MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia cảnh báo: Hàng triệu sinh vật giấu mặt ngay trong giường ngủ nhà bạn là thủ phạm gây nhiều bệnh

10-12-2020 - 21:14 PM | Sống

Chuyên gia cảnh báo: Hàng triệu sinh vật giấu mặt ngay trong giường ngủ nhà bạn là thủ phạm gây nhiều bệnh

Mạt bụi rất thích ở môi trường trong nhà đặc biệt là trên giường ngủ vì chúng ăn các mảnh vụn da chết, gầu trên tóc... và gây ra nhiều bệnh dị ứng, mề đay.

Khổ sở vì viêm mũi

Bé Nguyễn Khánh Chi – 8 tuổi, trú tại Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội được bố mẹ cho đi khám tai mũi họng. Anh Chương bố của bé cho biết hai năm nay bé thường xuyên bị viêm mũi dị ứng . Hàng ngày, bé thường hắt hơi, chảy nước mũi, có lúc thì da mẩn đỏ.

Bé C đi khám được bác sĩ kê thuốc chống dị ứng về cho uống nhưng dừng thuốc cô bé lại bị tình trạng chảy nước mũi, hắt hơi.

Khi khám cho Chi, bác sĩ đã loại trừ hết tác nhân gây dị ứng như lông động vật, hen phế quản. Làm xét nghiệm tìm kháng nguyên cũng không tìm ra nguyên nhân khiến bé bị viêm mũi dị ứng như vậy.

Bác sĩ nghi ngờ tác nhân có thể chính là mạt bụi trong phòng ngủ của cháu bé nên khuyên cha mẹ của bé Chi về nhà vệ sinh phòng ngủ, chăn màn, đệm, rèm cửa, đặc biệt là đệm. Lúc này, bố mẹ cô bé mới kể về điều kiện gia đình sinh hoạt không được tốt. Cả nhà 4 người sống ở căn phòng trọ 16 mét vuông.

Chuyên gia cảnh báo: Hàng triệu sinh vật giấu mặt ngay trong giường ngủ nhà bạn là thủ phạm gây nhiều bệnh - Ảnh 1.

Viêm mũi dị ứng do mạt bụi

Từ ngày mẹ có em bé, Chi được đưa lên ngủ trên gác xép trong căn nhà. Gác xép kê mảnh đệm kèm theo rất nhiều đồ dùng, quần áo trái mùa của gia đình. Có thể chính những mạt bụi trong căn phòng đã gây nên viêm mũi dị ứng cho bé Chi.

Tác nhân gây nhiều bệnh

PGS Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt - cho biết mạt bụi nhà, một loại vi sinh vật trong nhà, là nguyên nhân chính gây viêm mũi, viêm da dị ứng và viêm đường hô hấp quanh năm. Phần lớn các trường hợp bị dị ứng da như nổi mẫn đỏ, sưng tấy, ngứa ngáy…

PGS An - cho biết mạt bụi nhà là một loài động vật lớp nhện, kích thước siêu nhỏ, khoảng 0,3 mm. Chúng thường sống ở các loại vải sợi như chăn, ga, gối, đệm, thảm trải nhà, rèm nhà, đồ chơi trẻ em…

Đặc biệt là ga đệm ngủ có thể chứa đến hàng triệu con mạt bụi nhà. Đây là môi trường lý tưởng sống của chúng vì chúng ăn các loại chất hữu cơ, tế bào da chết, gầu trên tóc của người tiết ra.

Điều kiện sinh trưởng của mạt bụi nhà là trong môi trường 25-30 độ C và độ ẩm khoảng 75% – 85% . Vì vậy nhà, phòng ngủ là nơi chúng sinh sản quanh năm. Mạt bụi để lại phân và xác chết, đó là những hạt bụi siêu nhỏ bay lơ lửng trong không khí. Khi người hít phải sẽ bị gây kích thích dị ứng hoặc thậm chí là hen suyễn.

Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã từng kết hợp Vương quốc Bỉ hợp tác thực hiện dự án "Đánh giá nguy cơ và dự phòng những bệnh lý mạn tính đường hô hấp tại khu vực phía Nam Việt Nam" trong đó chỉ ra 100 người bị dị ứng thì có 22 trường hợp là do mạt bụi nhà gây ra. Nguy cơ dị ứng với con mạt bụi nhà xảy ra ở thành thị cao hơn nông thôn.

Chuyên gia cảnh báo: Hàng triệu sinh vật giấu mặt ngay trong giường ngủ nhà bạn là thủ phạm gây nhiều bệnh - Ảnh 2.

PGS Nguyễn Thị Hoài An khám cho bệnh nhi

Triệu chứng dị ứng mạt bụi nhà có thể nhẹ như gây chảy nước mắt nước mũi, hắt hơi, nổi mẩn ngứa, đỏ mắt. PGS An cho biết mạt bụi nguy hiểm với người có bệnh hô hấp mạn tính như viêm mũi dị ứng, hen suyễn. Đặc biệt nó có thể gây kích phát cơn hen suyễn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Không chỉ gây viêm mũi dị ứng, gây hen phể khoản, mạt bụi còn gây dị ứng ở mắt: ngứa mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt, châm chích trong mắt. Bệnh chàm (eczema), mụn nước, ban đỏ mẩn ngứa… ở má, cùi chỏ, khuỷu tay, nếp gấp, gây ngứa ngáy nổi mề đay do bị mạt cắn, có thể bị bội nhiễm do gãi.

Với những người bị viêm mũi, dị ứng liên miên không khỏi, PGS An khuyến cáo có thể phòng tác nhân mạt bụi. Bình thường mạt bụi rất khó tiêu diệt. Cách hạn chế mạt bụi chính là tạo môi trường trong nhà sạch sẽ cắt đường sống của chúng. Quần áo, chăn ga thường xuyên vệ sinh và có thẻ giặt bằng nước nóng và sấy quần áo ở nhiệt độ cao (khoảng 55 độ C trở lên).

Nhà cửa cần thông thoáng, đón ánh nắng mặt trời, mỗi tuần phơi nệm một lần ra trời nắng to. Phòng ngủ nên thiết kế thoáng khí, trong trường hợp cần thiết có thể gắn thêm quạt gió thông khí cho căn phòng. Đồ đạc trong phòng ngủ gọn hàng không nên để quá nhiều khi không cần thiết vì chúng dễ bám bụi.

Theo N.Anh

Pháp luật và Bạn đọc

Trở lên trên