Chuyên gia cảnh báo: Mỹ và EU áp thuế ‘nặng’ nhưng không thể ‘cai nghiện’ hàng hoá Trung Quốc, nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới liên tục tăng cao
Một tổ chức nghiên cứu của Đức cho biết yếu tố Trung Quốc có mặt ở mọi "ngóc ngách" trong chuỗi cung ứng nên Mỹ và EU khó có thể giảm sự phụ thuộc.
Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (Merics), một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận, cho biết trong một phân tích mới công bố, hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc của EU và Mỹ có thể thấy rõ ràng nhất là đối với máy móc và thiết bị điện tử. Trong khi đó, hàng dệt may và đồ nội thất được miêu tả là “phụ thuộc một cách đáng kể” vào Trung Quốc. Báo cáo của tổ chức này phân tích các số liệu từ năm 2000 đến nay.
Kết luận của tổ chức này được công bố sau khi Mỹ tăng thuế đối với xe điện, pin xe điện, pin mặt trời và thép do Trung Quốc sản xuất. Đây là diễn biến mới nhất trong mâu thuẫn thương mại kéo dài suốt 6 năm, sau khi cựu Tổng thống Donald Trump áp thuế nhập khẩu đối với hàng hoá trị giá 550 tỷ USD của Trung Quốc.
EU cũng tăng cường thực hiện các cuộc điều tra chống trợ cấp và tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng liên quan đến ngành xe điện.
Theo nhóm nghiên cứu, Mỹ “phụ thuộc rất nhiều” vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc ở 532 trong số khoảng 5.000 danh mục sản phẩm vào năm 2022, gần gấp 4 lần con số ghi nhận vào năm 2000. Trong khi đó, con số của EU là 421, cao hơn khoảng 3 lần so với năm 2004.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại ít phụ thuộc hơn vào hàng hoá châu Âu và Mỹ trong 24 năm qua. Cụ thể, quốc gia này đã cắt giảm số lượng sản phẩm nhập khẩu nhiều từ Mỹ từ 116 xuống còn 57 và EU là từ 235 xuống 120 sản phẩm. Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào hàng hoá của EU và Mỹ đã giảm dần từ năm 2004. Đây là thời điểm mà hàng hoá EU và Mỹ chiếm tổng cộng hơn 1 nửa số lượng hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Tổ chức nghiên cứu Merics cho biết, nền kinh tế lớn thứ 2 hiện nhập khẩu nhiều vào các mặt hàng như quặng sắt và đậu tương từ các nơi khác trên thế giới.
François Chimits, nhà kinh tế cấp cao của viện, cho biết rằng nhu cầu của Trung Quốc giảm đối với các hàng hoá thuộc nhóm “công nghệ cao” từ các nền kinh tế phát triển đã tạo ra tình trạng mất cân bằng lớn khi so sánh mức độ phụ thuộc.
Tuy nhiên, tổ chức này nhận định thuế quan của Mỹ “rất có thể là không hiệu quả” và cho rằng EU nên đánh giá rủi ro khi phụ thuộc vào hàng hoá Trung Quốc. Quốc gia này là nguồn nhập khẩu lớn nhất của khối 27 thành viên vào năm 2023 và nguồn nhập khẩu lớn thứ 2 với Mỹ sau Mexico.
Trong một báo cáo khác được công bố trong tuần này, một nhà phân tích công nghệ của Mỹ đã đặt ra nghi vấn về hiệu quả của các nỗ lực tách rời với chuỗi cung ứng Mỹ - Trung Quốc.
Richard Barnett, giám đốc tiếp thị tại nền tảng thương mại Supplyframe, cho biết các thiết bị sản xuất chip trước đây của Mỹ sang Trung Quốc hỗ trợ sản xuất các loại chất bán dẫn cũ hơn. Những chip này thường được sử dụng cho các ứng dụng ít chức năng hơn. Tuy nhiên, các loại ô tô hiện đại thường “không có sản phẩm thay thế ngay, nghĩa là khó có thể thay thế”.
Do đó, giới chức Mỹ đã ban hành lệnh cấm chuyển giao công nghệ hiện đại sang Trung Quốc trong nửa thập kỷ qua, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn và hạn chế hoạt động của các công ty công nghệ Trung Quốc tại Mỹ vì lý do an ninh quốc gia.
Sản lượng chip của Trung Quốc đã tăng mạnh 40% so với cùng kỳ năm ngoái lên 98,1 tỷ mạch tích hợp trong quý I/2024. Đây là dấu hiệu cho thấy nước này đang đẩy mạnh sản xuất các loại chip “trưởng thành” cấp thấp hơn, trong khi Mỹ hạn chế xuất khẩu các loại chip mới hơn.
Theo Jayant Menon, thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, Trung Quốc có mặt chuỗi cung ứng của toàn bộ các ngành công nghiệp chính. Ông cho biết: “Các nước có thể loại bỏ Trung Quốc một cách hời hợt, nhưng mỗi thành phần của chuỗi sản xuất ô tô, điện tử và máy móc đều có chuỗi cung ứng riêng và Trung Quốc là một phần trong đó.”
Tham khảo SCMP
Nhịp sống thị trường