MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia chỉ ra những sai lầm khi bảo quản bàn chải: Có người cả năm không thay

06-04-2022 - 12:53 PM | Sống

Chuyên gia chỉ ra những sai lầm khi bảo quản bàn chải: Có người cả năm không thay

Những sai lầm trong cách bảo quản bàn chải sẽ ảnh hưởng phần nào tới vệ sinh cũng như sức khỏe răng miệng của bạn.

Bàn chải đánh răng là một vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người, từ người già cho đến trẻ nhỏ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách bảo quản đúng cách.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, những sai lầm trong cách bảo quản sẽ làm bàn chải của bạn nhanh hỏng hơn, hoặc gây mất vệ sinh, từ đó tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng xấu tới sức khỏe răng miệng.

Dưới đây là một số sai lầm cơ bản trong cách bảo quản bàn chải thường gặp ở nhiều gia đình đã được chuyên gia chỉ ra. Cùng điểm xem gia đình bạn có mắc phải điều nào không nhé.

Để bàn chải trong hộp kín

Nhiều người nghĩ rằng, để bàn chải trong hộp, được đậy nắp kín sẽ giúp bàn chải được bảo quản trong môi trường an toàn và vệ sinh hơn, tránh được bụi bẩn bên ngoài. Tuy nhiên, điều này lại hoàn toàn sai lầm.

Bàn chải của chúng ta sau khi sử dụng xong thường vẫn còn đọng nước, ẩm. Nếu đậy trong một hộp kín, hơi nước sẽ không thể thoát ra và bàn chải sẽ không thể khô được. Cũng theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA), bàn chải đánh răng được bảo quản trong hộp kín sẽ tạo ra môi trường hoàn hảo cho vi khuẩn phát triển, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

Chuyên gia chỉ ra những sai lầm khi bảo quản bàn chải: Có người cả năm không thay - Ảnh 1.

Bảo quản bàn chải trong hộp và đậy nắp làm chúng không thể khô được, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi. (Ảnh WikiHow.vn)

Chính vì vậy, nếu gia đình bạn đang có thói quen bảo quản bàn chải trong những hộp kín có nắp đậy chặt thì tốt hơn hết hãy thay đổi ngay. Thay vào đó, hãy lắc mạnh để bàn chải được ráo nước, sau đó dựng bàn chải trong các cốc, bình, để hở phần đầu để bàn chải được khô thoáng tự nhiên trong không khí.

Không tách biệt các bàn chải 

Trong một gia đình, chắc chắn không tránh khỏi việc sẽ có nhiều chiếc bàn chải cùng được bảo quản cùng một chỗ. Tuy nhiên, chúng cần được tách biệt với nhau một khoảng cách nhất định, đặc biệt là phần đầu bàn chải.

Nếu phần đầu các bàn chải chạm vào nhau, vi khuẩn và chất dịch cơ thể có thể truyền từ bàn chải này sang bàn chải khác, từ đó gián tiếp gây lây nhiễm một số bệnh.

Chuyên gia chỉ ra những sai lầm khi bảo quản bàn chải: Có người cả năm không thay - Ảnh 2.

Nên để tách biệt các bàn chải với nhau, đặc biệt là phần đầu bàn chải để tránh các trường hợp lây nhiễm vi khuẩn. (Ảnh WikiHow.vn)

Bạn có thể sử dụng các chiếc cốc, hoặc những chiếc giá treo được chia ngăn rõ ràng để tách biệt bàn chải của bạn một cách tối ưu và hiệu quả nhất.

Để bàn chải quá gần bồn cầu

Nhiều gia đình có thiết kế nhà vệ sinh là bồn rửa mặt sẽ ở ngay cạnh bồn cầu. Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp này, hãy cố gắng đặt bàn chải xa bồn cầu nhất có thể mà vẫn thuận tiện cho việc sử dụng.

