Chuyên gia chỉ ra 4 điểm lưu ý đặc biệt cho nhà đầu tư khi đổ tiền vào Vân Đồn
Tọa đàm Tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng ở khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu Covid-19 vừa được Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.
Bất động sản nghỉ dưỡng đang phục hồi mạnh mẽ
Phát biểu tại hội nghị, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết Thương mại - dịch vụ là một xu hướng lớn của thế giới, đồng thời cũng là xu hướng phát triển trong dài hạn của Việt Nam.
"Có thể nói, đó mới là khu vực kinh tế động lực dài hạn của Việt Nam, chứ không phải là công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong khu vực thương mại - dịch vụ, du lịch là ngành có tỷ trọng GDP cao nhất, cũng là ngành quan trọng nhất, có giá trị lan tỏa rất lớn", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Theo ông Nghĩa có 3 lý do thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam sẽ sớm phục hồi.
Thứ nhất, thế mạnh lớn nhất và còn nhiều dư địa khai thác nhất của Việt Nam hiện nay chính là du lịch, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá - trải nghiệm và du lịch văn hóa – di sản – tâm linh. Trong đó, du lịch nghỉ dưỡng ven biển có triển vọng phát triển rất tốt. Du lịch, nghỉ dưỡng trong tương lai có triển vọng rất lớn. Có nhiều tỷ phú nước ngoài đã nói với chúng tôi, lợi thế lớn nhất của Việt Nam là mặt tiền Biển Đông. Khai thác hiệu quả mặt tiền Biển Đông quan trọng nhất vẫn là du lịch, nghỉ dưỡng.
Thứ hai, Việt Nam đang nổi lên trở thành điểm đến không chỉ hấp dẫn, mà còn an toàn nhất thế giới. Tạp chí hàng đầu của Mỹ, The Nation có bài viết "Việt Nam có lẽ là quốc gia ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 hiệu quả nhất thế giới", đã ghi nhận Việt Nam như một quốc gia an toàn nhất trong và sau mùa dịch bệnh Covid-19.
Thứ ba, Việt Nam có những khu du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Chính sự bùng phát và xu hướng đầu tư, phát triển các tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, đa chức năng, hội tụ, như danh thắng của Đà Nẵng, Phú Quốc, Quảng Ninh... đã đón đầu được xu hướng mới, hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của khách quốc tế đến Việt Nam. Và sau dịch, các tổ chức quốc tế dự báo, khách quốc tế sẽ bùng nổ ở thị trường du lịch Việt Nam, cộng thêm xu hướng nhiều nhà máy dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, lượng khách du lịch cũng sẽ tăng theo.
Thứ tư, trong bối cảnh dịch Covid-19 tại Việt Nam cơ bản được kiểm soát nhưng du lịch quốc tế vẫn đình trệ do dịch vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới. Việc kích cầu du lịch nội địa là yếu tố quan trọng nhằm vực dậy một ngành kinh tế mũi nhọn, mà trong 4 năm gần đây đã tạo ra hàng triệu việc làm mới. Theo khảo sát, hiện nay đang nổi lên xu hướng du lịch đường bộ với cự ly gần sẽ phát triển sau dịch bệnh, du khách không muốn di chuyển xa bằng đường hàng không để tránh nguy cơ lây nhiễm. Đơn cử như Vân Đồn có lợi thế về điểm này vì dễ dàng di chuyển, chỉ mất 2,5 tiếng từ Hà Nội tới Vân Đồn (khái niệm travel Bubble: Du lịch an toàn).
Thứ năm, triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam nhìn chung ổn định. Ngay trong đại dịch Covid-19, không có khả năng tạo ra những bất ổn về kinh tế vĩ mô. Điều đó cho thấy, tỷ giá hối đoái sẽ ổn định và cho phép các nhà đầu tư yêu tâm đầu tư vào các khu du lịch, nghỉ dưỡng, đặc biệt là Vân Đồn, Phú Quốc trong dài hạn.
"Tóm lại, phải khẳng định rằng, trong trung và dài hạn, du lịch sẽ là ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, là ngành có tỷ trọng GDP cao nhất trong khu vực dịch vụ, cũng là ngành quan trọng nhất, có giá trị lan tỏa rất lớn. Du lịch hiện chiếm xấp xỉ 10% GDP, nếu tính đầy đủ sẽ cao hơn", ông Nghĩa nói.
Vân Đồn là điểm sáng nhất của bất động sản nghỉ dưỡng phía Bắc
Cũng theo ông Nghĩa, trong tương lai, khoảng 5 – 10 năm tới, ngành du lịch sẽ có tốc độ tăng trưởng khá ổn định, trở thành ngành mũi nhọn của nền kinh tế. Triển vọng tốc độ tăng trưởng du lịch nghỉ dưỡng hằng năm khoảng 12 – 14%, trong trung và dài hạn. Dự kiến đến năm 2025, doanh thu du lịch tính thuần vào khoảng 45 tỷ USD.
Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại các khu kinh tế đặc biệt trong tương lai như Vân Đồn chắc chắn sẽ có nhiều tiềm năng phát triển và tăng giá, dựa trên những cơ sở như sau: Thứ nhất, sự phát triển nhanh và bền vững của Quảng Ninh thời gian qua đã tạo thành "một chiếc bánh" lớn, khi "chiếc bánh" lớn thì tốt cho tất cả các khu vực và nhà đầu tư.
Có thể thấy, Quảng Ninh như một quốc gia thu nhỏ, có đủ thứ: Đồng bằng, miền núi, có biên giới đất liền và hải đảo kèm theo là các cửa khẩu thúc đẩy dòng chảy thương mại, theo đó là dòng chảy của tiền, của nguồn nhân lực, của công nghệ; có tài nguyên thiên nhiên, có di sản thiên nhiên thế giới; Bộ máy chính quyền Quảng Ninh có truyền thống năng động và đồng hành cùng doanh nghiệp. Với vị trí chiến lược của mình, Quảng Ninh sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Đặt trong bối cảnh đó, Vân Đồn chắc chắn sẽ là địa chỉ quan trọng được hưởng lợi trong sự phát triển của Quảng Ninh và cũng là mắt xích đặc biệt quan trọng giúp Quảng Ninh phát triển.
Thứ hai, Vân Đồn đang trỗi dậy, là nơi hội tụ của những nhà đầu tư chiến lược. Chúng ta hoàn toàn có niềm tin và kỳ vọng vào sự trỗi dậy của Vân Đồn tương tự như Singapore.
Từ năm 2007, Khu Kinh tế Vân Đồn, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định thành lập là Khu kinh tế ven biển. Khi quyết định thành lập Khu kinh tế ven biển Vân Đồn, Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm phát triển Vân Đồn, trở thành trung tâm du lịch sinh thái biển - đảo chất lượng cao, trung tâm hàng không quốc tế, trung tâm dịch vụ cao cấp và là đầu mối giao thương quốc tế.
Nhìn thấy tiềm năng và cơ hội của Vân Đồn, hầu hết các nhà phát triển bất động sản lớn trên cả nước như: Vingroup, CEO Group, Sun Group, FLC, HD Mon... đã dần xuất hiện ở thị trường này. Nhiều dự án được rót vốn hàng chục nghìn tỷ đồng, hứa hẹn làm "thay da, đổi thịt" thị trường bất động sản Vân Đồn trong tương lai gần.
Dự án Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City (xã Hạ Long) của Tập đoàn CEO, chủ đầu tư đã bỏ ra khoảng 2.000 tỷ đồng để thực hiện công tác san nền, đầu tư xây dựng các hạng mục. Dự kiến khi hoàn tất thủ tục đầu tư, Tập đoàn CEO tiếp tục triển khai đầu tư khách sạn 1.000 phòng, với tiêu chuẩn quốc tế 5 sao ở khu vực liền kề, tạo nên sự kết nối đồng bộ, với đầy đủ các dịch vụ tiện nghi đẳng cấp quốc tế, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của khách nội địa và quốc tế.
Thứ ba, Vân Đồn chính thức được quy hoạch dài hạn thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino… sẽ tạo động lực cho sự phát triển của khu kinh tế nói riêng và bất động sản nghỉ dưỡng nói chung.
Vân Đồn được quy hoạch thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cấp cao, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại chất lượng cao, có thương hiệu và cạnh tranh quốc tế. Vân Đồn được xác định là đô thị biển đảo xanh, hiện đại và thông minh, bền vững và là khu vực có vị trí bền vững về an ninh quốc phòng.
Có thể nói, với việc Chính phủ chính thức phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040 là một tin vui đối với tỉnh Quảng Ninh nói chung và huyện Vân Đồn nói riêng. Khi quy hoạch chung được điều chỉnh, Khu kinh tế Vân Đồn đã được cụ thể hóa các chức năng, nhiệm vụ; cấu trúc không gian phát triển và định hướng rõ các bước phát triển. Đây là cơ hội rất tốt để đón sóng đầu tư và phát triển thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Vân Đồn.
Thứ tư, Vân Đồn hội tụ nhiều đặc điểm mang tính cơ sở nền tảng để phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Trước hết, Vân Đồn dễ dàng kết hợp du lịch nghỉ dưỡng với du lịch sinh thái và du lịch thưởng thức di sản, văn hóa. Gần với Vân Đồn có rất nhiều di sản văn hóa lớn, như Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long…; khu vui chơi giải trí ở Hạ Long…; Vân Đồn có diện tích sử dụng đất du lịch lớn, có thể phát triển cả về sân golf, du thuyền, khách sạn cao cấp, biệt thự nghỉ dưỡng.
Thứ năm, Vân Đồn mang dáng dấp của một đô thị biển sinh thái năng động, xanh, thông minh và nhân văn. Chính sự cởi mở về cơ chế, chính sách tạo ra sự tự do, độ mở cho phát triển kinh tế. Những động thái thí điểm phát triển khu kinh tế ban đêm, hay sự điều chỉnh cấp quản lý… cùng với môi trường sống an ninh, an toàn hơn so với những khu khác là yếu tố kích thích sự phát triển của du lịch, nghỉ dưỡng. Đặc biệt, chuẩn mực quản trị của các thương hiệu lớn đầu tư vào Vân Đồn như CEO group, Sun Group tiệm cận hoặc bằng thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thu hút nhiều khách quốc tế hoặc khách trung và thượng lưu trong nước.
4 lưu ý cho nhà đầu tư mua bất động sản Vân Đồn
Mặc dù Vân Đồn rất tiềm năng nhưng ông Nghĩa cũng nêu ra một số lưu ý khi đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng tại khu kinh tế đặc biệt Vân Đồn trong tương lai.
Một là, quyết định đầu tư cần bám sát quy hoạch tổng thể của Vân Đồn, trong nỗ lực tạo ra một khu vực tiện ích thông minh, an toàn và bảo vệ môi trường lâu dài, mới tạo ra cầu sử dụng lớn như: Dịch vụ hành chính, dịch vụ đô thị, dịch vụ du lịch, hạ tầng cứng – mềm, xử lý vấn đề môi trường…
Hai là, nên đầu tư vào những tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng hiện đại, quy mô lớn, dựa trên nền tảng du lịch và trải nghiệm các yếu tố: Dịch vụ nghỉ dưỡng; dịch vụ văn hóa vùng miền; dịch vụ ẩm thực vùng miền; dịch vụ thể thao, giải trí; dịch vụ vụ kết nối di sản;...
Ba là, tính thanh khoản và cơ hội sinh lời của bất động sản nghỉ dưỡng tại Vân Đồn là rất lớn, tuy nhiên, đó phải là sản phẩm của các chủ đầu tư uy tín, có kinh nghiệm phát triển bất động sản nghỉ dưỡng, đó thường là các sản phẩm trong những tổ hợp mới lạ, quy mô lớn, có nhiều tiện ích, trải nghiệm, tính kết nối và cộng đồng tốt. Thường tiềm năng đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng tại những khu vực như Vân Đồn mang tính dài hạn, và trong trung và dài hạn, chắc chắn thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nơi đây sẽ rất phát triển.
Mặt khác, thách thức phát triển kinh tế ban đêm vẫn còn tồn tại, đó là: Nhận thức về kinh tế ban đêm còn nhiều sai lệch, phiến diện; Còn thiếu kinh nghiệm quản lý, kể cả tại các thành phố lớn; Hài hoà giữa việc đáp ứng nhu cầu chính đáng và hạn chế tiêu cực rủi ro; Ảnh hưởng đến những người không tham gia kinh tế ban đêm do khâu quy hoạch, quản lý; Còn thiếu các hoạt động văn hoá gắn với du lịch như festival, âm nhạc, nghệ thuật… Sự tham gia của doanh nghiệp trong nước trong kinh tế ban đêm còn hạn chế (chủ yếu là doanh nghiệp FDI).
"Với kinh nghiệm quốc tế, chúng ta có thể học hỏi tại một số quốc gia, ví như Bắc Kinh có nhiều chính sách đột phá về kinh tế ban đêm như: Khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi mở cửa muộn hơn vào ban đêm; Trợ cấp bằng tiền mặt cho các hộ kinh doanh từ 20 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau; Các dịch vụ giao thông công cộng được tăng tuyến, tăng thời gian phục vụ trong đêm", ông Nghĩa nhấn mạnh.