Chuyên gia khuyến cáo "thủ phạm" có thể gây ung thư dạ dày người Việt hay mắc
Mâm cơm truyền thống của người Việt Nam đủ các món và không thể thiếu món chấm mặn như bột canh, xì dầu, nước mắm. Ăn mặn chính là thủ phạm gây ung thư, đặc biệt ung thư dạ dày.
Nguy cơ ung thư dạ dày do ăn quá mặn
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nghiên cứu, mỗi thìa cà phê muối là 5gram muối, đó chính là lượng muối tối đa cho một người/ngày. Thế nhưng, ở Việt Nam đang ăn lên tới 9,4 gram muối/ngày, gần như gấp đôi so với khuyến cáo của WHO đưa ra.
"Không riêng gì Việt Nam mà tình trạng ăn thừa muối diễn ra trên cả thế giới. Ở các nước phát triển thì muối chủ yếu được đưa vào cơ thể qua các thực phẩm chế biến sẵn và ăn uống ở nhà hàng.
Còn ở Việt Nam thì 70% lượng muối đưa vào cơ thể là tại gia đình, trong quá trình chế biến món ăn và xuất hiện trên bàn ăn (gia vị, nước chấm). Chính thực phẩm mặn cũng là thủ phạm góp phần vào thực trạng ăn thừa muối ở nước ta hiện nay" - TS.BS Lại Đức Trường - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho hay.
Theo chị Đinh Thanh Bình (30 tuổi – sống tại Nghệ An) thì gia đình chị xuất thân là người miền Trung, thói quen ăn các món mặn gần như là "quy luật" bất di bất dịch của cả nhà.
Ung thư dạ dày sẽ gõ cửa nếu con người vẫn tiếp tục tống tháo lượng lớn axit mặn vào cơ thể.
Ngoài những món có đặc tính mặn từ biển như tôm, mực, ngao mỗi khi chế biến chị cũng không quên nêm nhiều muối và gia vị mặn, thậm chí trong bữa ăn chị và các thành viên trong gia đình còn chấm thêm tương và mắm.
Gần đây, chị Bình được nhiều người cảnh báo rằng ăn mặn dễ bị ung thư dạ dày. Thông tin này khiến chị lo lắng nhưng vẫn không thể thay đổi được thói quen ăn mặn. Chị đã đến trung tâm tầm soát ung thư sớm và được các Bác sĩ cảnh báo về nguy cơ mắc ung thư dạ dày do cơ thể đang bị thừa một lượng muối khá lớn.
Nhiều người nhận thức chưa đúng về ăn mặn
Theo kết quả khảo sát nhanh thì chỉ có 16% người dân thừa nhận là có ăn mặn, trong khi số liệu thống kê thực tế của Cục y tế dự phòng (Bộ y tế) thì có trên 90% người dân ăn quá 5 gram muối/ngày, 20% thường xuyên ăn các món có nhiều muối như dưa, cà muối, mì ăn liền, lạc rang muối, xúc xích, dăm bông…
Cũng theo Cục y tế dự phòng, nghiên cứu tại Tp.HCM cho thấy có đến 73% gia đình dùng mì ăn liền, 37% sử dụng thức ăn đóng hộp như cá hộp, thịt hộp… 31% có ăn xúc xích. Trong khi đó một gói mì ăn liền trung bình có 4,2 gram muối tương đương 5 – 7 gram muối trong 100gram sản phẩm.
TS.BS Lại Đức Trường - Tổ chức Y tế thế giới (WHO)
Trong vài thập kỷ qua, tỷ lệ tăng huyết áp liên tục tăng lên, từ mức 1% (1960) lên 11,2% (1992). Năm 2015 tỉ lệ này là 18,9% dân số, tương đương với 12 triệu người. Hiện nay, cứ 5 người trưởng thành thì lại có 1 người mắc tăng huyết áp.
TS.BS Lại Đức Trường nhấn mạnh, hiện nay trên thế giới tỉ lệ tử vong do tim mạch chiếm khoảng 30% tức là cứ 3 trường hợp tử vong thì có 1 ca do bệnh tim mạch , cao hơn so với mặt bằng chung của thế giới.
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến tăng huyết áp từ muối, cụ thể do: Ăn muối vào cơ thể tích nước làm tăng lưu lượng tuần hoàn, khối lượng máu tăng lên. Cũng có giả thiết cho rằng, do natri tác động vào thành mạch, làm thành mạch bị co lại.
Đặc biệt, thừa muối còn làm tăng nguy cơ suy thận, loãng xương, ung thư đường tiêu hóa, nhất là ung thư dạ dày sẽ gõ cửa nếu con người vẫn tiếp tục tống tháo lượng lớn axit mặn vào cơ thể.
Muối rất cần thiết nhưng ăn một lượng vừa đủ sẽ tốt hơn là thừa
TS.BS Nghiêm Nguyệt Thu – Trưởng khoa DDLS và Tiết chế - Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ: "Thực ra muối rất cần thiết cho cơ thể, nhưng với một lượng vừa đủ sẽ tốt hơn là thừa. Dùng nước chấm trong bữa ăn đã là một nét trong thói quen ẩm thực của mỗi gia đình Việt Nam, các loại tương, mắm khác nhau đều rất khó để không xuất hiện trong mâm cơm
Tuy nhiên, để giảm được một nửa lượng muối ăn hàng ngày, nghĩa là 5 gram muối, mỗi người cần phải biết được lượng muối vào cơ thể từ rất nhiều nguồn khác nhau, cụ thể như: Muối từ nước chấm, từ trong quá trình nấu ăn, từ lượng muối có sẵn trong thực phẩm (tôm, mực…) và từ các thực phẩm chế biến sẵn như giò, chả, lạp xườn…".
Muối không phải là chất gây nghiện nhưng với nhiều người thì việc ăn nhạt là rất khó khăn vì đó là khẩu vị. Việc hướng dẫn thay đổi chế độ ăn giảm muối cần phải có thời gian.
Chuyên gia cũng khuyến cáo, về phía gia đình người trực tiếp nấu nướng cần giảm lượng muối trong quá trình chế biến. Mỗi thành viên trong gia đình cũng cần giúp nhau nhận thức đúng về lượng muối trong bữa ăn có ở những đâu để cân nhắc ăn sao cho phù hợp.
Trí thức trẻ