MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia Deloitte: Giải pháp để giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp là gì?

Trong 2 thập kỷ qua, Chính phủ đã nhiều lần cắt giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo lộ trình, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phản ánh đang phải gánh chịu thuế suất thực tế lớn hơn nhiều so với con số theo luật định. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Tuấn Minh – Phó TGĐ Tư vấn Thuế của Deloitte Việt Nam về câu chuyện gánh nặng chi phí thuế thực tế của doanh nghiệp.

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh trong 3 năm gần đây của Ngân hàng Thế giới (World Bank), tỷ lệ chi phí thuế và các khoản đóng góp bắt buộc trên lợi nhuận của Việt Nam dao động trong khoảng từ 37% - 39%, cao hơn so với thuế suất thuế TNDN hiện nay (20%) và cao hơn so với một số nước trong khu vực. Đánh giá của ông về vấn đề này?

Tuy vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về chỉ tiêu tỷ lệ chi phí thuế và các khoản đóng góp bắt buộc trên lợi nhuận nhưng tôi cho rằng, Chính phủ cần có một nghiên cứu kỹ lưỡng và thận trọng để có những đánh giá khách quan đối với thực tiễn của Việt Nam. Trong đó, cần làm rõ những yếu tố ảnh hưởng cũng như đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm giảm gánh nặng chi phí thuế thực tế cho doanh nghiệp.

Một số quốc gia lân cận đều có tỷ lệ thấp hơn Việt Nam như Thái Lan (29,5% – 32,6%), Indonesia (30% - 30,6%), Myanmar (31,2% - 31,3%), Singapore (19,1% - 20,6%). Theo đó, chỉ tiêu này nếu không được cải thiện sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến vị thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư.

Thành tố quan trọng ảnh hưởng tới chi phí thuế thực tế chính là "thuế suất hiệu quả" (effective tax rate - EFT), được định nghĩa là tỷ lệ phần trăm số thuế thực trả bởi người nộp thuế cho ngân sách Nhà nước trên tổng thu nhập chịu thuế.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra bốn yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến EFT, bao gồm: Các khoản chi phí không được trừ do khác biệt giữa quy định kế toán và thuế; Chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế; Các khoản chi phí không chính thức; và một số quy định đặc thù ngành.

Sự khác biệt giữa quy định thuế và kế toán là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp thường bị cơ quan Thuế truy vấn khi thanh tra thuế, do quy định còn chưa thực sự rõ ràng. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

Qua quá trình hỗ trợ cho doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy có nhiều điểm chưa phù hợp trong quy định thuế và kế toán của Việt Nam.

Ví dụ, khoản chi phí trích lập dự phòng chưa quy định đầy đủ các trường hợp dự phòng tổn thất có thể phát sinh trên thực tế. Một số khoản chi phí phát sinh đặc thù trong ngành kinh doanh bán lẻ, siêu thị như hàng hoá bị thất thoát do mất cắp, là những khoản tổn thất bất khả kháng nhưng quy định hiện nay chưa cho phép doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN. Ở Nhật Bản, doanh nghiệp được ghi nhận chi phí này vào chi phí được trừ theo một tỷ lệ nhất định trên tổng doanh thu.

Ngoài ra, quy định trần chi phí lãi vay được trừ khi xác định thuế TNDN không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao (EBITDA) tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP hiện nay cũng đang là vấn đề được dư luận quan tâm.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2019, VBF đã chia sẻ cơ quan Thuế có xu hướng xử lý không cho trừ chi phí hợp lý một số khoản chi phí của doanh nghiệp phát sinh trên thực tế có đầy đủ hoá đơn, chứng từ. Lý do là những chi phí chưa đầy đủ giấy tờ hay chưa hoàn thành các thủ tục hành chính của các lĩnh vực đầu tư, thương mại, y tế, môi trường.

Vậy với các yếu tố còn lại, theo ông, thực trạng cụ thể đang ảnh hưởng thế nào đến EFT của doanh nghiệp Việt?

