Chuyên gia hiến kế cho Phú Quốc bứt phá sau dịch Covid-19
Tại hội thảo Phú Quốc, sức sống mới, tiềm năng và cơ hội mới được tổ chức chiều 26/11, nhiều ý kiến cho rằng đây là thời điểm để Phú Quốc vươn lên trở thành Maldives hay Phuket mới của châu Á.
Phát biểu mở đầu hội thảo, ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết gần hai năm kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện đã tác động đến hầu hết các mặt của đời sống xã hội, hoạt động du lịch bị ảnh hưởng rất nặng nề.
Ông Nhàn dẫn chứng một số doanh nghiệp lữ hành đã giải thể, cơ sở lưu trú chuyển đổi chủ hoặc cho thuê; lao động du lịch không tìm được việc làm do các cơ sở kinh doanh du lịch ngừng hoạt động trong thời gian dài; các chỉ tiêu du lịch giảm mạnh; công suất phòng đạt thấp, thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa giảm mạnh, tổng thu từ du lịch bị sụt giảm ước tính khoảng trên 21.000 tỷ đồng.
"Thách thức này đòi hỏi Phú Quốc nói riêng, Kiên Giang nói chung phải có những giải pháp chiến lược mới, để có thể nhanh chóng nhất phục hồi và tạo sự bứt phá", ông Nhàn nhấn mạnh.
Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường (Tổng cục du lịch) cũng cho biết Tổng cục Du lịch phối hợp UBND Tỉnh Kiên Giang, Thành phố Phú Quốc và các đối tác đón đoàn khách quốc tế đầu tiên trong chương trình mở cửa thị trường quốc tế. Đây là khởi đầu hết sức tốt đẹp đánh dấu sự vươn mình trở lại của Phú Quốc sau thời gian bị ngừng trệ do Covid-19.
Thay mặt Tổng cục Du lịch, ông Đinh Ngọc Đức đánh giá cao sự nỗ lực của các doanh nghiệp đã nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và thúc đẩy phục hồi du lịch Phú Quốc bằng các chương trình thiết thực.
Đánh giá về cơ hội của du lịch Phú Quốc sau đại dịch, bà Quảng Xuân Lụa, Phó Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang cho rằng, Covid-19 đã lấy đi của ngành du lịch rất nhiều, nhưng nó cũng đồng thời đem đến cho các điểm đến mới cơ hội để vượt lên những "thiên đường" đã cũ của thế giới.
Phú Quốc có nhiều tiềm lực, để trở thành Maldives hay Phuket mới của châu Á và đây là lúc chúng ta cần phải nắm lấy cơ hội. Hiện nay địa phương đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ, xây dựng các kế hoạch đón khách quốc tế. Chúng tôi đã lựa chọn các doanh nghiệp, xây dựng các phương án phục vụ khách, xây dựng các chương trình du lịch khép kín để chào đón các hãng lữ hành trong và ngoài nước.
"Đến thời điểm này, người dân trên 18 tuổi tại Phú Quốc đã tiêm đủ 2 mũi vắc - xin. Từ 1/11 chúng tôi đã mở cửa đón khách nội địa trở lại, ngày 20/11 Phú Quốc đã đón những đoàn khách nước ngoài đầu tiên sau 2 năm đóng cửa bầu trời. Mỗi ngày, lượng khách tới Phú Quốc đều đang tăng dần…", bà Lụa nói.
Đề xuất các giải pháp để nâng tầm du lịch Phú Quốc, ông Phạm Quốc Quân, Chủ tịch Sun Group tại Vùng Miền Nam, cho rằng, Phú Quốc cần nhiều hơn nữa các công trình du lịch trọng điểm, chất lượng mang tính biểu tượng giống những trung tâm du lịch nổi tiếng Singapore, Dubai…
Bên cạnh đó, cũng cần kiến tạo, xây dựng thêm những công trình phục vụ cộng đồng, an sinh xã hội như: trường học, y tế, xử lý rác thải, hay việc sử dụng các phương tiện bằng điện, thân thiện với môi trường thay vì xăng dầu.
"Chúng tôi rất cần sự ủng hộ, đồng hành chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân để có thêm động lực theo đuổi lý tưởng nâng tầm vị thế của Phú Quốc", ông Quân nói.
Tại hội thảo, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch sau khi nêu bật những những tiềm năng du lịch chỉ Phú Quốc mới có, xu hướng của thị trường du lịch Phú Quốc hậu Covid-19, cũng đã chỉ ra những cơ hội và thách thức của du lịch Phú Quốc ở giai đoạn bình thường mới.
Ông Chính cũng đã hiến kế phục hồi và phát triển du lịch Phú Quốc với 5 trụ cột: Sản phẩm du lịch bền vững và an toàn; Tiếp thị và truyền thông du lịch hiệu quả; Nguồn nhân lực du lịch có tay nghề cao; Quản lý điểm đến bền vững và an toàn; Chuyển đổi số trong du lịch.