Khi bạn xả nước bồn cầu, các hạt nước nhỏ chứa vi trùng, bao gồm cả chất thải, sẽ phun vào không khí. Vô tình, những hạt này có thể  xâm nhập vào chiếc bàn chải đánh răng. Mặc dù nguy cơ này là khá thấp, tuy nhiên vẫn nên phòng tránh để bảo quản chiếc bàn chải được vệ sinh một cách tối đa.

Chuyên gia chỉ ra những sai lầm khi bảo quản bàn chải: Có người cả năm không thay - Ảnh 3.

Hãy đặt bàn chải càng xa bồn cầu càng tốt. (Ảnh WikiHow.vn)

Bạn cũng nên đậy nắp bồn cầu khi xả nước, điều này sẽ giúp hạn chế phần nào lượng vi khuẩn, vi trùng bắn ra bên ngoài không gian nhà vệ sinh.

Không làm sạch hộp đựng bàn chải

Sau khi sử dụng xong, bàn chải sẽ được đựng trong những chiếc cốc, bình hay hộp nhất định. Nước hay những chất còn bám lại trên bàn chải, theo thời gian sẽ rơi ra chiếc hộp đó. Nếu bạn không thường xuyên vệ sinh hộp đựng bàn chải, nó sẽ sản sinh vi khuẩn, bám lại vào chiếc bàn chải và tới khoang miệng của bạn.

Vì vậy, các chuyên gia khuyên người dùng nên sử dụng các loại xà phòng, nước rửa để vệ sinh hộp đựng bàn chải 1 tuần 1 lần. Sau đó, sấy khô hoặc dùng khăn để lau khô rồi mới đặt lại bàn chải vào.

Chuyên gia chỉ ra những sai lầm khi bảo quản bàn chải: Có người cả năm không thay - Ảnh 4.

Các chuyên gia khuyên hãy vệ sinh hộp, cốc đựng bàn chải 1 tuần/lần. (Ảnh WikiHow.vn)

Không thay bàn chải

Nhiều người có thói quen dùng bàn chải lâu ngày và chỉ bỏ đi thay mới khi chúng đã thật sự bị bào mòn nghiêm trọng. Tuy nhiên, trên thực tế, bàn chải cũng có hạn sử dụng nhất định. Khi đến thời hạn đó, kể cả trông chúng vẫn còn khá mới thì chúng ta cũng đừng nên tiếc rẻ mà giữ lại.

Theo các nghiên cứu, thời gian lý tưởng nhất để thay bàn chải là cứ sau mỗi 3 - 4 tháng sử dụng. Lúc này, phần lông ở đầu bàn chải đã bị bào mòn nhất định, hiệu quả làm sạch kém, cùng với đó là bàn chải cũng không được đảm bảo sạch như ban đầu vì lượng vi trùng trong không khí bám vào.

Chuyên gia chỉ ra những sai lầm khi bảo quản bàn chải: Có người cả năm không thay - Ảnh 5.

Nên thay bàn chải sau mỗi 3 - 4 tháng sử dụng. (Ảnh WikiHow.vn)

Một lưu ý nữa đó là sau khi bạn vừa khỏi bệnh, cũng nên thay luôn một chiếc bàn chải mới. Khi bạn bị ốm, vi trùng có thể tồn tại trong lông bàn chải, chúng có thể lây lan sang các bề mặt khác mà bàn chải đánh răng của bạn chạm vào, từ đó ảnh hưởng tới sức khỏe, vệ sinh răng miệng.

Nếu gia đình bạn đang mắc phải một trong những sai lầm trong cách bảo quản bàn chải được đề cập tới trong bài viết trên, thì hãy thay đổi ngay để sức khỏe răng miệng được đảm bảo.

https://soha.vn/chuyen-gia-chi-ra-nhung-sai-lam-khi-bao-quan-ban-chai-co-nguoi-ca-nam-khong-thay-20220405151753859.htm

Theo Thu Phương

Trí thức trẻ

Trở lên trên