MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia Cấn Văn Lực: Lãi suất vay mua nhà thấp nhất 15 năm qua

05-01-2021 - 14:15 PM | Tài chính - ngân hàng

Chuyên gia Cấn Văn Lực: Lãi suất vay mua nhà thấp nhất 15 năm qua

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, cho rằng đây là thời điểm tốt, là cơ hội để người dân vay tiền mua nhà khi lãi suất thấp nhất 15 năm qua.

Lãi suất vay mua nhà thấp nhất trong vòng 15 năm qua, đây là thời điểm cực kỳ tốt cho các hộ gia đình xuống tiền mua nhà, kể cả vay tiền để thuê hay mua. Đây là khẳng định của TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, tại tọa đàm toàn cảnh thị trường bất động sản 2011, nhận diện xung lực mới, do báo điện tử Vnexpress tổ chức ngày 5-1.

Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, ngành bất động sản 2021 dự báo tăng trưởng, 6-7,5% và bình quân 10 năm tới là 7%. Vị chuyên gia chỉ ra những xung lực mới cho thị trường bất động sản năm 2021 khi cho rằng cho rằng, những thay đổi trong pháp lý sẽ là một trong những yếu tố quyết định.

 Chuyên gia Cấn Văn Lực: Lãi suất vay mua nhà thấp nhất 15 năm qua  - Ảnh 1.

Chuyên gia Cấn văn Lực cho rằng lãi suất mua nhà đang thấp nhất 15 năm qua

"Những luật sửa đổi bổ sung như Luật Doanh nghiệp với nhiều điểm tinh giản đáng kể. Luật Chứng khoản bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm với điểm nhấn là huy động vốn từ các quỹ sẽ là động lực cho doanh nghiệp"- TS. Cấn Văn Lực phân tích.

Bên cạnh đó, yếu tố dịch chuyển chuỗi cung ứng và sản xuất đầu tư nước ngoài cũng sẽ có những tác động tích cực lên lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam. Trong bối cảnh doanh nghiệp quốc tế tìm đến những vùng đất mới an toàn và rẻ hơn đã tạo ra một cơ hội mới. "Trong số 30 doanh nghiệp Nhật Bản thông báo chuyển nhà máy ra khỏi Nhật Bản thì có 15 doanh nghiệp chọn Việt Nam. Đây là chuyện chưa từng có trước đây với nhiều doanh nghiệp thuộc top đầu ở Nhật Bản"- Vị chuyên gia cho hay.

Tiếp đà giải ngân vốn đầu tư công tốt của năm 2020, theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2021 sẽ tiếp tục ghi nhận kết quả khả quan từ giải ngân vốn đầu tư công, từ đó nhanh đóng góp chung cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế cả nước, tương đương 0,2%, lĩnh vực bất động sản cũng sẽ hưởng lợi.

Theo Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, với kinh doanh bất động sản, chuyển đổi số vô cùng tốt và nhanh, từ đó tạo ra hệ sinh thái mới với cơ hội tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn.

Tuy vậy, ông Lực cho rằng, thị trường bất động sản vẫn chứng kiến 3 rủi ro về pháp lý, dịch bệnh chưa kết thúc và đòn bẩy tài chính. "Dù nhà đầu tư Việt Nam đã quen với những vấn đề trên nhưng vẫn cần thận trọng. Bởi ở thời điểm này, thị trường như bước sang một trang mới"- TS. Cấn Văn Lực nói.

Đồng quan điểm về vấn đề rủi ro pháp lý, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường. cho rằng đây là mối quan tâm chung của cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Ông Võ cho rằng, thị trường bất động sản trong nước bị tác động bởi thể chế trước khi có dịch Covid-19.

Nói về việc Chính phủ vừa ban hành Nghị định 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2013 để khỏa lấp những khoảng trống pháp lý, nhưng ông Đặng Hùng Võ đánh giá điều đó là chưa đủ. "Nghị định 148 vẫn chưa lấp đầy khoảng trống về pháp lý bất động sản bởi chưa bao phủ hết những vấn đề của luật nhà ở, luật đất đai. Sự chồng chéo, lệch pha giữa những quy định khiến doanh nghiệp lưỡng lự"- GS.TSKH Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Muốn có động lực mới cho lĩnh vực bất động sản từ 2021 trở đi, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất việc sửa luật cần "mạnh tay" hơn. "Rủi ro pháp lý sẽ ảnh hưởng đến thị trường, làm hỏng thị trường, mà rủi ro pháp lý là mang tính chủ quan, do đó chúng ta cần sớm khắc phục khoảng trống này"- GS.TSKH Đặng Hùng Võ đề xuất.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), cũng đồng tình khi cho rằng điểm nghẽn về thể chế pháp luật là một trọng tâm cần phải giải quyết cho bất động sản Việt Nam bởi các doanh nghiệp đều mong muốn môi trường kinh doanh đạt được sự công bằng, minh bạc, thông thoáng, cạnh tranh lành mạnh.

Theo Minh Chiến

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên