MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia: "Đòi hỏi Chùa Cầu mới tu bổ đạt độ cổ kính là hoang tưởng"!

30-07-2024 - 12:07 PM | Xã hội

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học có uy tín trong lĩnh vực bảo tồn di tích đánh giá dự án tu bổ di tích Chùa Cầu "rất thành công"

Trước sự bàn tán xôn xao của dư luận về hình ảnh di tích Chùa Cầu sau tu bổ, KTS Tôn Thất Liêm - một chuyên gia kiến trúc đô thị với 40 năm hành nghề, từng tu nghiệp tại Thụy Điển và Nhật Bản, hai quốc gia tiên tiến có kinh nghiệm về trùng tu di sản kiến trúc - đã có những chia sẻ liên quan vấn đề này.

Chuyên gia:

Mái ngói di tích Chùa Cầu sau trùng tu

Theo KTS Tôn Thất Liêm, Chùa Cầu đã được xây dựng từ thế kỷ XVII, đến nay đã hơn 400 năm, hư hỏng rất nặng. Việc trùng tu, sửa chữa lớn để giữ di sản tồn tại không bị sụp đỗ là việc cần phải làm. Hội An chọn phương án "trùng tu hạ giải" là hoàn toàn chính xác và phù hợp.

"Trong thực tế, Hội An đã giữ lại cho Chùa Cầu tất cả những cấu kiện, chi tiết còn sử dụng được; chỉ thay thế những chi tiết bị hư hỏng, mục nát mà thôi. Cá nhân tôi đánh giá cao giải pháp kỹ thuật này" - KTS Tôn Thất Liêm nhìn nhận.

Thứ hai, thời điểm xây dựng bản gốc (thế kỷ XVII) và trùng tu cách nhau hơn 400 năm, nguồn vật liệu xây dựng hoàn toàn khác nhau, có những vật liệu 400 năm trước bây giờ không thể tìm ra vật liệu thay thế giống nguyên bản 100% được. Do vậy, hướng trùng tu bám gần đúng nhất với nguyên bản trong điều kiện có thể nỗ lực làm được là việc mà Hội An đã làm tốt, chúng ta cần ghi nhận.

Chuyên gia:

Chuyên gia:

Chuyên gia:

Việc trùng tu Chùa Cầu được thực hiện hết sức kỹ lưỡng, bài bản

Thứ ba, công trình vừa làm xong ở thời điểm tháng 7-2024, các mạch vữa, sơn vôi, mái ngói và họa tiết còn mới. Tất cả cần phải trải qua sự phong hóa theo thời gian bởi sự khắc nghiệt của thời tiết (nắng, mưa, gió bão..) thì công trình mới có được sự "rêu phong", "cũ kỹ" cần thiết. "Sẽ rất hoang tưởng nếu đòi hỏi công trình mới trùng tu phải đạt độ cổ kính rêu phong như di tích 400 năm tuổi" - KTS Tôn Thất Liêm nhấn mạnh.

Thứ tư, KTS Tôn Thất Liêm cho rằng điểm mấu chốt thành công của việc trùng tu Chùa Cầu là giữ đúng vị trí hiện trạng - giữ đúng nguyên bản kiến trúc – giữ đúng nguyên bản kết cấu chịu lực. Như vậy, việc trùng tu Chùa Cầu đã "giữ đúng được giá trị cốt lõi" về mặt di sản kiến trúc - văn hóa - lịch sử của công trình.

"Hãy vui mừng cho Hội An, cho miền Trung, cho Việt Nam vì đã có thêm một công trình di sản kiến trúc văn hóa lịch sử được trùng tu thật sự có chất lượng, sẽ bền vững tồn tại trong tương lai. Rồi từ từ, cát bụi thời gian sẽ tự đem đến nét cổ kính rêu phong cho Chùa Cầu" - KTS Tôn Thất Liêm đúc kết.

Chuyên gia:

Du khách nước ngoài chụp ảnh lưu niệm bên di tích Chùa Cầu sau trùng tu

TS Trần Đức Anh Sơn - người từng công tác trong ngành bảo tồn bảo tàng ở Huế trong 17 năm, từng tu nghiệp trong lĩnh vực khảo cổ học, bảo tồn di tích và quản lý di sản văn hóa ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Pháp và vài lần đến hiện trường tu bổ Chùa Cầu để tham quan, xem xét – cũng cho rằng đội ngũ trùng tu Chùa Cầu đã thực hiện bài bản, khoa học, nghiêm túc. Kết quả trùng tu là tốt đẹp, trả lại cho Hội An một Chùa Cầu đúng với diện mạo, hình hài bản thể nhưng vững chãi hơn, kiên cố hơn.

"Không có gì sai hay đáng chê trách như dư luận đã lên tiếng trong mấy ngày qua, khi so sánh hình ảnh Chùa Cầu trước và sau khi trùng tu cả" - TS Trần Đức Anh Sơn nhìn nhận.

Ông Trần Đức Anh Sơn đánh giá cao phương án "trùng tu hạ giải" mà dự án trùng tu Chùa Cầu đã chọn. Bởi lẽ, sau hơn 400 năm tồn tại trong điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt ở miền Trung: nắng gắt, mưa dầm, lũ lụt đe dọa hàng năm, Chùa Cầu đã xuống cấp và hư hỏng nặng: phần móng bị lún, nghiêng; nhiều kết cấu bằng gỗ bị mối mọt, mục ruỗng; hệ thống tường bao bằng gạch bị bong tróc… Tổng thể Chùa Cầu bị biến dạng phần nào; liên kết kiến trúc bị yếu đi, khiến công trình có thể sụp đổ, nhất là khi có mưa bão tấn công.

Chuyên gia:

Chuyên gia:

Quá trình trùng tu đã thay thế những cấu kiện hư hỏng, giữ lại tối đa những gì có thể

Vì thế, lựa chọn phương án "trùng tu hạ giải" nhằm xử lý triệt để phần móng: cân chỉnh, gia cố, gia cường để tăng độ chịu lực; tháo dỡ phần cấu kiện gỗ để thay thế các bộ phận bị mục nát; thay thế ngói lợp bị vỡ, gia cố tường bao bằng gạch ở hai đầu cầu; thay thế những bộ phận bằng gỗ đã hư hại ở mặt cầu và lan can cầu... là cần thiết.

Nếu lựa chọn phương án "tu bổ từng phần" thì sẽ không giải quyết rốt ráo các "chứng bệnh thâm niên" của Chùa Cầu, như các lần trùng tu trước đây.

TS Trần Đức Anh Sơn cho rằng các hình ảnh chụp tổng thể Chùa Cầu và chụp chi tiết các kết cấu gỗ bên trong di tích, mà báo chí và mạng xã hội đăng tải trong hai ngày qua, cho thấy đội ngũ trùng tu Chùa Cầu đã làm đúng, làm tốt, đảm bảo nguyên tắc bảo tồn và “tính chân xác” của di tích Chùa Cầu, không có gì đáng phải phê phán.

"Những màu sắc có vẻ mới của Chùa Cầu sau khi trùng tu sẽ "trầm lại" chỉ sau vài mùa mưa nắng. Điều quan trọng là những giá trị cốt lõi của Chùa Cầu về lịch sử (historic values), văn hóa (cultural values), nghệ thuật (art values) cùng các giá trị tình cảm (emotional values) và giá trị sử dụng lâu dài (future usage values) vẫn tồn tại với cộng đồng, quốc gia và nhân loại, không mất đi đâu cả" – TS Trần Đức Anh Sơn đánh giá.

Theo Nguyễn Hưởng

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên