Chuyên gia: Đã đến lúc bỏ cả giá trần và giá sàn vé máy bay
Theo chuyên gia, việc đặt ra khung giá trần, giá sàn gây bất cập cho sự cạnh tranh mạnh mẽ của các hãng bay, cản trở sự hồi phục hoàn toàn của thị trường.
- 25-02-2023Hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc qua đường sắt Trung - Lào tăng gấp 5 lần
- 25-02-2023Xếp hạng ngon số 2 trên thế giới, cà phê Việt Nam đã bùng nổ ra sao trong năm 2022?
- 25-02-2023Toyota cho mọi người lý do để nghi ngờ về tính bền vững của xe điện
Trả lời VTC News, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không trường Đại học Bách khoa TP.HCM - nêu quan điểm, phải nên bỏ cả giá trần và giá sàn vé máy bay vì quy định này gây nhiều bất lợi.
Ông Tống phân tích, trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ giữa các hãng hàng không hiện nay thì việc bỏ giá trần, giá sàn sẽ thúc đẩy hãng bay phải nâng cao chất lượng, từ thời gian cất/hạ cánh đến chất lượng máy bay, chất lượng phục vụ hành khách. Việc đi máy bay thực chất là việc khách hàng mua dịch vụ của các hãng bay. Do vậy, thang điểm tính toán giá vé phải gắn với chất lượng dịch vụ. Mà đã là dịch vụ thì phải có tính cạnh tranh cả về giá cả và chất lượng, vì thế giá cả cần được thay đổi theo thỏa thuận giữa người mua và người bán.
“Trước đây, để tránh độc quyền, Nhà nước phải kiểm soát, can thiệp bằng việc quy định giá trần, giá sàn để hãng bay không nâng giá một cách tuỳ tiện, gây khó cho người tiêu dùng. Còn bây giờ, đang có rất nhiều hãng bay cùng kinh doanh, tạo ra thị trường cạnh tranh rất tốt. Do vậy, đã đến lúc Nhà nước nên bỏ cả giá trần và giá sàn vé máy bay”, chuyên gia Nguyễn Thiện Tống nói.
Chuyên gia cho rằng, việc áp giá trần, giá sàn với vé máy bay không còn phù hợp trong bối cảnh cạnh tranh mạnh hiện nay. (Ảnh minh họa)
Cũng theo ông Tống, việc đề ra giá trần gây bất lợi cho các hãng hàng không giá rẻ. “Nếu cứ quy định giá trần thì giá vé máy bay sẽ cùng một mức, làm sao các hãng hàng không giá rẻ có thể cạnh tranh với Vietnam Airlines vốn đã vượt về chất lượng? Còn nếu cứ ghìm giá để cạnh tranh thì lại nguy cơ thua lỗ, phá sản”, ông Tống đặt vấn đề.
Đồng tình quan điểm này, chuyên gia kinh tế PGS-TS Ngô Trí Long phân tích, trong một hãng bay cũng có nhiều mức giá khác nhau, nếu khách hàng mua sớm thì giá rẻ, mua muộn thì giá đắt, sử dụng những dịch vụ cao hơn thì giá cao hơn. Hay như Tết, mùa hè, người dân đi lại nhiều thì giá vé đắt lên, còn lúc vắng vẻ hay những khung giờ thấp điểm thì các hãng hàng không phải giảm giá để kích thích người dân sử dụng dịch vụ.
Ông Long dẫn giải, nếu khách hàng muốn chơi sang, muốn mua vé để được phục vụ nhiều hơn, tốt hơn thì họ sẵn sàng trả giá cao hơn, nhưng giờ lại áp giá sàn, giá trần thì nghĩa là cũng hạn chế bớt quyền lợi được hưởng những dịch vụ cao hơn đó của hành khách.
“Theo tôi phải bỏ hẳn việc kiểm soát bằng giá trần, giá sàn để tạo sự cạnh tranh và hành khách là người quyết định lựa chọn dịch vụ của các hãng”, chuyên gia Ngô Trí Long nói.
Phải bỏ hẳn việc kiểm soát bằng giá trần, giá sàn để tạo sự cạnh tranh và hành khách là người quyết định lựa chọn dịch vụ của các hãng
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long
Thế giới không quản lý vé máy bay bằng giá trần
Trước đó, phát biểu tại buổi tọa đàm “Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt" do Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam tổ chức chiều 24/2, TS Lương Hoài Nam - thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam - cho rằng, trên thế giới hiện nay không có nước nào quản lý vé máy bay bằng giá trần. Ngay ở nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia cũng thực hiện cạnh tranh tự do hoàn toàn, thị trường quyết định.
Các hãng bay đồng loạt kiến nghị bỏ giá trần vé máy bay. (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, việc quy định giá trần sẽ tước đi cơ hội tăng doanh thu, tăng lợi nhuận của các hãng hàng không trong các giai đoạn cao điểm như giai đoạn hè (tháng 6, 7) và giai đoạn Tết. Như vậy, vô hình trung sẽ kìm hãm sự tăng trưởng của thị trường nội địa. Bởi sự tăng trưởng của thị trường nội địa hoàn toàn không phụ thuộc vào có nhiều hay ít giá vé đắt.
“Việc khống chế giá trần thực ra làm giá vé rẻ ít đi và khiến tăng trưởng thị trường nội địa chậm lại", ông Nam nói thêm và đề xuất cần sớm bỏ giá trần vé máy bay nội địa.
Đồng quan điểm, ông Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng cho rằng, hiện nay rất ít nước trên thế giới áp giá sàn, giá trần vé máy bay.
Theo ông Đạt, sớm hay muộn cũng nên bỏ giá trần và có công thức điều hành giá, tạo biên độ dao động lớn, đảm bảo mức độ cạnh tranh bình đẳng, minh bạch phù hợp với lợi ích của người dân. Nên tham khảo kinh nghiệm của các nước để đảm bảo sự phát triển của ngành hàng không ổn định lâu dài, bền vững.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng Giám đốc Bamboo Airways kiến nghị Bộ GTVT sớm xem xét điều chỉnh giá trên cơ sở đúng quy định pháp luật theo thực tế yếu tố đầu vào.
“Tôi cho rằng nên bỏ quy định giá trần với những đường bay đã có từ 3 hãng khai thác trở lên. Nhà nước chỉ quản lý những đường bay đang độc quyền khai thác", ông Quân nói.
Hãng bay đồng loạt than khó
Theo đại diện các hãng bay, thị trường hàng không năm 2022 phục hồi không như kỳ vọng, đặc biệt là thị trường hàng không quốc tế, khiến các doanh nghiệp đều trong cảnh thua lỗ liên miên.
Ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho hay, năm 2022, tổng sản lượng vận chuyển của hãng tăng 13% so với năm 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19), nhưng sản lượng bay quốc tế chỉ bằng 50% so với năm 2019. Trong khi đó, bay quốc tế dù chỉ chiếm 40% về sản lượng khách nhưng lại đóng góp đến 60% doanh thu cho các hãng. Do vậy, thị trường hàng không quốc tế phục hồi chậm đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến hãng.
Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng giám đốc Vietjet Air cũng thừa nhận khó khăn và bày tỏ, nếu không có một sự thay đổi cơ bản trong chính sách quản lý của Nhà nước thì các hãng hàng không Việt tiếp tục yếu đi.
Trong khi các hãng hàng không trên thế giới đã bắt đầu báo lãi sau dịch thì các hãng hàng không Việt vẫn chìm ngập trong vấn đề thanh khoản yếu. Giá vé thì bị giới hạn trần, lãi suất ngân hàng rồi việc vay vốn ngân hàng của các hãng hàng không cũng không thuận lợi… Các yếu tố này khiến hàng không loay hoay phục hồi.
VTC News