MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia chỉ rõ 4 dấu hiệu và 3 động tác xác định nguy cơ đột quỵ ai cũng cần biết

26-08-2017 - 15:05 PM | Sống

Khi bệnh nhân có các dấu hiệu đột quỵ như đột ngột mất thị lực, không nhìn thấy một hoặc cả hai bên mắt, đột ngột nói khó, méo miệng, không thể nói được... cần đưa đi cấp cứu ngay.

90% người mắc chứng này bị dị tật

GS.TS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam, nguyên Giám đốc trung tâm đột quỵ Bệnh viện quân y 108, cho biết theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, cứ 6 người thì có 1 người tiềm ẩn nguy cơ bị đột quỵ.

Theo báo cáo năm 2016 của tổ chức Đột quỵ Thế giới (WSO), hiện có tới 17 triệu trường hợp đột quỵ mỗi năm, trong đó có khoảng 6 triệu trường hợp tử vong, 5 triệu người sống sót với các di chứng gây tàn tật trong thời gian dài, thậm chí vĩnh viễn.

Những con số trên gióng lên hồi chuông cảnh báo về căn bệnh nguy hiểm này. Hiện nay, ngành y toàn cầu ngày càng quan tâm hơn đến các phương pháp điều trị cho bệnh nhân sau đột quỵ, giúp họ khắc phục những di chứng, phần nào giảm gánh nặng cho gia đình bệnh nhân và toàn xã hội.

Nguy hiểm hơn, tỷ lệ đột quỵ ở những người trẻ và trung niên hiện nay đang gia tăng. Riêng ở Việt Nam ước tính mỗi năm có hơn 200.000 người bị đột quỵ và hơn 50% bệnh nhân tử vong. Những người may mắn sống sót sau cơn đột quỵ thì 90% phải sống chung với các di chứng về thần kinh và vận động.

Số liệu tổng hợp từ các bệnh viện có khoa thần kinh trên toàn quốc cho thấy, trong 3 năm trở lại đây, số bệnh nhân phải nhập viện vì đột quỵ đang có chiều hướng gia tăng từ 1,7% - 2,5%. Trong đó, tỷ lệ nam giới mắc phải cao gấp 4 lần nữ giới. Nghiêm trọng hơn, độ tuổi bị tai biến mạch máu não đang dần trẻ hóa, từ 40 - 45 tuổi so với trước đây là 50 - 60 tuổi.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Theo Giáo sư Thông, đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ ba sau bệnh tim mạch và ung thư trên toàn thế giới. Căn bệnh này đứng hàng đầu về tàn tật ở người trưởng thành, là thảm họa cho bệnh nhân và gia đình người bệnh, là gánh nặng kinh tế cho toàn xã hội.

Giáo sư Thông cho biết, nguy cơ xảy ra đột quỵ gia tăng theo tuổi, tăng gấp đôi cứ mỗi 10 năm sau 55 tuổi, xấp xỉ 28% đột quỵ xảy ra dưới 65 tuổi.

Trong khi đó, các chuyên gia đều nhận định bệnh nhân đột quỵ ở nước ta đa phần còn đến viện muộn ,dẫn đến cơ hội cứu sống ít và di chứng cao.

GS Thông nhấn mạnh, với những biến chứng nguy hiểm trên thì đột quỵ là một cấp cứu y tế khẩn cấp nhất với 2 mục đích: hạn chế hoặc phục hồi các mô não bị tổn thương cấp và ngăn chặn các tổn thương sau đột quỵ.

Chuyên gia chỉ rõ 4 dấu hiệu và 3 động tác xác định xơ bộ nguy cơ đột quỵ

PGS. TS Mai Duy Tôn – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được phát hiện sớm và đưa ngay vào viện vẫn còn thấp.

Khi có dấu hiệu đột quỵ, người xung quanh chưa nhận rõ được các dấu hiệu và chưa đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế ngay lập tức, đây là thiệt thòi cho người bệnh.

Với đột quỵ, các bác sĩ luôn luôn khuyến cáo rằng "thời gian là não", bởi khi người bệnh đến viện muộn nhất là sau 4,5 – 6 giờ có biểu hiện đột quỵ thì cơ hội điều trị tối ưu đã bị bỏ qua. Thời gian đó càng lâu thì phần tế bào não bị chết do thiếu oxy càng lớn vì không thể phục hồi.

Khi đó, người bệnh sẽ phải chấp nhận các di chứng: hôn mê, liệt nửa người, rối loạn ý thức, rối loạn nuốt, mất ngôn ngữ không thể tự ăn uống, sinh hoạt cá nhân…

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

PGS.TS Mai Duy Tôn nhấn mạnh, đột quỵ xảy ra đột ngột theo phút, theo giờ. Vì thế, khi bệnh nhân có các dấu hiệu như:

- Đột ngột mất thị lực, không nhìn thấy một hoặc cả hai bên mắt.

- Đột ngột nói khó, méo miệng, không thể nói được.

- Bệnh nhân đột ngột yếu tê bì, giảm vận động một/hai bên cơ thể; đột ngột đau đầu dữ đội chưa bao giờ gặp phải.

- Ngoài ra bệnh nhân có thể chóng mặt, dấu hiệu tiền đình nên nghi ngờ đột quỵ được bệnh nhân đến cơ sở y tế sớm nhất.

PGS Tôn cũng hướng dẫn cách đơn giản để nhận biết, xác định sơ bộ có đột quỵ bằng cách yêu cầu thực hiện 3 động tác: NÓI - CƯỜI - CHÀO:

- Yêu cầu bệnh nhân nói và theo dõi nếu người bệnh nói không lưu loát như thường ngày, nói ngọng, khó nói là có bất thường và hãy nghĩ đến đột quỵ.

- Yêu cầu bệnh nhân cười, nếu họ cười chỉ cần quan sát khóe miệng, một bên xệ xuống là bất thường.

- Cuối cùng, hãy yêu cầu bệnh nhân giơ cả hai tay lên chào, tay 1 bên nào đó không giữ được rơi xuống trước, điều đó là bất thường.

Khi có cả 3 dấu hiệu bất thường, nguy cơ đột quỵ rất cao, trên 95% phải đưa đến cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ nhanh nhất có thể.

Theo Bảo Thy

Trí thức trẻ

Trở lên trên