MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia CIEM lý giải nguyên nhân lần đầu tiên Việt Nam vào nhóm 'Chỉ số tự do kinh tế mức trung bình'

Chuyên gia CIEM lý giải nguyên nhân lần đầu tiên Việt Nam vào nhóm 'Chỉ số tự do kinh tế mức trung bình'

TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho hay, 2 chỉ số khiến Việt Nam không cải thiện được đó chính là hiệu quả tư pháp và quyền tài sản.

Ngày 26/3, tại hội nghị bàn tròn 3 "Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa với hiệp định EVFTA", TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, EVFTA đã đưa ra những cơ hội cùng thách thức đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cơ hội từ sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới 

Theo đó, bà Thảo khẳng định, bài toán này cần phải có những giải pháp, không phải chỉ từ bản thân doanh nghiệp, mà từ cả những cải cách nội địa, cải cách thể chế ở bên trong cũng như những cơ hội giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có thể tiệm cận được với những cơ hội từ nước ngoài.

Chuyên gia CIEM lý giải nguyên nhân lần đầu tiên Việt Nam vào nhóm Chỉ số tự do kinh tế mức trung bình - Ảnh 1.

Thực tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chiếm gần 98% trong tổng số doanh nghiệp. Đặc biệt, xu hướng phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong thời gian gần đây đã tăng nhanh đáng kể, tính đến nay đã có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp.

Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập ngày càng tăng, cùng với số vốn đăng ký cũng tăng theo cho thấy môi trường kinh doanh Việt Nam đang cởi mở hơn, doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh hơn.

Trong thời gian vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực gỡ bỏ rào cản, cải cách thúc đẩy tự do kinh doanh và an toàn kinh doanh, điều kiện kinh doanh, điển hình là làn sóng về cải cách trong những năm từ 2016 đến 2018.

Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới là triển vọng tích cực cho Việt Nam, nhất là khi các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo lại là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. "Những mô hình này sẽ đem lại hiệu quả và năng suất cao hơn", bà Thảo nhận định.

Cải thiện thứ hạng của Việt Nam trên bản đồ thế giới

Năm 2020, hai luật ảnh hưởng tới doanh nghiệp đó là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Trong đó, Luật Doanh nghiệp có một cải cách đặc biệt quan trọng đó là cải cách liên quan đến con dấu, giúp đơn giản các thủ tục thành lập doanh nghiệp hơn.

Thứ hạng của Việt Nam trên bản đồ thế giới cũng được cải thiện đáng kể. Đáng chú ý, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp các dịch vụ công là một trong những nỗ lực hỗ trợ thực hiện cải cách. 

Nếu so sánh với trước đây, khi doanh nghiệp đi làm thủ tục với cơ quan nhà nước, thì thời gian và tập trung ở các cơ quan công quyền rất đông, nhưng với công nghệ thông tin thì hiện nay những thủ tục này được thực hiện online rất nhiều. Một ví dụ điển hình khác chính là thanh toán không dùng tiền mặt.

Chuyên gia CIEM lý giải nguyên nhân lần đầu tiên Việt Nam vào nhóm Chỉ số tự do kinh tế mức trung bình - Ảnh 2.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục cải cách, đặc biệt trong vấn đề về đăng ký tài sản. Bảo vệ quyền tài sản có thể nói là một trong những điểm đang còn yếu ở Việt Nam. Hầu hết các tổ chức quốc tế đều đáng giá rằng Việt Nam có quyền tài sản thấp. Vừa qua, Quỹ Di sản đã công bố về chỉ số tự do kinh tế, và Việt Nam lần đầu tiên sau rất nhiều năm được vào nhóm có mức độ tự do trung bình, ở mức 61,7 điểm.

Chuyên gia CIEM lý giải nguyên nhân lần đầu tiên Việt Nam vào nhóm Chỉ số tự do kinh tế mức trung bình - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Minh Thảo cho biết, 2 chỉ số khiến Việt Nam không cải thiện được đó chính là hiệu quả tư pháp và quyền tài sản. Mặc dù Việt Nam có những cải thiện rất tốt, nhưng quyền tài sản và tư pháp vẫn là những yếu tố kéo những chỉ số đánh giá của Việt Nam xuống thấp.

Liên quan đến chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới - chỉ số gắn trực tiếp với các hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp với các nước, Việt Nam vẫn ở vị trí tương đối thấp, dưới 100. 

Vướng mắc trong thủ tục vẫn là nỗi lo của doanh nghiệp 

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, một số hạn chế của doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay bao gồm:

Thứ nhất, doanh nghiệp đang có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, doanh thu cũng nhỏ, hiệu quả kinh doanh và năng suất lao động còn thấp, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ. Chỉ khoảng 20% số doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực chế biến chế tạo. Thứ hai, hạn chế trong tiếp cận nguồn lực: về tín dụng, đất đai, lao động có tay nghề hay ứng dụng khoa học công nghệ. Thứ ba, hạn chế về dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

Thứ tư, thiếu kết nối giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ với doanh nghiệp có quy mô lớn, thậm chí ngay cả giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang thiếu kết nối với nhau. Chỉ có 21% doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi đó, tại Thái Lan con số này là 30% và Malaysia là 46%. Thứ năm, khả năng tiếp cận các hỗ trợ còn hạn chế. Dư địa cải cách vẫn còn nhiều.

Cuối cùng, bà Thảo đưa ra một số kiến nghị:

Về dư địa cải cách, vẫn còn nhiều rào cản về điều kiện kinh doanh gây thiếu rõ ràng. Như vậy, cần tiếp tục tạo lập thể chế về môi trường kinh doanh vì một môi trường kinh doanh tốt thì doanh nghiệp sẽ tự do, có những ý tưởng sáng tạo và phát triển.

Đồng thời, hiện thực hoá các giải pháp về hỗ trợ doanh nghiệp đã được nêu tại các văn bản pháp lý như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, đề cao vai trò hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp và ngành hàng...

Anh Vũ

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên