Chuyên gia hướng nghiệp Milena Nguyễn: "Đam mê" đang là thứ bị thổi phồng khi nhắc đến sự nghiệp
"Dường như nhiều bạn trẻ đang bị ám ảnh bởi hai từ đam mê. Theo tôi, đó không phải là điều bạn có thể nặn ra hay nhìn thấy rõ ràng từ việc ngồi im và suy nghĩ. Càng băn khoăn nhiều về đam mê, người trẻ càng dễ lạc lối hơn." - Chuyên gia tư vấn, hướng nghiệp cho người trẻ Milena Nguyễn chia sẻ.
- 01-06-2020Chẳng cần là Warren Buffett cũng biết: Đồng tiền khôn là đồng tiền đi trước, người thức thời là người biết đầu tư
- 31-05-2020Tuổi trẻ "hoang phí sức khỏe", đến tuổi trung niên tôi mới ngộ ra một lối sống lành mạnh tạo ra khác biệt thế nào
- 31-05-2020Cựu chỉ huy đặc nhiệm SEAL Mỹ đăng ảnh đồng hồ lúc 4h30 mỗi sáng lên MXH vì 1 lý do đặc biệt: Dậy sớm và kỷ luật bản thân không phải điều ngẫu nhiên có, nỗ lực mỗi ngày, thành công sẽ đến
"Rồi sẽ đến một độ tuổi, bạn nhận ra thất nghiệp đáng sợ hơn thất tình."
Thất tình khiến người trẻ buồn, thất nghiệp khiến người trẻ khủng hoảng. Những bạn trẻ mới ra trường, những người đang loay hoay tìm kiếm một công việc phù hợp sẽ thấm thía câu nói trên hơn bất cứ ai. Rõ ràng, chúng ta không chết vì thất tình nhưng vì thất nghiệp, thì có.
Và khủng hoảng chỉ là một tên gọi mĩ miều hơn của "nỗi sợ". Người trẻ sợ không tìm được công việc để tự nuôi sống bản thân, sợ sẽ tụt lùi khi chôn chân quá lâu trên hành trình đi tìm đam mê,...
Nhưng việc tìm ra những điều đó liệu có khó khăn đến thế? Cuộc trò chuyện với Milena Nguyễn - Chuyên gia tư vấn, hướng nghiệp cho người trẻ sẽ cho chúng ta một cái nhìn tích cực, cởi mở và sâu sắc hơn về vấn đề này.
Life Coach Milena Nguyễn
Từng là thành viên trong Ban lãnh đạo AIESEC - Tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận toàn cầu giúp phát triển năng lực lãnh đạo của người trẻ, Milena đã có cơ hội tiếp xúc và làm việc với nhiều bạn trẻ đến từ các nền văn hóa khác nhau trên thế giới.
Chia sẻ với chúng tôi, Milena cho biết đây là bước đệm rất lớn giúp cô trở thành một người tư vấn - hướng nghiệp cho người trẻ.
Đừng quan trọng hóa đam mê, sự tò mò mới là điều giúp bạn có những cú nhảy trong sự nghiệp
Milena nghĩ sao về câu nói "Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn"? Theo chị, đam mê có thực sự là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng sự nghiệp hay không?
Cá nhân tôi thấy rằng đam mê là thứ đang bị quá nhiều người thổi phồng, quan trọng hóa nó lên. Chúng ta thử hình dung như thế này, nếu hàng ngày bạn đều tự hỏi chính mình "Đam mê của mình là gì?", "Tại sao người khác có đam mê còn mình thì không?", bạn chắc chắn sẽ căng thẳng. Nếu ngày hôm sau bạn vẫn tiếp tục suy nghĩ về những câu hỏi đó, sự căng thẳng sẽ lớn lên, dần trở thành nỗi bế tắc.
Đam mê không phải là điều một người có thể nhận ra, tìm thấy từ việc chỉ ngồi không và suy nghĩ. Chính vì thế, tôi cho rằng sự tò mò có nhiều ý nghĩa hơn trong giai đoạn người trẻ đang tìm kiếm, xây dựng sự nghiệp.
Một người có thể chưa nhận diện được đam mê của mình, nhưng chắc chắn sẽ luôn có những điều khiến họ tò mò và cảm thấy thú vị, vui vẻ nếu được trải nghiệm. Tôi muốn các bạn để tâm hơn tới những điều như thế. Bởi sự tò mò sẽ thôi thúc bạn tìm tòi, học hỏi, và hành động.
Chưa kể, việc tìm ra điều bạn tò mò cũng dễ hơn nhiều việc tìm ra đam mê. Sự tò mò hiện diện rõ nhất trên giá sách của bạn. Bạn thường hay đọc sách về lĩnh vực nào nhất, đó chính là nơi sự tò mò đang ẩn lấp.
Trước khi quyết định gắn bó với nghề tư vấn - hướng nghiệp và đạt được một vài thành công nhất định, tôi cũng từng thử sức ở rất nhiều lĩnh vực, từ vẽ tranh để bán cho tới mở trung tâm Yoga, tất cả đều bắt đầu từ cảm giác tò mò. Khi bạn dũng cảm đi theo tiếng gọi của sự tò mò, bạn sẽ dám thử. Tôi nghĩ rằng việc thử sức và trải nghiệm nhiều sự tò mò khác nhau sẽ là nấc thang giúp bạn tìm ra đam mê.
Đó thực sự là một hành trình, mà nếu chỉ ngồi nghĩ, chúng ta sẽ không thể tìm ra được.
Sợ phí hoài thời gian là một trong những sai lầm lớn nhất của người trẻ
Nhiều bạn trẻ ở Việt Nam đang rơi vào tình trạng không biết bản thân thực sự muốn làm gì. Làm đúng ngành thì không thực sự có hứng thú, nhưng để làm trái ngành thì lại chưa biết ngành nào phù hợp với mình. Milena có lời khuyên nào dành cho các bạn đang trong trạng thái lạc lối như vậy?
Đừng chỉ học trong trường ĐH là điều mà tôi vẫn thường chia sẻ với những bạn trẻ tìm đến mình để xin lời khuyên. Hãy tham gia các tổ chức, các câu lạc bộ. Quãng đời sinh viên cho bạn đủ thời gian, sức lực để làm điều đó. Có thử, bạn mới biết mình hợp hoặc không hợp với điều gì. Bản thân tôi cũng vậy, nếu không tham gia AIESEC, tôi sẽ không nhận ra rằng mình có hứng thú với công việc tiếp xúc, tư vấn cho người khác.
Với những bạn đã đi làm và chợt nhận ra bản thân không còn muốn gắn bó với lĩnh vực hiện tại, tôi mong các bạn hiểu và tin rằng không bao giờ là quá muộn để đi theo tiếng gọi của sự tò mò - một bước đệm quan trọng dẫn bạn tìm ra đam mê thực sự của bản thân.
Với kinh nghiệm tư vấn, làm việc cùng nhiều bạn trẻ ở các quốc gia và châu lục khác nhau, Milena cảm thấy người trẻ thường mắc phải những sai lầm nào trên hành trình xây dựng sự nghiệp?
Sai lầm đầu tiên mà tôi thấy nhiều người đang mắc phải đó chính là nỗi sợ bản thân sẽ phí hoài thời gian.
Vì sợ lãng phí thời gian nên họ không dám thay đổi. Một ví dụ cụ thể là những bạn trẻ đang cảm thấy chán nản với công việc hiện tại, nhưng họ vẫn tiếp tục làm công việc đó hàng ngày. Tại sao họ tiếp tục? Chính bởi suy nghĩ "sợ phí thời gian". Nhưng thực sự thì không có gì là lãng phí cả. Những kinh nghiệm, kiến thức mà bạn học được ở công việc cũ đều giúp bạn có một nền tảng kiến thức và tư duy tốt hơn. Những điều đó thì công việc nào cũng cần cả.
Sai lầm thứ 2, theo tôi, đó là các bạn chỉ tập trung thay đổi điều kiện bên ngoài mà không nhìn nhận, thay đổi nội tâm của chính mình. Giả sử, bạn chán việc, ghét sếp, không ưa đồng nghiệp và bạn quyết định chuyển việc. Nhưng điều bạn thực sự nên suy nghĩ là tại sao mình chán việc, tại sao mình không hòa hợp được với cấp trên và những đồng nghiệp khác? Bạn cần phải tìm lời đáp cho chính mình thì mới có thể tìm được một môi trường, công việc phù hợp.
Sai lầm thứ 3 mà tôi cho rằng nhiều bạn trẻ thường mắc phải đó là không biết tìm sự trợ giúp. Bạn không nên nghĩ rằng "mình phải làm mọi thứ một mình". Hãy tìm kiếm sự trợ giúp, có thể là một người hướng dẫn, một chuyên gia tư vấn hoặc bất cứ cộng đồng nào phù hợp với mong muốn phát triển của bạn.
Khủng hoảng luôn là một cơ hội
Dịch Covid-19 đã vô tình khiến nhiều bạn trẻ rơi vào khủng hoảng vì thất nghiệp. Có vẻ như cuộc đời lúc nào cũng sẽ có những cơn khủng hoảng không thể tránh khỏi. Milena có chia sẻ gì để các bạn có cái nhìn tích cực hơn mỗi khi khủng hoảng ập đến, cũng như cách vượt qua khủng hoảng hay không?
Hãy nghĩ thế này, một năm có 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông. Đó là vòng tuần hoàn của tự nhiên và tôi nghĩ khủng hoảng cũng vậy. Giống như cây phải rụng lá vào mùa thu để đến mùa xuân đơm chồi, nảy lộc, việc bạn gặp khủng hoảng thực chất là cơ hội.
Có những giai đoạn, bạn cảm thấy bản thân đang phát triển rất nhanh, nhưng cũng đừng lo sợ nếu bỗng một ngày bạn nhận ra mình đang chán nản, không tiến bộ.
Cá nhân tôi không cho đó là khủng hoảng, mà chỉ đơn giản là tiếng gọi của tâm hồn rằng bạn đang cần được nghỉ ngơi, bản thân bạn đang cần suy nghĩ nghiêm túc để trả lời câu hỏi: Công việc của bạn, những gì bạn đang làm có thực sự khiến bạn lại gần hơn với con người và khát khao của chính mình hay không?
Rõ ràng, khi bạn cảm thấy chán nản, thiếu nhiệt huyết, có điều gì đó bên trong bạn đang thay đổi mà bạn cần nhận ra để bắt kịp chúng. Vì thế, hãy bình tĩnh để tỉnh táo suy nghĩ.
Mỗi người cần phải tìm ra định nghĩa thành công riêng của mình
Tôi thấy có nhiều bạn trẻ không tìm được cảm giác hài lòng hay thực sự hạnh phúc với cuộc sống dù họ đã có một công việc đúng đam mê, những thành công nhất định và đương nhiên, thu nhập không hề thấp. Milena có giải pháp, lời khuyên nào để các bạn có thể thoát khỏi tình trạng đó?
Gần như tất cả những bạn tìm đến tôi đều trong tình trạng như vậy. Họ không hạnh phúc dù công việc và thu nhập đều ổn. Tôi nghĩ rằng có rất nhiều nguyên nhân khiến một người cảm thấy không hài lòng với cuộc sống dù các yếu tố tạo nên cuộc sống đều có vẻ ổn.
Chúng ta không thể tìm ra một công thức chung đúng với tất cả. Nhưng tôi tin rằng chìa khóa giúp bạn có được cảm giác hài lòng, hạnh phúc chính là bạn tìm ra được định nghĩa thành công của riêng bạn.
Theo tôi thấy, định nghĩa thành công của xã hội là bạn giàu, bạn có nhà lầu, xe hơi và thật nhiều tiền. Nhưng không phải ai cũng thực sự cần những điều đó để hạnh phúc. Bạn làm việc quần quật 8-12 tiếng một ngày, bạn kiếm được tiền, nhưng khi trở về nhà, bạn có thời gian để chăm sóc bản thân và tận hưởng sự rảnh rỗi hay không?
Nếu những điều trái tim bạn thật sự khao khát, bạn chưa đáp ứng được, thì dù số dư tài khoản của bạn lớn thế nào, chức vụ bạn có to ra sao, tôi nghĩ rằng bạn vẫn chưa thành công. Đó là lúc bạn nên sống chậm lại để tìm ra định nghĩa thành công của riêng mình và dũng cảm đi theo nó thay vì áp đặt một định nghĩa chung của xã hội.
Với những chia sẻ của Milena Nguyễn, hy vọng rằng các bạn trẻ, dù đang ở độ tuổi nào đi nữa cũng sẽ có một cái nhìn tích cực, tự tin hơn trên hành trình tìm kiếm, xây dựng sự nghiệp của chính mình.
"Đi theo tiếng gọi của sự tò mò" và "tìm ra định nghĩa thành công của riêng mình" là 2 điều mà Milena đã nhắc lại nhiều lần trong suốt buổi trò chuyện này. Chúng tôi mong rằng các bạn trẻ cũng sẽ luôn ghi nhớ, tự nhủ với chính mình điều đó để không chỉ tìm ra đam mê, mà quan trọng hơn, luôn cảm thấy hạnh phúc, đủ đầy với cuộc sống hiện tại của mình.
Xin cảm ơn Milena về buổi trò chuyện này!
Nhịp Sống Việt