Chuyên gia của Citi: Vàng có thể chạm mốc 2.300 USD và đây là lý do thúc đẩy đà tăng phi mã
Khi giá vàng thế giới vượt mốc 2.000 USD vào tuần này, các kinh tế gia của Citi đã chỉ ra yếu tố thúc đẩy đà tăng mạnh mẽ của kim loại quý này và đà tăng có thể cho chúng ta biết điều gì.
- 06-08-2020Tăng 227%, đây là cổ phiếu thăng hoa nhất ngành vàng nhưng công ty... không có một mỏ vàng nào
- 05-08-2020JPMorgan: Người già đổ xô mua vàng, trong khi nhà đầu tư trẻ lựa chọn Bitcoin
Hiện tại, giá vàng giao ngay đang ở mức khoảng 2.058 USD/ounce, tăng hơn 4% trong tuần này và chuẩn bị ghi nhận đà tăng 9 tuần liên tiếp. Đây là chuỗi tăng giá kéo dài nhất kể từ năm 2006. Trong khi có một số ý kiến cho rằng vàng sẽ chạm mốc 3.000 USD, các nhà kinh tế tại ngân hàng đầu tư Citi cho biết, họ tin rằng giá của kim loại quý này có thể đạt 2.100 USD/ounce trong quý này và lên mức 2.300 USD trong 6 đến 12 tháng tới.
Tuy nhiên, họ chỉ ra rằng đà tăng của vàng không phải là yếu tố báo trước về "sự bùng nổ của lạm phát" như một số ý kiến nghi ngại, dù các ngân hàng trung ương tung những gói kích thích và tín dụng ở khu vực tư nhân tăng lên. Nhóm kinh tế gia cho hay: "Lý thuyết tiền tệ về lạm phát đã được thay thế bằng lý thuyết vi mô về thị trường lao động và sản phẩm. Rủi ro lạm phát hiện ở mức thấp. Do đó, vàng không phải là yếu tố dự báo về lạm phát."
Ngoài ra, đà tăng mạnh mẽ của vàng cũng không phải là chỉ báo cho thấy đồng USD sẽ mất ngôi vị là "đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới". Các nhà kinh tế cho biết, dù một số ý kiến cho rằng giá vàng tăng mạnh sẽ là dấu hiệu của việc đồng USD rớt giá, nhưng "không có đồng tiền tệ hay quốc gia nào sẵn sàng đảm nhận vai trò của đồng USD."
Trên thực tế, lượng USD lớn mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hoán đổi tiền tệ với các quốc gia khác – hay còn gọi là "swap line", đang củng cố vị thế của đồng USD là đơn vị tiền tệ dự trữ của thế giới. Nhóm chuyên gia nhận định: "Ngay cả khi đồng USD hiện có giá trị thấp hơn so với vàng, thì tất cả các loại tiền tệ khác cũng như vậy. Điều này có nghĩa là ‘siêu đặc quyền’ (exorbitant privilege) của đồng USD vẫn được giữ vững."
Về cốt lõi, các nhà kinh tế cho biết sự hồi phục của vàng được thúc đẩy bởi các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương, đưa lãi suất thực xuống mức âm. Đây là thời điểm lợi nhuận nhà đầu tư nhận được từ trái phiếu bằng hoặc thấp hơn tỷ lệ lạm phát. Điều này đã làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ một tài sản không mang lãi suất như vàng."
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết thêm rằng tất cả các yếu tố trên và nhiều hơn thế đều đóng vai trò trong việc duy trì đà tăng của vàng. Guy Foster – trưởng bộ phận nghiên cứu tại Brewin Dolphin, đồng tình rằng điều thúc đẩy đà tăng phi mã của vàng là lợi suất thực âm. Những yếu tố này cho thấy kỳ vọng của thị trường về việc lạm phát sẽ ở mức nào khi lãi suất được điều chỉnh.
Ông nhận định: "Những gì đang diễn ra cho thấy rằng Fed và các ngân hàng trung ương khác không thể tăng lãi suất vì tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao, thậm chí ngay cả khi lạm phát bắt đầu gia tăng." Foster cho biết kỳ vọng lạm phát tăng lên khoảng 3% là hợp lý và trong tình huống đó, vàng sẽ có diễn biến cực kỳ khả quan.
Tham khảo CNBC