MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia chỉ ra 5 thách thức với việc kiểm soát lạm phát của Việt Nam, cảnh báo tình trạng "bong bóng" bất động sản

Chuyên gia chỉ ra 5 thách thức với việc kiểm soát lạm phát của Việt Nam, cảnh báo tình trạng "bong bóng" bất động sản

Năm 2022, Việt Nam đặt kế hoạch lạm phát kỳ vọng ở mức 4%. Đây là chỉ tiêu mà Quốc hội đã thống nhất với quyết tâm rất cao. Tuy nhiên, với nhiều điều kiện trong nước và quốc tế hiện tại, đây có thể sẽ là một mục tiêu vô cùng thách thức.

TS. Nguyễn Hoàng Nam
TS. Nguyễn Hoàng Nam
Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng, Trường ĐH Đại Nam
10 bài viết

Đó là nhận định của TS. Nguyễn Hoàng Nam (Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng trường Đại học Đại Nam) về tình hình lạm phát của Việt Nam trong năm nay. Từ đó, vị chuyên gia đã đưa ra một số khuyến nghị về những nơi trú ẩn tài sản thích hợp cho các nhà đầu tư trên thị trường tài chính.

Lạm phát sẽ khó mà dừng chân ở con số kỳ vọng

Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát trong 2 tháng đầu năm của Việt Nam là 1,68%, trong khi đó kế hoạch lạm phát của Việt Nam chúng ta trong năm nay tối đa là 4%. Chính vì vậy, dư địa lạm phát của Việt Nam hiện chỉ còn 2,32%.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Hoàng Nam cho biết, nếu xét trên nhiều yếu tố thực tế, trong 10 tháng còn lại của năm 2022, Việt Nam sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn trong việc kiểm soát chỉ số này.

Thứ nhất, một số thành tố tác động lên tổng cầu đang có xu hướng tăng mạnh. Ngay từ đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về chương trình phục hồi kinh tế xã hội với gói kích thích kinh tế, trị giá 350.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch giải ngân, gần 114.000 tỷ đồng (khoảng 1/3 gói kích thích) sẽ được sử dụng để phát triển kết cấu hạ tầng.

"Cho nên, dòng tiền từ những hoạt động này sẽ được bơm thẳng vào nền kinh tế", TS. Nguyễn Hoàng Nam cho hay.

Bên cạnh đó, do ngành du lịch đã hoạt động trở lại, nên tiêu dùng hộ gia đình năm nay sẽ tăng đáng kể so với năm ngoái khi các gia đình đưa con tham gia các hoạt động hè (tháng 6); chuẩn bị cho năm học mới (tháng 9); và mua sắm cuối năm theo thói quen tiêu dùng người Việt (tháng 12).

Thứ hai, căng thẳng giữa Nga - Ukraine đã khiến cho giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng mạnh. Theo quan điểm của vị chuyên gia, mặc dù giá dầu tăng "dựng đứng" trong thời gian gần đây, nhưng chắc chắn giá nguyên liệu này sẽ giảm trong thời gian tới. Lý do bởi giá dầu được quyết định bởi tổ chức OPEC.

"Hiện nay, OPEC có 13 quốc gia thành viên, nhiều thành viên trong số đó là đồng minh của Mỹ. Mỹ đã lường trước về vấn đề nguồn cung nên hiện tượng tăng dựng đứng giá dầu chỉ là tạm thời", ông Nam phân tích.

Thứ ba, Việt Nam đang có rất nhiều ngành nghề sản xuất cần nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc. Trong khi đó, nước này vẫn đang theo đuổi chính sách "Zero Covid" nên đã xảy ra hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng quốc tế, khiến giá nhập khẩu của Việt Nam tăng đáng kể. Nguyên liệu đầu vào cao sẽ đẩy giá bán tăng cao, từ đó làm tăng lạm phát.

Thứ tư, ở một số ngành nghề thâm dụng lao động như dệt may và da giày, mức lương đang tăng lên do các doanh nghiệp lớn sản xuất tập trung đang phải cạnh tranh để thu hút yếu tố đầu vào này.

Cuối cùng, lạm phát kỳ vọng của cả khu vực dân cư lẫn doanh nghiệp đều tăng lên rõ rệt sau 2 tháng đầu năm.

"Tóm lại, từ giờ đến cuối năm kinh tế Việt Nam sẽ xuất hiện nhiều loại lạm phát như: lạm phát cầu kéo, lạm phát chi phí đẩy, lạm phát nhập khẩu, lạm phát kỳ vọng. Tất cả các loại lạm phát trên sẽ cùng chia nhau dư địa 2,32% trong 10 tháng, điều này là vô cùng khó xảy ra", Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng trường Đại học Đại Nam nhận định.

Có thể xảy ra tình trạng bong bóng bất động sản trong năm nay

TS. Nguyễn Hoàng Nam chia sẻ, lạm phát tăng cao thường được coi là tín hiệu tiêu cực cho thị trường chứng khoán. Điều này khiến cho các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán ở thời điểm hiện tại sẽ rơi vào thế khó. Ông Nam dự báo, phải đến hết quý 2, thị trường mới hình thành xu hướng và tầng giá.

Bên cạnh đó, hành động của các nhà đầu cơ và những quyết định mua bán dựa trên cảm xúc của quá nhiều nhà đầu tư F0 đã khiến cho thị trường chứng khoán và thị trường vàng "chao đảo" trong gần chục ngày vừa qua.

"Điều này phần nào cho thấy tâm lý khá hoảng loạn của nhà đầu tư. Theo xu hướng này, dòng tiền sẽ lại chảy sang thị trường bất động sản, và thị trường có khả năng xuất hiện hiện tượng bong bóng ở một phân khúc nào đó", ông Nam cho biết.

Cụ thể, trong thời gian gần đây, dòng tiền từ trái phiếu doanh nghiệp, một phần từ tín dụng ngân hàng, phần nữa từ dòng tiền tự do đang chảy liên tục vào thị trường này. Không những thế, thị trường bất động sản hiện còn tồn tại khá nhiều vấn đề bất cập như thông tin không hoàn hảo, giao dịch tránh thuế, thậm chí rửa tiền.

"Vậy nên, nếu các nhà đầu tư thực sự muốn trú ẩn tài sản thì đồng đô la Úc (AUD) là 1 lựa chọn khôn ngoan vào thời điểm này", vị chuyên gia khuyến nghị.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khả năng sẽ điều hành tăng lãi suất huy động và nới tỷ giá trung tâm

Theo TS. Nguyễn Hoàng Nam, trong tình hình lạm phát có xu hướng tăng như hiện tại, Ngân hàng Nhà nước rất có khả năng sẽ điều hành các ngân hàng thương mại theo hướng tăng lãi suất huy động một cách thận trọng.

Theo đó, việc tăng lãi suất huy động sẽ được thực hiện theo lộ trình, dựa trên mức độ nhạy cảm của chính sách, và xem xét hiệu ứng ròng cùng với chính sách tài khóa nhằm đảm bảo vừa trợ giúp tăng trưởng kinh tế, vừa góp phần kiểm soát lạm phát.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ nới tỷ giá trung tâm làm giảm phần nào tác động tiêu cực của lạm phát nhập khẩu. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân của TS. Nguyễn Hoàng Nam, hiệu ứng của những động thái này sẽ không cao, vì chưa có bằng chứng thực nghiệm của lạm phát tiền tệ ở Việt Nam.

https://cafef.vn/chuyen-gia-chi-ra-5-rui-ro-lam-phat-cua-viet-nam-canh-bao-tinh-trang-bong-bong-bat-dong-san-20220317052550055.chn

TS. Nguyễn Hoàng Nam - Hường Hoàng (ghi)

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên