. Có một luật trong cộng đồng Châu Âu từ năm 2007 gọi là MiFID, đấy là phiên bản một và tới 2018 thì MiFID có một phiên bản thứ hai quy định chủ yếu là bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, các nhà đầu tư cá nhân, họ kiểm soát rất chặt trong việc cung cấp các dịch vụ đầu tư của các bên.
Ví dụ như anh là người trung gian cung cấp sản phẩm dịch vụ, anh phải đáp ứng những điều kiện bắt buộc từ cơ quan quản lý. Khi anh phân phối sản phẩm tài chính hay sản phẩm đầu tư nào đó thì anh có mâu thuẫn lợi ích giữa người khách hàng mà anh cung cấp và bên mà anh nhận sản phẩm phân phối đó hay không? Thông tin về sản phẩm đó phải minh bạch, rõ ràng cho nhà đầu tư. Nếu nhà đầu tư hiểu lầm, nhà đầu tư sai thì đó là trách nhiệm rất lớn của bên phân phối. Các mức xử phạt bên này thì nghiêm trọng nhất là bị cấm giao dịch, bị rút giấy phép, có những án tù nhưng thường những vi phạm trong thị trường tài chính thì thường chủ yếu là phạt về hành chính với số tiền rất lớn, răn đe hơn đó là việc thu hồi giấy phép hoặc là cấm trong vòng bao nhiêu năm, hoặc là cấm vĩnh viễn. Thì những hình phạt đó đối với những nhà chuyên nghiệp đầu tư hoặc là cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp là rất nặng rồi.