Chuyên gia điểm tên nhóm cổ phiếu đang ở vùng "quá bán", KQKD quý 2/2024 dự báo tích cực
Chuyên gia VFS cho rằng những nhóm ngành có KQKD tốt dự báo sẽ là những điểm sáng neo giữ tâm lý thị trường và giúp làm "mềm hoá" đợt điều chỉnh hiện tại.
- 30-06-2024Góc nhìn chuyên gia: NĐT có thể cân nhắc giải ngân nếu VN-Index lùi về 1.200-1.220 điểm
- 29-06-2024Thế Giới Di Động chuẩn bị mua cổ phiếu quỹ sau khi Bách Hóa Xanh và chuỗi điện máy tại Indonesia liên tiếp báo tin vui
- 29-06-2024Khối ngoại miệt mài bán ròng, hai cổ phiếu bị "xả" nghìn tỷ trong tuần cuối quý 2, ngược chiều một mã bất động sản bất ngờ được "gom" mạnh
Sau những nỗ lực bứt khỏi vùng 1.300 điểm, thị trường dường như "đuối sức" khi liên tục sụt giảm. VN-Index đã "bay" 56 điểm (~ 4,3%) kể từ mức đỉnh thiết lập giữa tháng 6 để về 1.245 điểm (phiên 28/6).
Thanh khoản thị trường cũng giảm sâu với giá trị khớp lệnh bình quân trên HOSE chỉ duy trì quanh 15.000 tỷ đồng trong nhiều phiên gần đây cho thấy dòng tiền vẫn thận trọng. Vậy đà giảm của VN-Index khi nào kết thúc và đâu sẽ là nhóm cổ phiếu đáng chú ý sau nhịp chiết khấu?
VN-Index có thể "ngừng" rơi quanh mốc 1.230 điểm
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Trường phòng Phân tích CTCP Chứng khoán Nhất Việt (VFS) cho rằng VN-Index từ khoảng cuối tháng 5/2024 đã có những dấu hiệu yếu đi khi tiến gần về vùng đỉnh cũ trước đó quanh mốc 1.290. Hai biểu hiện cơ bản nhất về giá có thể dễ dàng nhận thấy đó là sự biến động trồi sụt (tăng giảm mạnh đan xen) liên tục trong gần 2 tuần cuối tháng 5 và sự yếu đi rõ rệt của dòng tiền từ đầu tháng 6.
Áp lực bán chủ yếu đến từ sự chốt lời của nhà đầu tư cá nhân và việc khối ngoại rút ròng rất mạnh. Mặt khác, tin tức vĩ mô bất lợi đặc biệt là vấn đề tỷ giá và những rủi ro về chính sách tiền tệ trong ngắn hạn tăng lên cũng là yếu tố thúc đẩy dòng tiền thông minh trở nên thận trọng hơn khi nắm giữ và giải ngân trên thị trường. Tâm lý thận trọng, bảo vệ thành quả đang là tâm lý chủ đạo tại thời điểm hiện tại của thị trường.
"Có thể nói, VN-Index đã chính thức tạo đỉnh ngắn hạn vào giữa tháng 6/2024. Vì vậy, diễn biến kém tích cực của thời gian qua chỉ là sự tiếp diễn của quá trình suy yếu trước đó", ông Hoàng nhận định.
Định giá thị trường P/E hiện đang ở mức trung tính quanh khoảng 15 lần, chuyên gia cho rằng mức định giá này không còn quá rẻ mặc dù cũng không đắt. Nhưng với việc môi trường lãi suất và làm phát tăng lên, sự hồi phục kinh tế chậm hơn dự kiến và kỳ vọng lợi nhuận toàn thị trường suy giảm cũng sẽ làm giảm đi phần nào sự hấp dẫn của VN-Index
Thanh khoản tiếp tục suy giảm cho thấy dòng tiền vẫn rút ra và chưa có dấu hiệu trở lại. Tuy nhiên, nếu so sánh với nhịp giảm hồi tháng 9/2023 thì áp lực bán của nhịp giảm hiện yếu hơn và kỳ vọng có thể sẽ sớm kết thúc khi mua báo cáo bán niên của doanh nghiệp đang đến gần.
Chuyên gia VFS cho rằng những nhóm ngành có KQKD tốt dự báo sẽ là những điểm sáng neo giữ tâm lý thị trường và giúp làm "mềm hoá" đợt điều chỉnh hiện tại. Hỗ trợ gần nhất của VN-Index là 1.230 ứng với đường trendline kéo dài từ tháng 10/2023 đến nay. Và xa hơn là mốc chẵn 1.200 - 1.180. Với áp lực bán không quá mạnh và mùa báo cáo đến gần, ông Hoàng kỳ vọng VN-Index có thể ngừng rơi quanh mốc 1.230.
Động lực đầu tiên và cũng là dài hạn của thị trường chính là quá trình hồi phục của nền kinh tế. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng thông qua các chỉ số kinh tế cơ bản như GDP, IIP, PMI, việc làm, đầu tư… đều có xu hướng chung là đi lên.
Nhóm cổ phiếu đang ở vùng giá hấp dẫn sau nhịp điều chỉnh
Với những nhận định trên, chuyên gia tin tưởng đà giảm này vẫn chỉ là nhịp điều chỉnh trong một xu hướng tăng dài hạn. Khi mức chiết khấu trở nên hấp dẫn, dòng tiền thông minh sẽ tự động quay lại thị trường.
Thị trường đã điều chỉnh được khoảng gần 6% từ đỉnh nên nhà đầu tư trung dài hạn có thể lựa chọn các cổ phiếu có dự báo tăng trưởng mạnh để giải ngân dần ở vùng hỗ trợ mạnh quanh các đường MA, trendline của giá. Có thể chia tiền ra thành 2 – 3 phần để giải ngân dần đề phòng thị trường có thể có những nhịp rơi sâu hơn. Với các nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục quan sát VN-Index ở các mốc 1.230 - 1.200 trở thị trường cân bằng thì tham gia trở lại.
Chuyên gia VFS dự báo thị trường vẫn sẽ tiếp tục phục hồi nhưng sẽ có sự phân hóa đối với các nhóm ngành.
Đối với nhóm ngân hàng, lợi nhuận của nhóm này được dự báo sẽ phân hóa khá mạnh và tăng trưởng chậm ở mức 12% yoy. NIM sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm khi lãi suất huy động sẽ khó giảm, có thể sẽ tăng nhẹ từ giờ đến cuối năm 2024 do áp lực từ tỷ giá vẫn neo ở mức cao.
Trong tháng 5 và tháng 6 một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động trở lại. Bên cạnh đó, nhóm sẽ có sự phân hóa mạnh đối với các nhà băng đã trích lập dự phòng tốt trong các tháng trước. Nhà đầu tư lưu ý tập trung vào nhóm cổ phiếu có khả năng tăng trưởng tín dụng cao hơn so với trung bình ngành.
Nhóm BĐS khu công nghiệp sẽ là nhóm có sự tăng trưởng giảm nhẹ so với nền cùng kỳ cao trong năm 2023. Đặc biệt, sự phân hóa sẽ mạnh hơn đối với các doanh nghiệp có quỹ đất ở miền Nam khi các khu vực này đang có lượng đất lớn cao su đang được chuyển đổi.
Nhóm bán lẻ, xuất khẩu, vận tải biển sẽ vẫn là điểm sáng chung khi nền kinh tế phục hồi trở lại từ nền thấp. Dự kiến quy mô của các hệ thống bán lẻ lớn như Long Châu, An Khang, PNJ sẽ tiếp tục được mở rộng. Bên cạnh đó nhu cầu về máy điện lạnh sẽ quay trở lại theo tính mùa vụ.
Về những nhóm cổ phiếu hấp dẫn sau nhịp điều chỉnh, xét theo yếu tố kỳ vọng KQKD quý 2 và nửa cuối 2024, ông Hoàng nhận định nhóm bán lẻ, vận tải dầu khí, điện và xuất khẩu đang ở vùng giá hợp lý (chỉnh về quanh hỗ trợ MA50) để mua vào.
"Nhiều cổ phiếu bank đã có mức chỉnh 50-60% thị giá của nhịp tăng gần nhất cũng sẽ trở thành động lực cho thị trường thời gian tới. Nhóm đã tạo đáy lợi nhuận như BĐS có thể sẽ là điểm đến của dòng tiền trong nửa cuối năm. Đặc biệt giá nhóm BĐS cũng hầu như chưa tăng trong sóng vừa qua và đang chỉnh với thanh khoản cạn kiệt", ông Hoàng nhận định.