Thứ nhất, về các khoản chi phí không chính thức. Nghị quyết 139/NQ-CP của Chính phủ ban hành đề cập đến kết quả nghiên cứu, khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Theo đó, 59,3% doanh nghiệp cho rằng họ phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức. Như vậy, các khoản chi phí không chính thức đã và đang là vấn đề được Chính phủ nhận diện.

Thứ hai là về chính sách ưu đãi thuế TNDN hiện nay của Việt Nam. Luật số 71/2014/QH13 chưa có quy định cụ thể việc áp dụng chuyển tiếp ưu đãi thuế TNDN trong trường hợp doanh nghiệp thực hiện dự án không thuộc lĩnh vực ưu đãi thuế theo quy định của pháp luật trước đây, nhưng lĩnh vực này lại được bổ sung vào diện ưu đãi theo quy định của pháp luật thuế TNDN mới (ví dụ như lĩnh vực sản xuất sản phẩm Công nghiệp hỗ trợ). 

Điều này dẫn tới sự chưa bình đẳng khi nhà đầu tư trước đây không được hưởng các ưu đãi thuế tương tự với nhà đầu tư sau này trong cùng một lĩnh vực. Ngoài ra, quy định này cũng không nhất quán với Luật Đầu tư về việc bảo đảm ưu đãi đầu tư của nhà đầu tư.

Thứ ba, về quy định riêng đối với một số ngành, lĩnh vực đặc thù (ví dụ: kinh doanh bất động sản) cần phải sửa đổi cho phù hợp với thực tế hoạt động của doanh nghiệp, giảm thiệt thòi cho doanh nghiệp và bất bình đẳng giữa các ngành kinh tế.

Đâu là giải pháp cần thiết Chính phủ cần cần nhắc để giảm thiểu những tác động tiêu cực từ những yếu tố nêu trên?

Một là, mở rộng phạm vi chi phí được trừ nhằm phản ánh đúng nghĩa vụ thuế TNDN tương ứng với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế của doanh nghiệp; thu hẹp sự khác biệt giữa hệ thống kế toán và chính sách thuế để tạo thuận lợi hơn cho người nộp thuế trong việc tuân thủ chính sách thuế. 

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện sửa đổi và ban hành Nghị định thay thế Nghị định 20/2017/NĐ-CP về vấn đề quy định trần chi phí lãi vay được trừ. Ngoài ra, với xu hướng toàn cầu hoá về hợp tác và phát triển kinh tế, các nhà hoạch định chính sách cần hài hoà mối quan hệ giữa chính sách thuế và kế toán một cách hợp lý.

Hai là, tiếp tục cải cách về chính sách ưu đãi thuế. Cụ thể, nên sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành đảm bảo sự rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu và dễ thực hiện. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng các chính sách ưu đãi thuế mới cho phù hợp với yêu cầu quản lý và tình hình thực tế. Chẳng hạn, xem xét việc áp dụng hình thức ưu đãi thuế dựa trên chi phí đang được nhiều nước áp dụng rộng rãi. 

Theo đó, doanh nghiệp được giảm trừ nghĩa vụ thuế theo mức đầu tư để có thể thu hồi một phần hoặc toàn bộ giá trị đã đầu tư, nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 139, trong đó nâng cao vai trò của VCCI trong việc thu thập và phản ánh các kiến nghị, vướng mắc của các doanh nghiệp, định kỳ báo cáo Chính phủ để xem xét, tháo gỡ kịp thời; tập hợp các quy định pháp luật không rõ ràng, bất hợp lý để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải thích, sửa đổi, bổ sung và công khai kết quả. Chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10 của Chính phủ về việc ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Bốn là, sửa đổi một số quy định về thuế còn chưa phù hợp đối với ngành kinh doanh bất động sản. Đa số các nước trên thế giới và trong khu vực không có quy định doanh nghiệp phải hạch toán riêng thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản để kê khai, nộp thuế TNDN. Theo đó, cũng cần sửa đổi quy định theo hướng cho phép doanh nghiệp được bù trừ lãi từ chuyển nhượng bất động sản với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh để phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cảm ơn ông!

N.Dương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên