Chuyên gia HSBC Việt Nam: Doanh nghiệp cần chủ động trong phòng vệ rủi ro tỷ giá
Theo ông Ngô Đăng Khoa, diễn biến tỷ giá sắp tới sẽ phụ thuộc vào diễn biến địa chính trị, thương mại trên thị trường quốc tế. Doanh nghiệp cần chủ động trong phòng vệ rủi ro tỷ giá, lãi suất.
- 15-05-2019BVSC: Tỷ giá leo thang, cách nào để ổn định?
- 14-05-2019Rủi ro với tỷ giá đang tăng lên
- 14-05-2019Ngân hàng tiếp tục tăng mạnh tỷ giá, cao hơn sáng hôm qua 85 đồng/USD
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc liên tục leo thang, tỷ giá USD/VND trong nước có những biến động tương đối mạnh.
Từ 6/5 đến 9/5, giá USD trong các ngân hàng tăng khoảng 130-150 đồng, có lúc giá bán vượt 23.450 đồng/USD. Đến tuần này, USD tăng mạnh tiếp trong 2 ngày 13-14/5 sau đó có dấu hiệu giảm sâu vào 15/5 với mức giảm khoảng 60 đồng/USD.
Người Đồng Hành có cuộc trò chuyện với ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối kinh doanh ngoại hối và thị trường vốn, Ngân hàng HSBC Việt Nam, về nguyên nhân dẫn tới đợt trồi sụt của tỷ giá trong những ngày gần đây.
- Theo ông những đợt “nổi sóng” của tỷ giá gần đây xuất phát từ nguyên nhân nào?
- Những diễn biến mới đây theo chiều hướng xấu đi liên quan đến tiến trình đàm phán thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến thị trường trong nước và quốc tế có nhiều biến động mạnh. Cụ thể, đồng nhân dân tệ (NDT) trong những ngày vừa qua đã mất giá mạnh nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây, tương đương gần 2% tính riêng từ đầu tháng 5.
Thị trường cũng tìm kiếm các tài sản có tính trú ẩn như đồng yên Nhật hay đồng franc Thụy Sĩ. Từ đó, đồng yên Nhật được đẩy lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng qua so với đồng USD.
Trong nước, với độ mở của kinh tế Việt Nam và quốc tế, thị trường ngoại hối cũng không tránh khỏi những biến động được cho là mạnh nhất kể từ đầu năm tới nay.
Cặp tỷ giá đã bắt đầu tăng từ mức 23.200 đồng/USD và đạt kỷ lục 23.400 đồng/USD trên thị trường liên ngân hàng, sau đó giảm sâu quanh mức 23.280 đồng/USD và tăng bật trở lại lên ngưỡng 23.360 đồng/USD như mức hiện tại.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối kinh doanh ngoại hối và thị trường vốn Ngân hàng HSBC Việt Nam. Ảnh: HSBC Việt Nam.
Tâm lý thị trường cũng diễn biến theo chiều hướng xấu hơn. Tuy nhiên, nếu xét chung kể từ đầu năm, tỷ giá trong nước mới chỉ tăng xấp xỉ 0,7% sau gần 4 tháng gần như neo chặt ở tỷ giá mua của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Cũng ở mức giá này NHNN ngay từ đầu năm đã chủ động mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối, đồng thời phát đi thông điệp truyền thông về việc sẵn sàng sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường, đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng.
Do đó, việc tỷ giá biến động mạnh trong thời gian gần đây đi theo xu hướng chung của thị trường thế giới, khi các chỉ số kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục được cải thiện theo hướng ổn định.
- Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc liên tục leo thang, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã mất giá mạnh. Theo ông, điều này sẽ tác động như thế nào đến diễn biến tỷ giá trong nước?
- Về mặt thương mại, đã có nhiều phân tích cho thấy Việt Nam được hưởng lợi từ căng thẳng thương mại khi các nhà xuất nhập khẩu có xu hướng dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn cần nhìn đến yếu tố tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại cũng như các bất ổn mang hướng lan tỏa sang các kênh khác (tỷ giá, lãi suất).
Diễn biến tỷ giá sắp tới sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào những diễn biến địa chính trị và thương mại trên thị trường quốc tế. NHNN có thể tiếp tục để VND thay đổi thích ứng với những biến động đó. Tuy nhiên, tốc độ cũng như biên độ sẽ trong tầm kiểm soát khi NHNN được kỳ vọng sẽ tiếp tục áp dụng cơ chế điều hành linh hoạt để ổn định tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô.
- Trong bối cảnh trên, ông có khuyến nghị gì cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư nhằm phòng ngừa rủi ro tỷ giá?
- Trong dài hạn, các yếu tố cơ bản trên thị trường quốc tế được dự báo vẫn sẽ diễn biến phức tạp. Để chủ động trong hoạt động quản trị doanh nghiệp, quản trị dòng tiền và kiểm soát rủi ro hiệu quả, các doanh nghiệp cần chủ động trong công tác phòng vệ rủi ro tỷ giá, rủi ro lãi suất, thông qua việc nâng cao nhận thức về rủi ro thị trường và các công cụ phòng vệ rủi ro.
Bên cạnh đó, cơ quan điều hành cần tiếp tục thể hiện tính linh hoạt và thức thời trong điều hành chính sách, khuyến khích xây dựng và chuẩn hóa các công cụ tài chính nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong phòng vệ rủi ro lãi suất, rủi ro tỷ giá và củng cố niềm tin cho nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài khi quyết định rót vốn đầu tư tại Việt Nam. Qua đó hướng tới mục tiêu xuyên suốt là ổn định tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô.
- Xin cảm ơn ông!