MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia chỉ ra nguyên nhân khiến doanh nghiệp tư nhân Việt Nam luôn thiếu vốn

Chuyên gia chỉ ra nguyên nhân khiến doanh nghiệp tư nhân Việt Nam luôn thiếu vốn

Mới đây, tại Hà Nội, Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam (VPBA) đã tổ chức Diễn đàn Kinh tế Tư nhân lần thứ II với chủ đề “Để Kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế”.

Phát biểu khai mạc, PGS. TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam cho biết, sau hơn 30 năm đổi mới, nhất là những năm gần đây, sau Nghị quyết 10/NQ-TW của Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đến nay, những dữ liệu, số liệu thống kê đều cho thấy kinh tế tư nhân đã có bước chuyển mình mang tính lịch sử, hết sức lớn lao, mạnh mẽ; đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội…

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV; Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia, trong giai đoạn 2016-2021, kinh tế tư nhân khoảng chiếm gần 46% GDP. Về số lượng, khu vực kinh tế tư nhân chiếm khoảng 98% tổng số trên 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động; chiếm khoảng 85% tổng số lao động cả nước, tính cả thành phần kinh tế cá thể.

Về mức độ đóng góp vào ngân sách Nhà nước (NSNN), TS. Cấn Văn Lực cho hay, nếu trong năm 2016, khu vực kinh tế tư nhân chỉ đóng góp 13,88% tổng thu NSNN, thấp hơn đóng góp của khu vực FDI, thì từ 2017 đến nay, thu NSNN từ khu vực kinh tế tư nhân tăng khá nhanh và đến năm 2021 đóng góp 18,5% tổng thu ngân sách, trong khi đóng góp của khu vực doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giảm mạnh (một phần là do cổ phần hóa và thoái vốn, lượng DNNN và mức độ sở hữu Nhà nước giảm tương ứng) và thu từ doanh nghiệp FDI giảm nhẹ.

Không chỉ vậy, đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng đều từ tỷ trọng 51,3% năm 2016 lên đến 59,5% năm 2021. Trong hoạt động thương mại quốc tế, khu vực kinh tế tư nhân hiện chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu, gấp gần 7 lần về nhập khẩu và 10 lần về xuất khẩu so với khu vực doanh nghiệp Nhà nước (không kể dầu thô).

Tuy nhiên, vị chuyên gia nhận định, mặc dù khu vực kinh tế tư nhân đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, nhưng đối chiếu với Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 và thực tiễn thì vẫn còn một số hạn chế lớn. 

Thứ nhất, mặc dù khu vực kinh tế tư nhân đóng góp tỷ trọng lớn vào GDP (khoảng 46,4%), song tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây, và chưa đạt mục tiêu 50% đến năm 2020 theo Nghị quyết 10-NQ/TW. 

Nguyên nhân chính là do môi trường kinh doanh biến động nhiều, kém thuận lợi trong 3 năm qua (nhất là dịch Covid-19, xung đột địa chính trị tại Ukraina…) cũng như bản thân sức chống chịu của DN còn yếu. Thể chế, chính sách và thực hành của các bộ phận thi hành công vụ vẫn có sự phân biệt, thiếu công bằng, bình đẳng giữa DN trong nước và nước ngoài, giữa DNNN và tư nhân…v.v.

Thứ hai, kinh tế tư nhân chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, đa số vẫn là kinh tế hộ kinh doanh (chiếm 94%) với trình độ công nghệ, quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh còn thấp; cơ cấu ngành nghề còn bất hợp lý, thiếu liên kết với nhau và với các thành phần kinh tế khác. Nguyên nhân một phần là do xuất phát điểm thấp, phần khác là do tích lũy tư bản, sản xuất còn chưa được chú trọng và văn hóa, thói quen kinh doanh, buôn bán nhỏ.

Thứ ba, năng lực hội nhập và cạnh tranh kinh tế quốc tế còn hạn chế, mức độ tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu ở mức thấp (vẫn chủ yếu là gia công, nhập khẩu để sản xuất, gia công rồi xuất khẩu – liên kết ngược). Hiện chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia một số chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài. Sức chống chịu của doanh nghiệp còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp tư nhân ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và các cú sốc từ bên ngoài. Còn ít doanh nghiệp Việt Nam có thương hiệu toàn cầu, chưa có nhiều sản phẩm, hàng hóa có sức cạnh tranh cao trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Thứ tư, tình trạng vi phạm pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh trong kinh tế tư nhân chưa giảm. Thứ năm, khu vực kinh tế tư nhân, nhất là doanh nghiệp tư nhân luôn thiếu vốn. TS. Cấn Văn Lực lý giải, nguyên nhân một phần là do doanh nghiệp Việt Nam còn chưa đa dạng hóa nguồn vốn (phụ thuộc nhiều vào vốn ngân hàng). 

"Phần khác là chưa quan tâm thích đáng đến quản lý tài chính, huy động vốn từ thị trường vốn chưa bài bản, thiếu minh bạch, sử dụng vốn còn sai mục đích, đầu tư dàn trải, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, thiếu tài sản đảm bảo, phương án kinh doanh khả thi…, thậm chí còn vi phạm nghiêm trọng về công bố thông tin, thao túng giá chứng khoán, phát hành TPDN như vừa qua", TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Thứ sáu, khu vực kinh tế tư nhân nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng chưa thực sự chú trọng đầu tư công nghệ, R&D hay ứng dụng công nghệ thông tin.

Chuyên gia chỉ ra nguyên nhân khiến doanh nghiệp tư nhân Việt Nam luôn thiếu vốn - Ảnh 1.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV; Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia phát biểu tại diễn đàn

Để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế

Trước những hạn chế kể trên, để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân tiếp tục giữ vai trò là một động lực quan trọng trong nền kinh tế, vị chuyên gia kiến nghị cần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững, bao trùm; chú trọng kiến tạo để các thị trường phát triển hài hòa, thông suốt, lành mạnh và bền vững. Đồng thời, hoàn thiện thể chế, cải thiện thực chất, mạnh mẽ môi trường đầu tư – kinh doanh, có cơ chế, chính sách và cách làm phù hợp để “khuyến khích” hộ kinh doanh nâng cấp thành doanh nghiệp siêu nhỏ.

Bên cạnh đó, xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chí về đạo đức kinh doanh, về doanh nhân tiêu biểu, phát triển bền vững nhằm tìm kiếm và bình chọn được những cá nhân, doanh nghiệp điển hình có thành tựu nổi trội trong sự nghiệp tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội. 

Đối với doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp, ông Lực cho rằng, doanh nghiệp cần nhận thức đúng, đầy đủ, sâu sắc về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nhân, doanh nghiệp mình trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần có chính sách rõ ràng, nhất quán để hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc xây dựng và phát triển văn hoá trong doanh nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin tại doanh nghiệp.

Chú trọng nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị kinh doanh và quản trị rủi ro, trong bối cảnh môi trường kinh doanh nhiều biến động. Chủ động hợp tác, liên kết, tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và khu vực.

Cuối cùng, luôn tích cực tham gia cùng Đảng và Nhà nước, Bộ, ngành, địa phương trong kiến tạo và phát triển môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, công bằng thông qua đóng góp các ý kiến, phản biện chính sách để góp phần hoàn thiện và thực thi thể chế.

Giang Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên