Chuyên gia khuyến cáo hoạt động hàng không trước biến chủng Omicron
Nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, kế hoạch mở lại đường bay quốc tế của Việt Nam sẽ bị tác động thế nào khi có biến chủng Omicron và số F0 trong nước đang tăng trở lại?
- 04-12-2021Lo biến thể Omicron, hàng không đề nghị khẩn dừng chuyến bay từ 10 nước châu Phi
- 20-11-2021Vụ tham ô tài sản tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài: Bắt thêm 2 giám đốc các hãng taxi
- 02-11-2021Cục Hàng không thông tin chính thức vụ 2 máy bay Airbus A321 va nhau ở sân bay Nội Bài
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã xây dựng kế hoạch và báo cáo Thủ tướng Chính phủ lộ trình nối lại một số đường bay thương mại quốc tế dự kiến từ tháng 12/2021 và đầu năm 2022. Tuy nhiên, trước việc xuất hiện biến chủng mới Omicron, các nước đều sẽ thận trọng hơn.
Theo dõi sát sao diễn biến dịch bệnh, giới chuyên gia trong nước cũng cho rằng, biện pháp đặt lên hàng đầu là kiểm soát người đi từ vùng có dịch, đặc biệt là người ở vùng dịch nguy cơ cao và rất cao.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng các hoạt động giao thông vận tải, trong đó có hàng không, được nối lại theo trạng thái “bình thường mới”, nên nhu cầu đi lại của người dân rất cao. Cùng với các quy định cụ thể của từng Bộ ngành để đảm bảo chống dịch, thì ý thức của người dân cũng là yếu tố quan trọng trong thích ứng linh hoạt, an toàn.
PV: Thưa PGS.TS Trần Đắc Phu, ông đánh giá cụ thể như thế nào về diễn biến dịch COVID-19 với sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron? Theo đó việc mở cửa, nối lại các hoạt động, kế hoạch nối lại các đường bay quốc tế của Việt Nam có bị ảnh hưởng?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2 vừa qua xuất hiện ở Nam Phi và đến nay đã được phát hiện ở hơn 40 nước. Tuy nhiên, về cơ bản các nước xuất hiện biến chủng đều có người đi-đến từ Nam Phi.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho rằng, đây là biến chủng đáng quan ngại, nhưng hiện nay cũng có những ý kiến trái chiều. Trong đó, có ý kiến cho rằng với biến chủng mới dịch sẽ lây lan nhanh và “vô hiệu hoá các vaccine” hiện nay. Nhưng theo những đánh giá khác, biến thể mới chỉ gây triệu chứng nhẹ, không gây bệnh nặng. Tuy vậy, biến chủng mới vẫn cần được theo dõi và đánh giá tiếp.
Với Việt Nam, tôi cho rằng, chúng ta cần nêu cao sự cảnh giác, đặc biệt với những trường hợp người đi đến từ các nước Châu Phi đang có dịch qua đường hàng không, theo đó, những hành khách nhập cảnh vẫn cần theo dõi y tế sát sao.
Như chúng ta biết, hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã có tỷ lệ tiêm vaccine cao và Việt Nam cũng đạt độ phủ vaccine nhất định để triển khai thích ứng an toàn với dịch COVID-19.
Trong khi ý kiến về “vô hiệu hóa vaccine” của biến chủng mới chưa được khẳng định và thực tế đến nay vaccine vẫn chứng minh đã có những hiệu quả tốt trong phòng, chống dịch, tôi cho rằng, chúng ta vẫn có thể mở những đường bay quốc tế, cùng với việc tăng cường những biện pháp nghiêm ngặt về an toàn, phòng, chống dịch bệnh cho đường hàng không. Đặc biệt, theo dõi y tế sát sao với người nhập cảnh, người đến từ những nước đã xuất hiện biến chủng mới.
PV: Khi triển khai Nghị quyết 128 về thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch COVID-19, nhu cầu đi lại của người dân đã tăng cao, nhưng với biến chủng mới, Việt Nam cần những biện pháp cụ thể nào để đảm bảo an toàn chống dịch, nhất là với các đường bay?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Về biện pháp cụ thể, ngành y tế và ngành giao thông vận tải đã có những quy định rõ ràng cho từng chuyến bay, cho phòng dịch tại sân bay hay trên tàu hỏa, tại sân ga… Đồng thời, chúng ta cũng tăng cường kiểm dịch tại cửa khẩu biên giới.
Chúng ta thực hiện xét nghiệm và thậm chí giải trình tự gene những trường hợp nghi ngờ về từ vùng dịch có biến chủng Omicron. Trong trường hợp phát hiện biến thể mới, chúng ta cũng sẽ có những biện pháp cách ly và ngăn ngừa ngay để chống lây lan trong khi thế giới chưa có nhiều thông tin, chưa hiểu nhiều về biến thể mới này.
Đối với các trường hợp nhập cảnh khác, chúng ta vẫn có yêu cầu đã tiêm đủ liều vaccine, thực hiện cách ly và theo dõi sức khoẻ theo những quy định thích ứng, an toàn, phòng, chống dịch hiện nay.
Với hoạt động đi lại trong nước, về cơ bản, chúng ta đang tiến hành mở cửa theo Nghị quyết 128. Biện pháp đặt lên hàng đầu là kiểm soát người đi từ vùng có dịch, đặc biệt là người ở vùng dịch nguy cơ cao và rất cao. Việc tiến hành xét nghiệm tất cả hành khách bay nội địa, kể cả người đi từ vùng xanh sẽ gây tốn kém và phát sinh nhiều bất tiện. Vì thực tế, số lượng người đi lại trong nước rất lớn chứ không chỉ riêng bằng đường hàng không. Để đảm bảo an toàn chống dịch thì ý thức chống dịch của người dân vẫn là trên hết, đặc biệt là tuân thủ 5K.
Người dân không chủ quan vì đã tiêm vaccine rồi mà lơ là phòng dịch, dẫn đến lây nhiễm dịch bệnh cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng.
Các cơ quan chức năng, các nhà vận hành dịch vụ vận tải căn cứ theo đánh giá cấp độ dịch để thực hiện các biện pháp phù hợp, linh hoạt và an toàn.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó, đề cập các quốc gia dự kiến sẽ nối lại đường bay quốc tế, cụ thể, ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc có 10 quốc gia khác.
Việc mở lại các đường bay này chia thành 3 giai đoạn, lộ trình khác nhau, cùng với đó, tần suất khai thác, biện pháp phòng chống dịch kèm theo đảm bảo nhu cầu đi lại của thị trường.
Điều kiện để mở được chuyến bay như xem xét khả năng phòng chống dịch, tiêm vaccine cho người dân và trên hết là sự đồng thuận của các quốc gia. Trong đó, "Hộ chiếu vaccine" là công cụ để có thể mở lại các đường bay. Mở đường bay với quốc gia nào phải có sự đồng thuận với quốc gia đó.
VOV