Chuyên gia dự báo thời điểm châu Âu có thể phải quay lại mua khí đốt Nga
Trạm cung ứng PIG trong hệ thống đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 trên đất liền ở Lubmin, Đức ngày 21/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Các chuyên gia dự báo châu Âu có thể phải quay lại mua khí đốt giá rẻ của Nga nếu muốn duy trì sức cạnh tranh cho ngành công nghiệp của mình.
- 20-01-2023VinFast lên kế hoạch ưu đãi thêm cho xe điện tại Mỹ để cạnh tranh
- 20-01-2023Cuộc chiến giao đồ ăn tại Đông Nam Á: Tăng trưởng bắt đầu chậm lại, các thương hiệu tập trung lợi nhuận thay vì quy mô
- 20-01-2023iPhone 14 Pro Max "sập giá", bản màu Tím giờ có giá rẻ nhất
Theo trang oilprice.com, Đức đã chấm dứt phụ thuộc vào khí đốt Nga. Giảm phụ thuộc khí đốt Nga đã trở thành ưu tiên số một, không chỉ đối với Đức mà còn đối với toàn Liên minh châu Âu (EU). Hiện tại, kế hoạch này đang hiệu quả nhưng vấn đề là cách tiếp cận này không thể hiệu quả lâu dài.
Nhà phân tích Javier Blas tại Bloomberg dự báo rằng châu Âu sẽ bắt đầu mua lại khí đốt Nga vào tháng 12 tới, nhất là khi chênh lệch giữa giá khí đốt chuyển qua đường ống từ Nga và giá khí hóa lỏng (LNG) chuyển từ cách châu Âu nửa vòng Trái đất là rất lớn.
Nhà phân tích Blas viết: “Châu Âu có thể sẽ không bao giờ quay trở lại các hợp đồng dài hạn như trước đây với Nga và có thể dần dần sẽ cần nhập khẩu ít khí đốt hơn nhờ có năng lượng tái tạo. Nhưng nếu châu Âu muốn duy trì tính cạnh tranh của các ngành công nghiệp hóa chất, thực phẩm và công nghiệp nặng, thì châu lục này sẽ cần một ít khí đốt giá rẻ. Với châu Âu, không có loại khí đốt nào rẻ hơn so với khí đốt Nga”.
Ông Blas so sánh cuộc xung đột Nga - Ukraine và cuộc xung đột Kuwait và Iraq và cho rằng chiến tranh giữa Kuwait và Iraq không làm cho Iraq ngừng xuất khẩu dầu sang Mỹ.
Tuy nhiên, dù gạt bỏ yếu tố địa chính trị sang một bên, không thể bỏ qua thực tế là khí đốt Nga rẻ nhất đối với châu Âu. Chuyển sang sử dụng LNG đã khiến châu Âu phải trả hơn 1.000 tỷ euro và vẫn đang khiến châu lục này phải trả giá đắt vì mặc dù giá khí đốt đã giảm xuống mức trước khi Nga đưa quân vào Ukraine, nhưng giá vẫn chưa giảm trở lại mức từ năm 2021 - trước khi cuộc khủng hoảng khí đốt bắt đầu. Giá khí đốt có thể không bao giờ trở lại mức đó nếu châu Âu tiếp tục con đường hiện tại.
Bộ trưởng Năng lượng Qatar, ông Saad Sherida al-Kaabi, cho rằng mặc dù hiện nay, người châu Âu đang khẳng định rằng không bao giờ quay lại mua khí đốt Nga, nhưng dần dần, mọi thứ sẽ được điều chỉnh sau khi họ rút ra bài học từ tình huống đó.
Tuyên bố trên có thể gây khó chịu trong giới chính trị EU, nhưng chắc chắn phản ánh thực tế mà nhà phân tích Javier Blas đã chỉ ra: Cho đến nay, nền kinh tế châu Âu đã phát triển mạnh nhờ năng lượng giá rẻ. Bỏ đi yếu tố giá rẻ của phương trình năng lượng, nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.
Ngay bây giờ, nhiều người vui mừng vì Đức đã không suy thoái vào năm ngoái. Thay vào đó, GDP của Đức đạt mức tăng 1,9%. Đó chắc chắn là một tin tốt, nhưng cần nhớ rằng không phải tất cả cú sốc kinh tế đều xảy ra ngay lập tức.
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể đã tăng trưởng, nhưng Đức sẽ làm gì khi công ty hóa chất BASF chuyển một số hoạt động kinh doanh ra khỏi nước này và không bao giờ trở lại? Đức sẽ gặp khó với những doanh nghiệp chỉ tồn tại nhờ viện trợ nhà nước. Vấn đề cuối cùng là Đức sẽ có thể viện trợ trong bao lâu cho các doanh nghiệp.
Điều gì đúng với Đức thì cũng đúng với phần còn lại của EU, mặc dù Đức phụ thuộc nhiều nhất vào năng lượng Nga. Chi phí năng lượng đang tăng lên và sẽ tiếp tục tăng trừ khi khí đốt rẻ quay trở lại.
Giám đốc điều hành Equinor đã nói nhiều về điều đó trong tuần này. Phát biểu với BBC, ông Anders Opedal cho biết ông không nghĩ giá khí đốt và điện ở châu Âu sẽ quay trở lại mức trước đại dịch.
Dù thế nào thì sự thật vẫn là EU đã tích cực vũ khí hóa sức mạnh tài chính và thương mại để sử dụng dưới hình thức trừng phạt, tương tự như Nga đã vũ khí hóa khí đốt. Điều này có nghĩa là người châu Âu sẽ nghèo hơn ở mức chưa từng thấy trong lịch sử gần đây.
Báo Tin tức